Theo dõi trên

Cử tri đánh giá cao kỳ họp trực tuyến đầu tiên của Quốc hội

24/06/2020, 07:57 - Lượt đọc: 6

BT- Để bảo đảm công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 và có những quyết sách kịp thời giúp Chính phủ khắc phục khó khăn do đại dịch gây ra, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV được tổ chức thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung. Kỳ họp diễn ra trong 19 ngày, giữa 2 đợt có hơn một tuần để các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án, dự thảo trình Quốc hội thông qua tại đợt 2. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội đã ứng dụng công nghệ thông tin để họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Với sự chuẩn bị chu đáo của các cơ quan, tổ chức liên quan, đợt họp trực tuyến đã được tổ chức rất thành công, thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ của Quốc hội trong cách thức tiến hành kỳ họp, được các vị đại biểu Quốc hội và cử tri đánh giá cao.

                
   Toàn cảnh kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 10 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến về 6 dự án luật khác; giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và nhiều báo cáo quan trọng khác.

Tại kỳ họp này, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành chương trình và kế hoạch đề ra. Trong thời gian diễn ra kỳ họp (họp trực tuyến từ ngày 20 – 28/5 và họp tại Hội trường Quốc hội từ ngày 8 – 19/6/2020) có 6/6 đại biểu trong đoàn đều tham dự đầy đủ các phiên họp của kỳ họp. Các đại biểu tích cực nghiên cứu các tài liệu của kỳ họp để tham gia đóng góp vào các nội dung của kỳ họp; tích cực tham gia các hoạt động của Quốc hội và các Ủy ban mà đại biểu là thành viên.

Tại phiên họp toàn thể ở hội trường đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và những tháng đầu năm 2020 đại biểu Nguyễn Thị Phúc – Tỉnh ủy viên - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh thay mặt đoàn tham gia phát biểu với các nội dung:

 Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2020, ngoài ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhiều tỉnh còn bị ảnh hưởng của hạn hán gay gắt, xâm nhập mặn. Nhưng với sự  đồng tình, hưởng ứng, chấp hành nghiêm túc của nhân dân, sự vào cuộc của các cấp, các ngành; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt sâu sát, kịp thời, nhạy bén của Chính phủ đã thực hiện tốt mục tiêu “kép”, vừa phòng chống dịch, vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; qua đó đã tăng cường niềm tin trong nhân dân và nâng cao uy tín nước ta trong cộng đồng quốc tế.

Về nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm, trước dự báo tình hình thế giới và trong nước tác động không thuận lợi đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, đại biểu Phúc đề nghị Chính phủ quan tâm một số vấn đề như sau:

Về nông, lâm và thủy sản, Báo cáo Chính phủ có đánh giá: “Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hạn hán ở các tỉnh miền Trung, xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng đến trồng trọt và nuôi trồng thủy sản; dịch tả heo châuphi chưa được khống chế hoàn toàn gây khó khăn cho công tác tái đàn; dịch Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp tại các đối tác thương mại lớn của Việt Nam, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất, nhập khẩu; thẻ vàng xuất khẩu thủy sản do Ủy ban châu Âu chưa được gỡ bỏ đã ảnh hưởng đến sản xuất nông, lâm, thủy sản; giá trị nhiều mặt hàng nông lâm, thủy sản giảm” từ đó đã tác động ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của nước ta. Đề nghị Chính phủ cần phân tích đầy đủ nguyên nhân chủ quan của những hạn chế nêu trên để thấy thấu đáo vấn đề, từ đó rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành và đưa ra những giải pháp cụ thể, mang tính khả thi cao.

Về nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm, đồng tình các giải pháp mà Chính phủ đã nêu trong báo cáo. Tuy nhiên, đại biểu Phúc đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát các nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết số 85 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 để từ đó tính toán, nhằm bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững. Mặt khác, đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến việc huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là những dự án quan trọng, có tính liên vùng, tính lan tỏa, là một trong những đột phá chiến lược mà nghị quyết Quốc hội đã đề ra để phục vụ sự phát triển cho những năm đến. Từ thực tế ở địa phương, đại biểu Phúc kiến nghị 2 vấn đề:

