Theo dõi trên

Cuộc hội ngộ của những người “chỉ quen đi đường dốc”

26/07/2017, 08:29 - Lượt đọc: 60

BT- Một ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5/2017, theo chân các anh chị Đoàn H50, chúng tôi lên đường đến với Đa Kai, Đức Linh, nơi vừa được chính quyền công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh không bao lâu.

                
Ảnh minh họa

Chuyến xe về với nơi ghi danh của những người “đầu trần chân đất”, “vượt dốc ngàn ngày”, giờ bon bon trên những con đường trải nhựa bóng loáng, nào phải những con đường mòn “như cọng chỉ bỏ quên trong cỏ rối” khi xưa, mà nhà thơ Anh Ngọc đã miêu tả trong trường ca “Sông núi trên vai”  (viết về các cô gái Đoàn vận tải H50).

Đó là mơ ước hội ngộ lâu nay của các anh các chị. Vì không dễ để tụ hội về mảnh đất thiêng này, khi mà sau cuộc chiến nhiều người phân ly, tứ tán khắp nơi. Họ mong gặp nhau để bớt nhớ nhau, gặp nhau để biết bạn bây giờ ra sao… Gặp nhau để chia ngọt sẻ bùi qua từng câu chuyện kể, gặp nhau để hát lại cho nhau nghe những bài hát một thời vang vọng rừng xanh… Và gặp nhau để “lỡ may” những cái tên còn sót lại sau cuộc chiến sẽ được ngắn dần… trong những tháng ngày về sau. Bởi, ai biết được tuổi già, vì các anh các chị, ai cũng đã qua tuổi 60, ngót nghét 70 và có người đã gần 80.

Sau 3 giờ đi từ Phan Thiết, qua Hàm Thuận Nam, Hàm Tân - Suối Kiết, qua Tánh Linh, xe đoàn Phú Thủy, Phan Thiết gồm 15 anh chị đã đến Đa Kai, nơi có bia ghi danh các anh chị Đoàn H50 đã hy sinh trên chiến trường ngày ấy. Thương cho chị Thủy, chị Lượng ở Hàm Mỹ - Hàm Thuận Nam, đã hẹn xe đi ngang rước, vậy mà cứ lo xe quên đón, không gặp được bạn bè, nên đã vội bắt xe ngược ra tụ tập ở Phan Thiết cho “chắc ăn”. Chị Lê Thị An Ninh, anh Đặng Đình Bông, chị Xuân, chị Hiệp, chị Mẫn, chị Phúc, chị Sanh, chị Chính, chị Vân, chị Hạnh, chị Thế… ai nấy đều lòng vui như mở hội.

Nhiều anh chị trong đơn vị vận tải H50 ở Hàm Thuận Bắc, Lâm Đồng, Ninh Thuận… cũng đã về dự họp mặt. Niềm vui hội ngộ hiện lên trên từng khuôn mặt, từng cử chỉ, nụ cười, những cái bắt tay, những vòng tay ôm trìu mến. Anh Văn Công An, anh Nguyễn Thành Nhiên, anh Tuấn Hùng… từ Phan Rang vào. Chị Tư Hàm Đức, chị Bảy ở đồi thông tin Đà Lạt… và rất nhiều anh chị khác. Ngay tại Đa Kai có anh Vè, chị Mai, anh Hồ Văn Bé… Ai nấy đều hân hoan chào đón đồng đội trong ngày họp mặt. Những câu chuyện về C1, C2, C3, C4, C5, C6, C7, C8, C9, C10 với những người có kỷ niệm “đặc biệt” cứ vang lên không ngớt. Những vùng đất chiến trường năm xưa ở Việt Nam hay sát đất bạn Campuchia - qua sông Đắk Quýt cũng được nhắc lại với những câu chuyện thật xúc động.

Thương nhất là câu chuyện các chị quen thồ hàng trên vai vượt dốc, nên đôi chân đi đường dốc quen hơn đi đường bằng. Bàn chân cứ quen dốc đứng, nên khi đi đường bằng với các chị là một cực hình vì thẳng bàn chân sẽ đi rất đau. Khi nước nhà thống nhất, các chị phải tập đi đường bằng rất khổ sở… hệt như chuyện “Ngủ võng quen, ngủ giường không quen”…

Rồi những câu chuyện về trọng lượng hàng phải thồ. Thật khó hình dung, người thì bé nhỏ nhưng lượng hàng phải gùi có khi lên gấp đôi trọng lượng cơ thể, lại phải đi trong dông gió, đạn bom, địa hình hiểm trở… phải băng qua đêm tối và hiểm nguy khi gặp phía bên kia… Sức mạnh nào cho các chị, các anh một tháng phải đạt chỉ tiêu 22 ngày “xuống đường” thồ hàng và giữ an toàn tuyệt đối cho hàng như thế.

Cuộc hội ngộ đầy cảm động nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đoàn vận tải H50, của những con người anh dũng đã đi qua những tháng ngày chìm trong mưa bom bão đạn, đi qua những tháng ngày gian khổ gùi hàng – cõng cái chết trên vai đi tìm sự sống, đi qua những tháng ngày “ăn mầm chết để cho mầm sống” vì gạo chiến trường đã thấm chất độc vàng như nghệ… Có khi gạo ẩm vẫn phải ăn để có sức mà thồ hàng cho chiến dịch…

Rồi chuyện “đói bụng” vì thiếu lương thực. Các chị kể lại “sáng kiến” chỉ lấy một phần cơm vắt, rồi ngắt ra chia cho nhau. Đến bữa cơm, mỗi người sẽ ngắt lại một ít cho người đã hy sinh phần cơm của mình.

