Theo dõi trên

Công dân “số”

04/03/2021, 09:22 - Lượt đọc: 6

BT- Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xem là một bước đột phá trong quản lý dân cư tại Việt Nam, tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại.

                
   Công an tỉnh thực hiện việc cấp căn cước    công dân.

Số hóa việc quản lý công dân

Ngày 25/2 vừa qua, Bộ Công an tổ chức lễ khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Đây là 2 hệ thống nền tảng giúp thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại, từ sổ hộ khẩu giấy sang quản lý bằng điện tử thông qua mã số định danh cá nhân. Đồng thời là đầu mối cung cấp thông tin về công dân, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, các tổ chức đơn giản hóa, giảm thủ tục hành chính, sử dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến.

Trong đó, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một trong các hệ thống cơ sở dữ liệu quan trọng nhất của đất nước, là hệ thống thông tin lõi của toàn bộ công dân Việt Nam để từ đó quản lý dân cư bằng phương thức hiện đại, hiệu quả và tiết kiệm. Điều này sẽ giúp những dịch vụ công rất thiết yếu và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của người dân và hoạt động kinh tế, xã hội: Đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng, khai báo lưu trú, đăng ký thuế lần đầu... được tiến hành một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, các dữ liệu đã dùng để thực hiện thủ tục hành chính sẽ được tra cứu, khai thác, giúp giảm bớt thời gian chuẩn bị hồ sơ, giảm chi phí giấy tờ, thời gian xác minh, đi lại cho công dân; giảm ngân sách nhà nước khi xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và việc lưu hồ sơ; các cơ sở dữ liệu chuyên ngành không phải nhập dữ liệu công dân.

Theo tính toán sơ bộ toàn nền kinh tế, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp giảm chi phí về thời gian chuẩn bị đơn, tờ khai gần 370 tỷ đồng; không phải xuất trình đơn, tờ khai tiết kiệm hơn 4.200 tỷ đồng/năm; các cơ sở dữ liệu chuyên ngành không phải nhập dữ liệu công dân tiết kiệm khoảng 246 tỷ đồng. Tổng chi phí tiết kiệm được là 4.864 tỷ đồng. 

Một nhiệm vụ “chưa có tiền lệ”

Việc triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một bài toán hết sức phức tạp với quy mô lớn và phạm vi rộng, đòi hỏi các bên tham gia phải có tiềm lực mạnh về công nghệ thông tin cùng kinh nghiệm triển khai các dự án lớn mang tầm quốc gia. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, 11 tháng từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và 6 tháng kể từ ngày Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, Bộ Công an và các bên tham gia đã triển khai rất quyết liệt với các nhiệm vụ cụ thể tính theo đơn vị ngày để đưa 2 hệ thống này đi vào hoạt động.

Tại Bình Thuận, lãnh đạo Công an tỉnh đã tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng tham mưu, đề ra các giải pháp sát với tình hình thực tế tại địa phương. Công an tỉnh đã thành lập 4 đoàn công tác do lãnh đạo Công an tỉnh làm trưởng đoàn. Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự - xã hội cũng thành lập 4 tổ công tác do lãnh đạo phòng làm tổ trưởng trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện tại công an các địa phương.

Để đảm bảo thực hiện đúng tiến độ mà Bộ Công an đề ra, Công an tỉnh đã điều động 50 cán bộ chiến sĩ đi hỗ trợ công an cấp huyện, cấp xã thực hiện thu thập, kiểm tra, cập nhật chỉnh sửa thông tin dân cư. Lãnh đạo công an các địa phương đã chỉ đạo quyết liệt, tích cực tham mưu UBND cùng cấp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp trong công tác tuyên truyền về dự án hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Nhờ vậy, đến nay việc triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đạt chỉ tiêu, yêu cầu đề ra. Toàn tỉnh đã thu thập thông tin dân cư đối với 1.406.048/1.408.997 nhân khẩu đạt 99,79%.

Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ hoàn thành việc thu thập thông tin với số nhân khẩu còn lại. Thực hiện việc trưng dụng cán bộ chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ cấp căn cước công dân trong thời gian cao điểm. Hoàn thành điện tử hóa tàng thư căn cước công dân, kết nối chia sẻ dữ liệu với các đơn vị liên quan, công an các địa phương đảm bảo thực hiện 2 dự án đạt yêu cầu đề ra…

    
    Hệ thống cơ sở dữ liệu   quốc gia về dân cư quản lý thông tin của hơn 100 triệu dân, phạm vi sử   dụng trên cả nước với hơn 11.500 điểm từ cấp xã, huyện đến Trung ương   với lượng người truy nhập vào hệ thống hơn 40.000.

NguyỄn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công dân “số”