Theo dõi trên

 “Cuộc chiến” giữ đất rừng

14/08/2018, 09:01 - Lượt đọc: 72

BT- Những năm gần đây, tình hình người dân lấn chiếm đất rừng đang trở nên nóng hơn bởi nhiều nguyên nhân. Nhiều vụ nổi lên hết sức phức tạp, manh động, khiến chủ rừng và chính quyền địa phương đang phải “bó tay”…

Bài 1: Đi vào điểm nóng

Manh động

Dù đang vào mùa mưa, nhưng thời tiết ở Hòa Thắng (Bắc Bình) vẫn nắng gắt, hanh khô, kèm theo cảm giác nóng bức ngột ngạt. Trước khi đi chúng tôi đã nghe nói nhiều về sự phức tạp và manh động đang diễn ra ở đây nên đã liên lạc với đơn vị chủ rừng để dẫn đi. Anh Hà Việt Thanh - Phó Giám đốc phụ trách Xí nghiệp Lâm nghiệp Bắc Bình Thuận đưa chúng tôi lên đồi. Đồi nằm sát con đường huyết mạch, nối thị trấn Lương Sơn - Hòa Thắng là nơi có nhiều diện tích đất bị lấn chiếm đã thấy những hàng rào cây, lưới khá kiên cố vừa được đóng xuống chưa lâu. Phía bên trong hàng rào, từng hàng cây keo vừa mới xuống giống ngả nghiêng theo cơn gió, không theo hàng lối, èo uột bởi thiếu sự chăm sóc bởi được trồng chỉ để giữ đất. Chạy tiếp lên đồi, thuộc địa phận đất lâm nghiệp, người dân đã tự cày xới hình thành một con đường khá rộng. Gần đó là những hàng rào bằng cây còn tươi của người lấn chiếm như khẳng định chủ quyền trên mảnh đất thuộc xí nghiệp.

                
Anh Thanh - đại diện chủ rừng xót xa đứng    nhìn đất bị lấn chiếm, lập hàng rào.

Theo lời anh Thanh, cũng tại đây các đối tượng lấn chiếm đất trái phép rất manh động, mang tính chất côn đồ, sẵn sàng uy hiếp tính mạng của lực lượng quản lý bảo vệ rừng. Họ bất chấp sự giải thích pháp luật của lực lượng chức năng, công khai thách thức xem thường pháp luật. Đỉnh điểm vào ngày 9/5/2018, ông Nguyễn Văn Hiền (khu phố Lương Nam, thị trấn Lương Sơn) tự ý đưa xe máy đào vào múc gốc trên lâm phận của xí nghiệp đang quản lý (lô D, khoảnh III, tiểu khu 144 A động cát Hồng Lâm - Hòa Thắng). Xí nghiệp đã kịp thời ngăn chặn, tuyên truyền và giải thích nhưng ông Hiền không nghe, vẫn tiếp tục thực hiện hành vi lấn chiếm đất của mình với diện tích 6,05 ha. Trường hợp khác, vào ngày 4/6/2018 ông Tạ Văn Hoàng (khu phố Lương Bắc - Lương Sơn) đưa xe máy đào vào múc gốc với diện tích 4,24 ha. Tiếp đó, vào ngày 10/6, ông Hoàng tiếp tục dẫn lao động khoảng 15 người đưa cây bạch đàn vào trồng tại vị trí ông Hoàng lấn chiếm năm 2017 với diện tích trồng cây 4,3 ha. Xí nghiệp đã chủ động phối hợp với kiểm lâm địa bàn, chính quyền địa phương xã Hòa Thắng vào hiện trường giải thích, ngăn chặn. Tuy nhiên, các đối tượng này vẫn tiếp tục thực hiện hành vi lấn chiếm của mình...