Thương cho câu chuyện thồ hàng chiến lợi phẩm “thịt hộp, cá hộp”, nhưng đã kiểm kê chặt chẽ, có đói, có thèm cũng không được ăn. Nên mới có chuyện: ngã bồng cho hộp thịt móp đi để báo cáo và được khui ăn…

Chị Xuân kể chuyện: Khi vừa nhận hàng vận tải thì máy bay phía bên kia đến. Chị chạy vội xuống hầm thì bị chặn lại với câu nói: Hầm đông rồi, em sang hầm khác đi, để lỡ trúng pháo chết hết “uổng” lắm. Chị chạy sang hầm khác, cũng đông. Pháo nổ kinh. Vội canh máy bay đang vần vũ, chị Xuân chạy sang hầm khác. Có một người tên chị Mai, ai ngờ lúc ấy bị quăng lựu đạn xuống ngay hầm. Ánh sáng tóe lửa. Chị Mai ngồi đó im lìm, còn chị Xuân nghe lạnh lưng và buốt cả tay, cả chân. Bên ngoài ầm ào. Biết chị Mai đã chết nhưng chị Xuân bị tức ngực ra máu nhiều, vẫn phải ngồi đến hơn cả buổi mới bò ra được nắp hầm, chờ người đi ngang kêu cứu. Khi đưa chị Xuân đến được trạm xá trong rừng trên cáng võng bằng cây rừng, trạm xá không có thuốc tê, chị phải cắn răng chịu đựng cho y sĩ cắt những thịt vụn nơi cánh tay nát… mà nghe đau thắt từng thớ thịt… Rất nhiều chuyện kể được nói ra, được nhớ lại, được chia sẻ. Rất nhiều cái tên được nhắc đến. Họ hy sinh trên chiến trường, có người được chôn vội chôn vàng và đánh dấu vội vã. Vật đổi sao dời, có người chưa tìm được xác… Nhìn những đồng đội của nhau tay bắt mặt mừng ôn lại chuyện cũ thật là xúc động. Họ ngồi ngay trên khoảng sân rộng trước bia ghi danh mà tâm tình, sẻ chia…

Và 19 giờ, sân Bia ghi danh Đoàn vận tải H50 rộn rã tiếng loa, tiếng nhạc. Các anh chị căng băng rôn, lo hậu đài, khuân vác ghế ra sân… Sau phần lễ và giới thiệu của MC Đặng Đình Bông, anh Văn Công An đã lên ôn lại truyền thống, chị Lê Thị An Ninh lên báo cáo hoạt động của đơn vị, số lượng ai còn ai mất… Thơ của Đỗ Quang Vinh viết về đoàn vận tải và các tài liệu nghiên cứu về trường ca của Đoàn H50 cũng được xướng lên. Bài ca của nhạc sĩ Hoài Sơn viết về đoàn vận tải cũng được hát vang.

Sau đó là chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn. Do sợ làm phiền huyện nhà, nên Ban liên lạc chỉ xin âm thanh và nơi họp mặt. Từng người, từng người trong Đoàn H50 khi xưa lại cùng nhau khiêng ghế ra sân lễ… Nhìn các anh, các chị lên sân khấu hát một cách hồn nhiên, vui vẻ, thoải mái như hồi ở chiến trường thật vui. Nào là: Tiếng đàn Ta Lư, Cô gái tải đạn, Bóng cây Kơ Nia, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Cô gái vót chông… nào là Tự nguyện… Có cả những màn tặng hoa cho “ca sĩ”… Tiếng cười, tiếng nói, tiếng vỗ tay vang lên không ngớt.

Trong đoàn, có anh Văn Công An một đời tâm huyết với đồng đội và đã nhớ lại để ghi chép, đã sưu tầm những nghiên cứu, tìm những bài hát, những bài thơ viết về Đoàn H50 để giới thiệu cho đồng đội hôm nay. Có chị Lê Thị Hồng Thính, vừa gùi hàng giỏi, lại hát hay và sau khi nước nhà yên ắng, chị cũng là người tâm huyết với chuyện “đi tìm đồng đội” năm xưa. Và còn nhiều người trong đoàn nữa, tất cả vì đồng đội yêu thương…

Chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ, những con người trẻ trung trong Đoàn H50 ngày ấy giờ cũng đã thành cụ ông, cụ bà. Tất cả chỉ còn lại tình thương đồng đội. Họ muốn gần bên nhau, quây quần tụ hội nơi đã từng là mảnh đất thiêng của họ, để còn thấy nhau, chia sẻ những hồi ức không quên và động viên nhau để sống vui, sống khỏe cùng con cháu.

Một đêm cùng các anh chị ôn lại kỷ niệm xưa nơi chiến trường xưa thật ấn tượng và đầy ắp tình yêu thương đồng đội. Nhớ về Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, chúng ta không thể quên “…Những người con gái con trai/Đẹp như hoa hồng và cứng hơn sắt thép” của Đoàn vận tải H50 (thành lập 50 năm về trước). Chính họ là những người góp phần làm nên trang sử vẻ vang của tỉnh nhà, của dân tộc ta. Xin thành kính tri ân các anh các chị, những bông hoa đẹp của một thời binh lửa.                   

Ghi chép của BẠCH HẠC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc hội ngộ của những người “chỉ quen đi đường dốc”