Về giao thông: Đề nghị đẩy nhanh tiến độ tuyến quốc lộ 28 và 28B là công trình giao thông có vai trò quan trọng đi qua 3 tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng và Đắk Nông; 2 tuyến quốc lộ này có ảnh hưởng lớn thúc đẩy phát triển kinh tế không những của 3 tỉnh, mà còn kết nối phát triển kinh tế liên vùng giữa các tỉnh Tây nguyên và Nam Trung bộ. Tuy nhiên, hiện nay 2 tuyến đường này bị hư hỏng nặng, mặt đường quá hẹp không đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa rất khó khăn, nguy cơ mất an toàn giao thông là rất cao. Đề nghị Quốc hội và Chính phủ quan tâm đưa dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 28, 28B vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Trước mắt, trong thời gian chưa cân đối được nguồn để nâng cấp mở rộng đề nghị Bộ Giao thông vận tải bố trí thêm vốn bảo trì hàng năm để sửa chữa các đoạn hư hỏng nặng, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn đối với 2 tuyến đường này.

Về phát triển ngành điện trong những năm tới: Đề nghị Chính phủ cần tăng cường thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án phát triển nguồn điện, lưới điện truyền tải; kịp thời khai thác, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, gắn với bảo đảm môi trường, nhất là đối với điện mặt trời, điện gió, góp phần quan trọng cung cấp năng lượng cho quốc gia và đảm bảo phát triển xanh, bền vững cho đất nước.

Tại Bình Thuận, hiện nay có dự án điện gió Thăng Long Wind ngoài khơimũi Kê Gà, dotập đoàn EE – Vương quốc Anh làm chủ đầu tư có công suất 3.400 MW, số vốn dự kiến khoảng 12 tỷ USD, là dự án điện gió lớn nhất ở nước ta hiện nay. Dự án đã được Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương, tập đoàn EE đang tiến hành các bước khảo sát, đánh giá để phục vụ việc lập báo cáo khả thi và trình Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, hiện nay dự án chưa có trong quy hoạch điện lực quốc gia. Do vậy, đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Côngthương xem xét sớm bổ sung dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long và hệ thống truyền tải của dự án vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia VII để nhà đầu tư có cơ sở, đẩy mạnh tiến độ chuẩn bị và sớm triển khai đầu tư dự án trong thời gian tới. Đồng thời, coi đây là dự án đặc thù mang tính đột phá của Chính phủ và cần có cơ chế, chính sách ưu tiên phù hợp để khuyến khích phát triển mạnh loại hình năng lượng tái tạo này trong thời gian tới.

Tại các buổi thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường, 6/6 đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã có 12 ý kiến tại tổ và 7 ý kiến phát biểu tại hội trường đóng góp vào các dự án luật, nghị quyết như Dự thảo luật Hòa giải đối thoại tại tòa án; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của  Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; Dự án Luật thỏa thuận Quốc tế; Việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; Về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em; Về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020; Về chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Ngoài ra, các đại biểu trong đoàn đã gửi câu hỏi chất vấn bằng văn bản đến  Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp vàphát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bảo hiểm xã hội Việt Nam về những vấn đề cử tri trong tỉnh quan tâm.

Tại kỳ họp, các đại biểu của đoàn đã trả lời phỏng vấn với các cơ quan báo chí như: Đàitiếng nói Việt Nam (VOV), Đài Truyền hình Việt Nam, Kênh truyền hình Thông Tấn xã Việt Nam (VTV1), Kênh truyền hình Quốc hội, Báo Người Đại biểu về những nội dung liên quan tại kỳ họp.

Trong thời gian tham dự kỳ họp đoàn ĐBQH tỉnh gặp gỡ, làm việc và có Công văn gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương về việc hướng dẫn thủ tục giao đất cho đối tượng người có công; Kiến nghị xem xét giải quyết chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác để triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; về việc xem xét, bổ sung dự án điện khí LNG Mũi Kê Gà, tỉnh Bình Thuận vào quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia VII.

Nhìn chung, tại kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIV, đoàn ĐBQH tỉnh đã thực hiện tốt chương trình và kế hoạch đề ra; các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã kịp thời phản ảnh những ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh nhà đến với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri cũng như những vấn đề bức xúc của tỉnh được Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương ghi nhận và có văn bản trả lời cho các đại biểu Quốc hội trong đoàn.

KHÔI NGUYÊN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cử tri đánh giá cao kỳ họp trực tuyến đầu tiên của Quốc hội