Cần nói thêm, đối với khu vực 19,3 ha vào tháng 6/2017, xí nghiệp đã trồng cây và bị người dân nhổ lên phá hoại nhìn rất xót xa. Hiện nay đất đai tại khu vực này một số hộ dân cư ngụ tại khu phố Lương Trung - Lương Sơn vào lấn chiếm hầu hết đã sang nhượng lại cho các thành phần (cò đất) ở nơi khác tới mua bán đất trái phép bằng hình thức sang nhượng bằng giấy tay. Các đối tượng này thuê một nhóm thanh niên côn đồ là những thành phần bất hảo ở địa phương, sẵn sàng manh động chống đối lực lượng QLBVR và ngành chức năng. Đặc biệt nghiêm trọng hơn, khi đi tuần tra quản lý bảo vệ tại khu vực này, tính mạng của lực lượng QLBVR của xí nghiệp thường xuyên bị đe dọa và tài sản (xe gắn máy) bị đập phá. Theo một số nguồn tin, các đối tượng này vào chiếm đất để chờ đón dự án nông nghiệp công nghệ cao, nhằm lấy tiền đền bù hoặc sang nhượng lại cho các nhà đầu tư. Đặc biệt tại các văn bản báo cáo của đơn vị chủ rừng đều nhấn mạnh, đứng đằng sau các vụ gây rối, chống đối của người dân, có sự “dắt dây” của một chủ doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn.

Theo kế hoạch UBND tỉnh giao, năm 2018 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận (Công ty Lâm nghiệp) triển khai trồng rừng khoảng 150 ha tại huyện Bắc Bình. Hiện nay Xí nghiệp Lâm nghiệp Bắc Bình Thuận (xí nghiệp) đang xúc tiến gieo tạo cây giống, xử lý thực bì, chuẩn bị mặt bằng cho công tác trồng rừng khi mùa mưa đến. Tuy nhiên, vướng mắc của đơn vị là những vụ lấn chiếm trong năm 2017 vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây ảnh hưởng đến công tác trồng rừng. Cụ thể, trong quá trình trồng rừng năm 2017 của xí nghiệp tại vùng động cát Hòa Lâm, xã Hòa Thắng, người dân thị trấn Lương Sơn trực tiếp vào lấn chiếm, mua bán đất trái phép và hủy hoại tài sản Nhà nước. Đáng nói, ở những vùng đất bị lấn chiếm ở Bắc Bình hiện là những mảnh đất “vàng”, nằm trong quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Cụ thể là hành vi nhổ bỏ cây trồng tại tiểu khu 144A, tình hình diễn ra hết sức phức tạp và gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đặc biệt nghiêm trọng là diện tích người dân phá hoại lên đến 29,48 ha, với khoảng 5 hộ lấn chiếm. Kéo theo đó là thiệt hại về kinh tế của đơn vị trồng rừng rất lớn.

Không chỉ tụ tập đông người sẵn sàng dùng hung khí, chống trả lại lực lượng QLBVR và chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm khi tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra xử lý tại hiện trường; manh động hơn, họ cấu kết với những thành phần côn đồ, bất hảo ở địa phương vào trụ sở Xí nghiệp Bắc Bình Thuận dùng hung khí chém đe dọa rượt nhân viên chạy trước sự chứng kiến của công an địa phương.

Không chỉ riêng Bắc Bình, hiện trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, tình trạng lấn chiếm đất rừng cũng tồn tại nhiều năm nay. Mặc dù nhiều lần xử lý nhưng tình hình cũng ở mức báo động…

