Theo dõi trên

Đẩy mạnh cuộc chiến chống rác thải nhựa

07/05/2019, 09:06

BT- Thời gian gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội đề cập khá nhiều đến việc một số siêu thị, cửa hàng đã có những sáng kiến góp phần bảo vệ môi trường như hạn chế rác thải nhựa bằng việc dùng lá chuối, túi vải, túi nilon tự hủy để gói, đựng hàng, cùng với đó cũng đã phân phối các sản phẩm bao bì thân thiện môi trường.

Một số địa phương phát động phong trào “dùng làn đi chợ, nói không với túi nilon” cũng đã được các bà nội trợ hưởng ứng… bước đầu đã tạo ra những hiệu ứng tích cực trong nhận thức cũng như hành động của một bộ phận dân cư, nhằm từng bước hạn chế rác thải nhựa đang từng ngày đe dọa cuộc sống, sức khỏe con người.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi năm lượng rác nhựa thải ra đủ để bao quanh trái đất 4 lần. Gần một phần tư túi nilon sử dụng không được thu gom và xử lý, do đó làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và nó có thể tồn tại hàng trăm năm, thậm chí là nghìn năm trước khi bị tiêu hủy. Rác thải nhựa hầu hết được dồn ra biển, nằm lại dưới đáy đại dương và trở thành một phần thức ăn đầu độc các loài sinh vật biển. Theo dự báo của các nhà khoa học, khối lượng rác nhựa đến năm 2050 ở các đại dương sẽ nặng hơn khối lượng của cá. Việt Nam được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới. Ước tính mỗi năm có 8 triệu tấn rác nhựa đổ vào các đại dương trên toàn thế giới; trong đó khoảng 55 - 60% rác thải này từ 5 quốc gia: Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam.

Bình Thuận là tỉnh ven biển, có hoạt động du lịch khá phát triển, hàng năm lượng rác thải nhựa do cư dân sở tại, khách du lịch thải ra cùng với rác “quốc tế” từ  biển tấp vào khá lớn. Nhiều thời điểm các vùng biển như Mũi Né, Hàm Tiến, Phú Hài, Tiến Thành (Phan Thiết), Phan Rí Cửa, Chí Công (Tuy Phong), La Gi trở thành những bãi rác khổng lồ với vô số rác thải chai nhựa, rong rêu, dây thừng, dây nhựa ngập ngụa bờ biển mà nhiều người ví “rác nhiều hơn cát”, gây ra hình ảnh hết sức phản cảm, làm xấu mỹ quan và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Như trên đã nói, mặc dù có những chuyển biến bước đầu, nhưng tình trạng sử dụng túi nilon để gói, đựng hàng hóa vẫn rất phổ biến hiện nay. Chúng ta rất dễ thấy ở các chợ truyền thống, cửa hàng hay ở các siêu thị hình ảnh người mua hàng lỉnh kỉnh trên tay hay treo trên xe các loại túi nilon đựng đủ loại hàng hóa, từ thực phẩm tươi sống như thịt, cá, rau đến các loại đồ ăn chín. Một số siêu thị vừa qua sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường để gói, đựng hàng hóa nhưng cũng chỉ rất ít và phong trào có nguy cơ trở thành “đầu voi đuôi chuột”, nếu không có những giải pháp thiết thực, hữu hiệu để duy trì và thúc đẩy phong trào lên một bước mới.

Chính vì sự nguy hiểm của rác thải nhựa ngày càng gia tăng, Liên Hợp Quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” nhân Ngày Môi trường thế giới năm 2018. Bộ Tài nguyên & Môi trường đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch tổ chức phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh năm 2019.

Để cuộc chiến “Chống rác thải nhựa” trở thành phong trào sâu, rộng cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi người cùng nhau thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Các cơ quan, đơn vị không mua sắm, sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động của mình; phát động mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hành động và vận động người thân cùng thực hiện việc giảm thiểu; tiến tới chấm dứt sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần. Bên cạnh đó, phát động phong trào huy động cộng đồng tham gia thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi nilon và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định; nhất là xử lý rác thải nhựa và rác “quốc tế” ở các bãi biển.

Tập trung vận động các hệ thống siêu thị, cửa hàng và các chợ truyền thống áp dụng thực hành thay thế sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần, tiến tới chấm dứt việc sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, dùng một lần. Đối với các doanh nghiệp sản xuất có sản phẩm phát sinh rác thải túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy... tổ chức thu hồi vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định; đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất; hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường. Cùng với đó, Nhà nước cần sớm có quy định cấm triệt để các loại túi nilon không thân thiện với môi trường, qua đó sẽ kích thích sản xuất và sử dụng sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.

 Hãy nói không với việc sử dụng túi nilon, ống hút nhựa, chai nhựa, sản phẩm nhựa sử dụng một lần… để bảo vệ cuộc sống và sức khỏe cho mọi người.

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đẩy mạnh cuộc chiến chống rác thải nhựa