Theo dõi trên

“Chân trời mới” từ tấm pin mặt trời

19/07/2019, 09:08

 BT- Người làm nghề này sẽ hiểu hơn về sự kỳ diệu của tự nhiên, khi ánh nắng mặt trời đi qua tấm pin nhiều hay ít, tạo ra lượng điện mạnh hay yếu là tùy thuộc vào sự khéo léo của chính bàn tay lau chùi của họ.

                
Quang cảnh một cánh đồng pin mặt trời ở Tuy    Phong.

 “Lỗ nhỏ, đắm thuyền”

Bây giờ, Bình Thuận đã bước vào mùa mưa, ngay cả vùng hay bị chậm mưa nhất là Tuy Phong. Đây cũng là mùa mưa đầu tiên mà các nhà đầu tư điện mặt trời tập trung ở nơi đây quan tâm đến mưa như chính người nông dân trong vùng. Mưa về, có thể rửa những cánh đồng pin mặt trời mà 1 - 2 tháng trước, 9 nhà máy ở đây đã nối mạng hòa lưới điện quốc gia trước 30/6/2019. Họ xem lượng mưa ở đây sẽ rửa những tấm pin ấy như thế nào. Có thể sạch cũng có thể còn loang lổ, nhất là với vùng gió bụi này, khi mà một nghiên cứu đã công bố rằng các tấm pin năng lượng mặt trời đã được làm sạch chuyên nghiệp cho sản lượng điện cao hơn 12% so với sản phẩm được làm sạch bởi mưa. Còn  nữa, việc làm sạch những tấm pin ấy cũng phải đúng cách, nếu không lượng điện năng mà chúng sẽ tạo ra thấp hơn từ 15 - 25%. Lý do, ai cũng biết vì pin năng lượng mặt trời hoạt động bằng cách chuyển hóa trực tiếp năng lượng ánh sáng mặt trời thành năng lượng điện năng dựa trên hiệu ứng quang điện.

Theo phân tích của các chuyên gia về điện, các tấm pin năng lượng mặt trời không có bất kỳ bộ phận chuyển động nào, đó là lý do tại sao không có gì để bảo trì. Vì vậy, làm sạch là một trong những khía cạnh của bảo trì pin năng lượng mặt trời nên không được xem nhẹ. Nếu không sẽ xảy ra cảnh: “Lỗ nhỏ, đắm thuyền”. Việc kiểm tra vệ sinh định kỳ những tấm pin sẽ phát hiện ra những nguy cơ bị hư hỏng của dàn pin để khắc phục kịp thời, qua đó bảo vệ tuổi thọ của tấm pin. Nhưng với những cánh đồng pin điện mặt trời mênh mông như thế, làm thế nào để làm sạch đúng nghĩa, đúng cách bảo đảm đem lại hiệu quả như mong muốn là việc không đơn giản. Đó là lý do trong thời gian này, phần lớn các chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời đang tính toán lựa chọn phương án vệ sinh những cánh đồng pin mặt trời của mình phù hợp với địa hình, thời tiết, tính chất lao động tại địa phương…

 Robot và con người

Nhà máy điện mặt trời Solarcom ở xã Phong Phú đã hòa lưới điện từ tháng 4/2019, hiện đang sử dụng 3 bộ robot để lau cánh đồng pin mặt trời. Theo chủ đầu tư nhà máy, 3 bộ robot này có giá 7 tỷ đồng, cộng với hệ thống dây dẫn nước để phun rửa 4 tỷ đồng nữa có tổng 11 tỷ đồng. Vốn đầu tư ban đầu lớn nhưng bù lại, việc lau chùi cánh đồng pin mặt trời rất nhanh, mang lại hiệu quả cao lại chủ động được theo ý muốn. Chủ đầu tư này cho rằng, đây là công nghệ lau chùi tấm pin mặt trời mới nhất hiện nay so với các công nghệ robot khác trên thị trường và cũng vì mới triển khai nên phải chờ 2 năm nữa, nhà máy mới công khai công nghệ mới này. Điều đáng nói, cánh đồng pin của nhà máy này rất bằng phẳng nên việc ứng dụng công nghệ lau chùi tự động là điều cực kỳ tốt. Trong khi đó, Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 thuộc xã Vĩnh Hảo, nơi vốn là cánh đồng muối Thông Thuận lúc trước nên địa hình bằng phẳng, theo đó cánh đồng pin mặt trời cũng thẳng tắp, không gập ghềnh. Và đó là lý do chủ đầu tư có vốn góp chiếm 60% đến từ Ả Rập Xê Út đang tính đến phương án lau chùi tự động bằng công nghệ tốt nhất mà họ sẽ lựa chọn trên thế giới.

