Theo dõi trên

“Cầu nối” của nạn nhân chất độc da cam

28/10/2020, 08:42 - Lượt đọc: 78

BT- Bình Thuận là một trong những địa bàn gánh chịu hậu quả nặng nề của vũ khí hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Để giải quyết hậu quả chất độc hóa học, hàn gắn vết thương chiến tranh, những năm qua công tác Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (CĐDC/dioxin) trong tỉnh đã có nhiều hoạt động tích cực. Giữ được vai trò “cầu nối” giữa Đảng và Nhà nước với các nạn nhân và là nơi chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của các nạn nhân.

Từ năm 1962 - 1970, quân đội Mỹ đã rải xuống Bình Thuận khoảng 2,6 triệu lít chất độc hóa học; trong đó, chất độc da cam là 1,9 triệu lít (chiếm 74%), chất trắng là 448.000 lít, chất xanh là 162.300 lít và một số chất khác là 57.000 lít. Qua khảo sát, hiện toàn tỉnh có 5.826 người nhiễm và nghi nhiễm CĐDC/dioxin; trong đó, có 952 người tham gia kháng chiến, 1.221 người là con, cháu, chắt của người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐDC/dioxin; dân thường và đối tượng khác là 3.653 người. Các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị nhiễm CĐDC/dioxin phải chịu đựng nhiều khó khăn cả về vật chất và tinh thần do di chứng của chất độc hóa học. Hầu hết các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam là những người nghèo, không có nghề nghiệp, việc làm không ổn định, kinh tế gia đình khó khăn, nhất là gia đình có nhiều thế hệ nạn nhân chất độc da cam.

Từ khi thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chương trình hành động số 36-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam”, công tác hội trong toàn tỉnh đã có nhiều thay đổi tích cực. Tổ chức hội không ngừng được củng cố và phát triển với tổng số hội viên là 4.713 người, có 9/10 huyện, thị xã, thành phố và 96/124 xã, phường, thị trấn có tổ chức hội; công tác vận động nguồn lực chăm sóc nạn nhân ngày càng tăng.

Ông Trần Tiến Thành – Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh cho biết: Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chương trình hành động số 36 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã thường xuyên quan tâm, chăm lo thực hiện tốt các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nạn nhân CĐDC/dioxin. Bên cạnh đó, sự phối hợp của các sở, ban, ngành liên quan trong tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch về việc giải quyết hậu quả CĐDC do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở tỉnh và công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC/dioxin kịp thời, đúng đối tượng, giúp họ vơi đi những mất mát, đau khổ, hòa nhập với xã hội. Cùng với việc triển khai thực hiện Chỉ thị 43 và Chương trình hành động số 36, Tỉnh hội còn tổ chức thành công các sự kiện quan trọng như hội nghị giao lưu “Tri ân tấm lòng vàng”; tổ chức gặp mặt “Gương nạn nhân vượt khó vươn lên”; hội nghị tổng kết 10 phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam” và cuộc vận động “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”… Qua đó, đã tác động đến nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân về công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đã có chuyển biến tích cực; có những hoạt động cụ thể, thiết thực chăm lo, giúp đỡ các nạn nhân ổn định cuộc sống và hỗ trợ hội tiếp tục phát triển và hoạt động ngày càng hiệu quả.

Thời gian tới, Tỉnh hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quán triệt và thực hiện Chỉ thị 43 và Chương trình hành động số 36 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam”. Đồng thời, các cấp hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Vì nạn nhân chất độc da cam” và thực hiện tốt việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm “Thảm họa da cam” ở Việt Nam (10/8/1961 – 10/8/2021).

    
    Trong 5 năm qua,   toàn hội đã vận động quỹ “Vì nạn nhân” giai đoạn 2015 - 2020 được 30,27   tỷ đồng, đạt gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2010 - 2015 là 13,8 tỷ đồng.   Nguồn quỹ chủ yếu chi hỗ trợ trực tiếp cho công tác chăm sóc, giúp đỡ   nạn nhân và gia đình nạn nhân với tổng giá trị gần 29 tỷ đồng bằng các   hình thức như làm nhà, sửa nhà “Mái ấm da cam”, trợ cấp thường xuyên,   trợ cấp khó khăn, trợ cấp học bổng; khám bệnh, cấp thuốc; thăm tặng quà   nhân dịp lễ, tết và ngày 10/8 hàng năm.  đặc biệt thực hiện chương   trình “Hỗ trợ sinh kế cho NNCĐDC Việt Nam” của Trung ương Hội đã hỗ trợ   cho 356 lượt hộ nạn nhân với tổng vốn đạt trên 3,8 tỷ đồng, giúp họ có   vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi, nâng cao chất lượng cuộc sống.

 NgỌc Hân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Cầu nối” của nạn nhân chất độc da cam