Theo dõi trên

Chuyên đề an ninh trật tự tại bệnh viện:  Bài 1: Bác sĩ với nỗi lo bị hành hung 

14/11/2017, 09:32 - Lượt đọc: 96

BT - Cách đây mấy hôm, tại Bệnh viện đa khoa Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) lại xảy ra tình trạng ẩu đả ngay tại phòng cấp cứu, khi một nhóm thanh niên đạp cửa xông vào đánh tới tấp 2 bệnh nhân được đưa vào cấp cứu không lâu. Khi công an nổ súng chỉ thiên thì nhóm thanh niên hung hãn kia mới bỏ chạy. Sự việc trên gióng lên hồi chuông báo động về sự mất an toàn ở các bệnh viện trong những năm gần đây.

Côn đồ náo loạn bệnh viện

Có lẽ cái tên Hoàng Văn Truyện – một bác sĩ ở tỉnh Thừa Thiên Huế không còn xa lạ với bạn đọc cả nước khi tên của ông phủ đầy các báo, đài trong thời gian gần đây. Những lời góp ý “chân thực” về lãnh đạo Bộ Y tế trên facebook cá nhân của ông đã bị Sở Thông tin & Truyền thông phạt 5 triệu đồng và Sở Y tế tỉnh này kỷ luật với hình thức khiển trách. Tuy nhiên sau đó, quyết định xử phạt được thu hồi và lãnh đạo Sở Y tế, Sở Thông tin & Truyền thông đã trực tiếp xin lỗi bác sĩ Truyện chỉ vì những bức xúc của ông về an ninh ở bệnh viện... Sự việc khởi nguồn từ ca trực của bác sĩ Truyện, có một bệnh nhân cấp cứu. Khi bác sĩ Truyện nhận định tình trạng bệnh nhân này chỉ điều trị tuyến dưới, nhưng người nhà thì hùng hổ đòi chuyển tuyến, bệnh nhân lại không hợp tác. Hai bên đã lời qua tiếng lại và đã được Ban giám đốc bệnh viện can thiệp.

         
   

      

      Vụ truy sát nhau tại    phòng cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa tỉnh cách đây 2 năm (ảnh cắt từ    clip).

Bình Thuận tuy chưa có trường hợp nào hành hung y, bác sĩ, nhưng việc truy sát bệnh nhân tại các bệnh viện khiến dư luận xôn xao một thời gian dài. Người dân địa phương vẫn chưa quên vụ truy sát nhau tại phòng cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa tỉnh cách đây 2 năm. Vào tháng 10/2015, hai nhóm thanh niên ở thị trấn Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc do có mâu thuẫn trước đó nên đánh nhau quyết liệt làm Nguyễn Văn Quyền và Phạm Văn Hưng ở hai phe (cùng 21 tuổi, ngụ thị trấn Ma Lâm) bị thương. Hai đối tượng sau đó được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Khi các bác sĩ đang cứu chữa cho Quyền và Hưng thì đối tượng tên Bùi Văn Cảnh đã vào trong khu vực cấp cứu, đến bên cạnh bệnh nhân Quyền xem vết thương. Sau đó bước sang chỗ Hưng đang nằm và bất ngờ sử dụng dao mang theo đâm nhiều nhát vào lưng và cổ của Hưng đang nằm trên giường bệnh làm mọi người có mặt một phen hoảng loạn. Sau đó Cảnh bỏ chạy ra khỏi bệnh viện, Hưng đã được cứu chữa kịp thời qua cơn nguy kịch.

    
  

“Nếu   kiểm soát an ninh ở “nơi cứu người” được đảm bảo, thì không chỉ người   nhà bệnh nhân cảm thấy an tâm, mà chính những người mặc áo blouse trắng   đang làm nhiệm vụ cũng cảm thấy mình được tôn trọng…”

  Bác sĩ Lê Ngọc Hiệp   – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh tâm tư.