Tại tỉnh, số nhà máy có cánh đồng pin mặt trời bằng phẳng như trên không nhiều. Tại Tuy Phong, nơi những nhà máy điện mặt trời hình thành hầu hết là bao la núi non, đồi bãi nhấp nhô, nhiều sỏi đá, không thể sản xuất nông nghiệp lại càng không nhiều. Vì hầu như các nhà đầu tư điện mặt trời đều chọn phương án giữ nguyên địa hình để gắn những tấm pin mặt trời, để vừa tiết giảm thời gian, chi phí trong san phẳng mặt bằng, lại vừa không gây bụi bay sau này, khi gió Tuy Phong bằng bão ở nơi khác. Theo đó, những cánh đồng pin mặt trời hình thành cũng theo độ chập chùng ấy. Điển hình là Nhà máy điện mặt trời Eco Seido ở xã Phú Lạc, những dãy pin mặt trời có độ cao thấp uốn lượn theo địa hình, chủ đầu tư này phải thuê lao động phổ thông để lau chùi chứ không thể đưa robot vào lau được. Theo kế hoạch, Nhà máy Eco Seido sẽ tuyển khoảng 20 lao động phổ thông lau chùi từng vùng, từng khoảnh trên cánh đồng pin mặt trời lần lượt theo từng ngày, xoay vòng hết tháng. Vì vậy, những lao động này dù làm chỉ 2 tiếng/ngày vào sáng tinh mơ hay chiều mát, nhưng vì vẫn làm liên tục mỗi ngày trong tháng nên được trả lương như lao động thường xuyên, bảo đảm các chế độ theo Luật Lao động. Tương tự, dù không nhấp nhô nhiều nhưng địa hình cánh đồng pin của Nhà máy điện mặt trời VSP Bình Thuận ở xã Phong Phú cũng không bằng phẳng, nên chủ đầu tư nhà máy này thích con người vệ sinh tấm pin hơn là máy móc. Dù biết giá nhân công làm thanh long, thợ hồ… tại đây có giá từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày, nhưng chủ đầu tư trên nhấn mạnh công việc lau pin mặt trời vẫn có nét hấp dẫn riêng đối với người lao động. Trước hết là thời gian làm việc vào sáng sớm hay chiều muộn với thời gian ngắn, mang tính như tranh thủ, vì thế, người lao động có thể làm những công việc khác rồi đến giờ làm thêm công việc trên. Việc lau chùi tấm pin cũng không khó nhọc, tương tự như lau sàn nhà và không độc hại như mọi người suy đoán.

 Nghề mới

Theo một số chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời, hầu hết các nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam, trong đó có Bình Thuận hình thành trong giai đoạn này đều sử dụng công nghệ làm tấm pin từ Silic, dạng P-Si và M. Si với nguyên liệu chính là từ cát, chứ không dùng tấm pin theo công nghệ lạc hậu lúc trước là Thin –film dạng mỏng, dẻo như kẹo làm từ các kim loại nặng, về lâu dài dễ gây ô nhiễm môi trường, sức khỏe con người. Theo đó, tấm pin mặt trời dạng M.Si được cấu tạo bởi tế bào tinh thể duy nhất được cắt ra từ những thỏi silic hình ống, các phân tử electrons; còn P.Si được cấu tạo từ đa tinh thể được làm từ những thỏi đúc từ Silic đã nung chảy, làm nguội và làm rắn; số ít phân tử electrons… Do đó, chuyện lo ngại lau chùi tấm pin mặt trời sau một ngày hấp thu bức xạ gây ảnh hưởng sức khỏe là không có cơ sở. Tình huống khác, giả sử phun nước lau tấm pin lúc trời đang nắng cũng chỉ có khuyến cáo vấn đề làm hư hại tấm pin, do tiếp xúc nóng lạnh bất thình lình. Do đó, thời gian lý tưởng nhất vẫn là lau những tấm pin vào lúc sáng sớm tinh mơ hay chiều muộn. Lau như thế nào để đúng cách, giúp tấm pin phát huy hiệu quả chuyển hóa điện năng, từng nhà máy sẽ tập huấn cho người lao động của mình. Tương tự, các nhà máy sử dụng hệ thống tự động hoặc robot lau tấm pin, cũng cần có một vài công nhân đi theo điều khiển. Chính người dân địa phương sẽ hưởng lợi điều đó.

Chưa ai nghĩ ở những vạt đất khô cằn, sỏi đá, heo hút bóng người ở đây, lại sôi động như ngày hôm nay. Điều đó như một chân trời mới, đầy triển vọng, đầy khám phá những điều mới cho cuộc sống rất gần, rất thiết thực. Không xa nữa, khi mùa mưa qua, mùa nắng gió đến, chân trời mới ấy mở ra không chỉ ở góc độ áp dụng và tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật mà còn ở nhận thức người dân địa phương về một nghề mới: Nghề lau tấm pin mặt trời. Người làm nghề này sẽ hiểu hơn về sự kỳ diệu của tự nhiên, khi ánh nắng mặt trời đi qua tấm pin nhiều hay ít, tạo ra lượng điện mạnh hay yếu là tùy thuộc vào sự khéo léo của chính bàn tay lau chùi của họ.

 Hảo Chi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Chân trời mới” từ tấm pin mặt trời