 Chiếm “vô tư” như đất không chủ

Trong vai người cần mua đất nông nghiệp ở tiểu khu 288 thuộc xã Hàm Cường, Hàm Thuận Nam, chúng tôi vào con đường gập ghềnh bùn đất có chỗ còn nhão nhoẹt do mưa dọc con kênh tiếp nước Sông Móng - Đu Đủ trong xanh. Hai bên kênh là những khu rừng trồng lên xanh tốt, thẳng hàng những rừng bạch đàn, thỉnh thoảng là những vườn thanh long đang vươn cành. Từ trên bờ kênh theo lời chỉ của người dẫn đường, chúng tôi dễ dàng tìm ra nhà bà Kim Anh - hộ được cho là “cộm cán” nhất trong những hộ lấn chiếm đất rừng. Nghe hỏi về bán đất bà có thái độ rất niềm nở, thậm chí gọi điện người cần bán hỏi giá cả, diện tích, vị trí đẹp… để chúng tôi tham khảo. Trò chuyện bà Anh cho biết, giá đất nông nghiệp chưa có sổ đỏ hiện có giá khoảng 400 triệu đồng/ha. Hồi trước nơi này rẻ lắm, đất bỏ hoang có ai mà vào làm, nhưng từ khi có con kênh chạy qua mới lên giá như vậy. Theo quan sát của chúng tôi, diện tích đất rộng lớn - nơi bị cho là bà Kim Anh lấn chiếm đất rừng có vị trí rất đẹp. Mảnh đất này ở gần hồ Đu Đủ và có tuyến kênh tiếp nước Sông Móng - Đu Đủ, rất thuận lợi trong phát triển trồng thanh long, hoa màu… khiến giá đất ở đây ngày càng tăng cao. Với diện tích rộng 6 - 7 ha, bà Kim Anh vô tư thừa nhận: Gia đình bà là một trong những hộ sống lâu năm tại đây. Lúc đầu bà mua có  hơn 1 ha. Sau đó, đi “khai phá” đất rừng, bắt đầu trồng thanh long từ năm 2006. Diện tích đất trồng thanh long sau này bà đã chia cho 2 con, mỗi người khoảng 500 trụ, một số vùng đất còn để trống vì không… làm xuể. Ngoài ra, bà còn bán cho người khác một số diện tích bằng giấy tay, hiện đã xuống trụ thanh long, giáp ranh với diện tích trồng rừng của Công ty Lâm nghiệp. Bà nói rất vô tư: “Thấy đất trống cứ vào khai hoang thêm, sợ làm không nổi thôi”. “Chị biết đất đây của Nhà nước quản lý không mà vào trồng vậy?” - tôi ngắt ngang câu chuyện hỏi, bà cười: “Mấy ổng thấy tui làm vào xử phạt mà ai biết, đất tui mua, khai hoang, tui quậy luôn, làm sổ đỏ rồi mà tui chưa lên lấy”…

Thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng và chống lấn chiếm đất lâm nghiệp, Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận được UBND tỉnh giao trên 7.600 ha theo dự án trồng rừng nguyên liệu giấy, do Xí nghiệp Lâm nghiệp Hàm Thuận Nam quản lý. Ông Cao Văn Nhân - Phó Giám đốc phụ trách Xí nghiệp Lâm nghiệp Hàm Thuận Nam cho hay: Suốt thời gian qua, xí nghiệp đã tổ chức lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm tra các vùng trọng điểm phá rừng, lấn chiếm đất trong lâm phận. Qua đó đã phát hiện một số đối tượng có hành vi xâm chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Công ty Lâm nghiệp đã phối hợp với chính quyền địa phương, ban ngành và Hạt Kiểm lâm sở tại tiến hành giải quyết, thu hồi được một số diện tích đưa vào trồng rừng và tiếp tục giải quyết vướng mắc các trường hợp lấn chiếm kéo dài. Khó khăn nhất nổi lên là trường hợp hộ bà Lê Thị Kim Anh (thôn Phú Thọ, xã Hàm Cường), từ năm 2012 đã lấn chiếm đất công ty tại tiểu khu 228 với diện tích 5 ha, xây dựng nhà, trồng cây lâu năm, hoa màu…

    
    Xí nghiệp   Lâm nghiệp Bắc Bình Thuận quản lý 3.100 ha đất rừng, với trên 23 nhân   viên. Trên địa bàn huyện Bắc Bình có khoảng 150 ha đất rừng bị lấn   chiếm, tranh chấp với hơn 50 hộ dân. Đặc biệt, có 19 ha bị lấn chiếm đại   trà, tập trung ở người dân khu phố Lương Trung - Lương Sơn, nằm trong   diện tích 29,48 ha diện tích bị nhổ cây.

Thu Thủy - Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
 “Cuộc chiến” giữ đất rừng