Cách đó 1 năm, vụ án mạng nghiêm trọng cũng xảy ra tại phòng cấp cứu Bệnh viện đa khoa An Phước làm gióng lên hồi chuông về tình trạng mất an ninh tại các bệnh viện. Chỉ vì ghen tuông, đối tượng Võ Tuấn Anh đã đâm nhiều nhát vào người anh Nguyễn Ngọc Vũ Hải, là nhân viên quán cà phê Trúc Lâm Viên (đường Võ Hữu, phường Phú Thủy). Sau khi bỏ trốn khỏi hiện trường, nghe tin Hải cấp cứu tại Bệnh viện An Phước, Tuấn Anh đã lẻn vào phòng cấp cứu, dùng dao đâm tiếp nhiều nhát vào ngực trong lúc Hải đang được các bác sĩ cấp cứu, làm Hải tử vong trước sự bàng hoàng của người nhà lẫn y, bác sĩ nơi đây.

Áp lực từ người nhà bệnh nhân

Ngoài những trường hợp ấy, khoa cấp cứu còn được xem là điểm “nóng” của các bệnh viện, bởi thường xuyên xảy ra những tình trạng la lối, nổi nóng, đe dọa y, bác sĩ khi người nhà không may đột ngột qua đời mà chưa rõ nguyên nhân. Bác sĩ Lê Ngọc Hiệp - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Mỗi ngày khoa cấp cứu trung bình tiếp nhận 100 ca. Ngoài áp lực chuyên môn, nay bác sĩ ở khoa  lại phải gánh thêm áp lực từ người nhà bệnh nhân. Mặt khác, người bệnh và người nhà nhiều khi không hiểu được tính chất bệnh tình của mình, không thông cảm với hạn chế về cơ sở vật chất và sự quá tải của bệnh viện, muốn được ưu tiên khám trước hoặc thấy y, bác sĩ chậm giải thích… là manh động, gây sự, có hành vi uy hiếp và gây rối…”. Điều dưỡng Bùi Thế Huy ở Khoa cấp cứu Bệnh viện tỉnh đã từng bị người nhà bệnh nhân dùng nón bảo hiểm đánh vào đầu chỉ vì chậm băng bó vết thương khi bệnh nhân đông. Chính những sự việc buồn trên ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần, tính mạng, động lực và sự tận tụy của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế. Theo những bác sĩ trực tại khoa cấp cứu ở các bệnh viện trong tỉnh, dường như đạo đức xã hội đang dần xuống cấp khi tình trạng hành hung y, bác sĩ tại bệnh viện ngày càng nhiều.

Trước những sự việc ngoài ý muốn ấy, các bệnh viện đã tăng cường công tác an ninh, yêu cầu thân nhân người bệnh chấp hành nội quy của khoa cấp cứu, tuyệt đối không vào phòng cấp cứu khi các y, bác sĩ đang cứu chữa người bệnh. Tuy nhiên, vẫn không thể tránh được những trường hợp người nhà bệnh nhân lo lắng, bức xúc kéo đến bệnh viện gây rối vì vài lý do nào đó. Anh Nguyễn Phúc An - Trưởng phòng Tổ chức Bệnh viện đa khoa An Phước cho biết: “Để hạn chế những xô xát tại phòng cấp cứu, những bệnh nhân đang trong tình trạng say rượu, đánh nhau, thì bảo vệ của bệnh viện sẽ theo sát bệnh nhân vào phòng cấp cứu và luôn đề cao cảnh giác những trường hợp tương tự xảy ra. Sau khi sơ cứu, sẽ nhanh chóng chuyển bệnh nhân về các phòng, tránh tình trạng ẩu đả hoặc các băng nhóm tìm kiếm… Nếu có trường hợp bất trắc, sẽ nhanh chóng báo cho công an phường để phối hợp trấn áp đối tượng”.                    

Minh Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên đề an ninh trật tự tại bệnh viện:  Bài 1: Bác sĩ với nỗi lo bị hành hung