Theo dõi trên

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

16/10/2019, 08:59 - Lượt đọc: 71

BT- Lũ quét thường xuyên xuất hiện ở vùng núi, còn dọc chiều dài 192 km bờ biển Bình Thuận nhiều nơi bị xâm thực. Các ngư trường cạn kiệt thủy sản, xuất hiện nhiều loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi và cây trồng… Đó là những tác động tiêu cực mà biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang gây ra, ảnh hưởng đến nền kinh tế và đời sống của người dân trong tỉnh.

                
Biến đổi khí hậu khiến dịch bệnh trên cây    thanh long phát triển.

 Tác động của BĐKH

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường: Biến đổi khí hậu và thực trạng suy thoái môi trường đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế - xã hội tỉnh ta trong thời gian qua. Đó là lũ quét thường xuyên xuất hiện ở vùng núi, chủ yếu huyện Bắc Bình. Liên tiếp xảy ra những trận mưa lớn gây lũ cao và thường kèm theo lũ quét, lốc xoáy. Vào thời gian tháng 8, 9 sau những trận mưa, lũ lớn thường xảy ra sạt lở ở những sườn núi đe dọa sự an toàn của người dân. Cùng với đó hiện tượng xâm thực do gió mùa đông bắc và nước biển dâng vào dịp đầu năm gây tình trạng biển lấn sâu vào bờ hàng chục mét, làm hư hại nhà cửa, tính mạng người dân…

BĐKH cũng tác động không nhỏ đến nhóm di tích lịch sử văn hóa. Đặc biệt là nhóm đền, tháp của người Chăm, lớp vỏ bề ngoài đã bị bong tróc, xuống cấp nặng, cần được đầu tư, tu sửa. Cùng với đó việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đang bị tác động bởi những luồng văn hóa ngoại lai, trong quá trình tái định cư hoặc chuyển đến vùng đất mới. Nhiều tập tục thờ cúng, hoạt động lễ hội, nghề truyền thống đã bị mất dần…

 Nỗ lực ứng phó

Trước tác động tiêu cực của BĐKH, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai giải pháp thích ứng với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Song song đó yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân chủ động ứng phó với BĐKH. Sử dụng kinh phí Trung ương hỗ trợ và ngân sách tỉnh xây dựng các công trình và khắc phục hậu quả sau thiên tai, tu sửa đê, kè biển, xây dựng cảng cá, khu trú - đậu tàu thuyền, các khu dân cư tránh lũ, xâm thực biển…

Hợp tác quốc tế và thúc đẩy hội nhập chủ động ứng phó với BĐKH thông qua một số chương trình, dự án đã và đang triển khai. Như dự án “Tăng cường năng lực quốc gia ứng phó với BĐKH ở Việt Nam nhằm giảm nhẹ tác động và kiểm soát phát thải khí nhà kính”; đề tài “Đánh giá tác động của BĐKH toàn cầu và hoang mạc hóa đến môi trường và xã hội ở khu vực Nam Trung bộ”; dự án “Quản lý tổng hợp nguồn nước và phát triển đô thị liên quan đến BĐKH tại Bình Thuận”.

Cùng với đó tổ chức nhiều lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi an toàn sinh học và khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chính sách hỗ trợ nhận khoán bảo vệ và phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Trên địa bàn tỉnh có nhiều ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như chế biến hải sản, nước mắm, tinh bột mì, chế biến mủ cao su, khai thác khoáng sản, chăn nuôi heo, nhiệt điện. Nhất là các dự án đang san mặt bằng và từ khi Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đưa Tổ máy số 1, số 2 vào vận hành và hòa mạng lưới điện, cử tri thường xuyên phản ánh việc xả khí thải, bụi và tro xỉ gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Nguồn nước, đất phía Tây bãi xỉ Vĩnh Tân 2 bị nhiễm mặn, ngập úng ảnh hưởng đến sinh hoạt và cây trồng, nguồn nước biển ven bờ tại khu vực thôn Vĩnh Tiến có hàm lượng oxy hòa tan thấp, Florua cao…

Khắc phục tình trạng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, địa phương và Tổ công tác 1184 của UBND tỉnh, Tổ giám sát 21 của huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát 24/24h vào các ngày lễ, tết. Đến nay chủ đầu tư đã xây dựng các công trình xử lý chất thải đảm bảo đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường, lắp đặt camera giám sát bãi xỉ, hệ thống quan trắc tự động nước thải, khí thải đối với Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, 2, 4 và 4 mở rộng… 

Nhạy bén của nông dân

Không thể nhìn “tư liệu sản xuất” là đất đai bỏ hoang trước sự tác động của BĐKH, suy thoái môi trường. Nông dân các nơi trong tỉnh đã không ngần ngại thử nghiệm chuyển đổi sang những giống cây trồng khác cho phù hợp. Dù không am tường về thời tiết, về khoa học, nhưng sự chủ động dịch chuyển theo hướng “thuận thiên”, được tích lũy qua nhiều năm và từ kinh nghiệm sản xuất đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tiêu biểu là mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng sen tại 2 xã Phan Hòa và Hải Ninh (Bắc Bình). Nông dân 2 xã mạnh dạn chia sẻ: Trước đây 1 năm 3 vụ lúa, thì nay chỉ trồng được 1 vụ đông xuân (có lãi), còn hè thu và vụ mùa bà con chuyển sang trồng sen hiệu quả hơn nhiều. Sen là loại cây dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh nên chi phí đầu tư thấp so với cây thanh long và các loại cây trồng khác. Ngoài ra, khi chuyển tiếp sang vụ lúa đông xuân sẽ tận dụng được nguồn phân bón trong quá trình trồng sen, do cây sen phân hủy, độ ẩm… làm giảm chi phí đầu tư cho cây lúa.

Còn tại xã Đức Tín (Đức Linh), trước sự tác động của BĐKH, nhiều vùng trồng lúa không đủ nguồn nước, năng suất giảm rõ rệt. Những người nông dân bàn nhau chuyển sang trồng củ đậu (sắn dây). Nhờ đó lợi nhuận thu được cao gấp 5 lần so với lúa.

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu