Theo dõi trên

“Cát tặc” lộng hành vì đâu?

03/07/2017, 11:43

BTO- Thời gian qua, các địa phương trên khắp cả nước đều “nóng” bởi nạn khai thác khoáng sản trái phép trong đó có Bình Thuận. Mặc dù UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp cũng như kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm song vì đâu khiến nạn “cát tặc” vẫn phổ biến? Theo tìm hiểu của chúng tôi, chung quy lại vẫn là lợi nhuận và sự buông lỏng trong công tác quản lý ngay tại cơ sở.

Làm “cát tặc” dễ kiếm tiền?

Từ khoảng giữa năm 2016 đến nay, trên khắp các địa bàn của tỉnh bắt đầu “nóng” lên nạn khai thác khoáng sản trái phép. Trong đó, huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Tánh Linh là những địa phương thường xảy ra nạn khai thác khoáng sản trái phép sau đó lan khắp các địa phương khác trong toàn tỉnh. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại cát xây dựng đang rất “hút” hàng và khan hiếm. Được biết, tại thành phố Hồ Chí Minh, giá mỗi 1m3 cát xây dựng bán tại công trình xây dựng giao động ở mức trên 600.000 đồng nhưng vẫn không đủ nguồn cung cấp. Do đó, các đối tượng mua bán, khai thác khoáng sản lậu bắt đầu dạt về các tỉnh lân cận để tìm nguồn cát cung cấp cho những công trình xây dựng ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Tánh Linh và Đức Linh là hai huyện giáp ranh với Đồng Nai nên thời gian gần đây, “cát tặc” thường lén lút khai thác lậu để vận chuyển sang Đồng Nai đưa đi tiêu thụ. “Các đối tượng dùng xe tải lớn từ trên 30m3 để vận chuyển cát lậu đi tiêu thụ. Giá cát lậu bán tại khu vực khai thác giao động khoảng 180.000 đồng đến 200.000 đồng/1m3 nên khi vận chuyển trót lọt vào thành phố Hồ Chí Minh bán, trừ hết chi phí “cát tặc” có thể bỏ túi khoảng 6 triệu đồng 1 chuyến xe.

“Cát tặc” có được dung túng?

Trước thực trạng “cát tặc” tràn lan khắp các địa phương trong thời gian qua khiến dư luận đặt vấn đề rằng liệu chúng có nhận được sự dung túng nào chăng? Thực tế, các vụ khai thác khoáng sản trái phép quy mô lớn gần đây chỉ được phát hiện và xử lý sau khi báo chí phát hiện, đăng tải. Mặc dù UBND tỉnh đã rất kiên quyết và quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trên lĩnh vực khoáng sản thuộc về Chủ tịch UBND các địa phương. Thế nhưng, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản ở cơ sở vẫn còn nhiều bất cập khiến các đối tượng khai thác trái phép vẫn công khai hoạt động. Điển hình gần đây nhất là chỉ trong 1 ngày ở huyện Hàm Thuận Nam có tới 2 vụ khai thác trái phép bị đoàn kiểm tra liên ngành bắt quả tang và huyện Hàm Thuận Bắc cũng có 2 trường hợp tương tự. Bên cạnh đó, hiện tại trên khu vực hồ Biển Lạc – nơi giáp ranh giữa hai huyện Tánh Linh và Đức Linh vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Mới đây nhất, ngày 28/6 đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Đức Linh đã kiểm tra, lập biên bản xử lý 2 đối tượng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn xã Vũ Hòa, khu vực khai thác trái phép là hồ Biển Lạc, giáp ranh với xã Gia An. Điều đáng nói là hiện tại giấy phép khai thác, tận thu cát ở hồ Biển Lạc đã hết hạn hồi 31/5, nghĩa là ở thời điểm này mọi hoạt động khai thác, vận chuyển cát trên khu vực này đều trái phép.

Giấy phép ít ỏi, khai thác đúng phép phải chịu thiệt

Hiện tại, nhu cầu nguồn khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng ở tất cả các địa phương rất cao trong khi đó việc cấp phép khai thác còn nhiều bất cập. Thời gian, thủ tục và chi phí để xin cấp phép khai thác khoáng sản thông thường vẫn phải theo Luật khoáng sản, nghĩa là thủ tục giống như xin phép khai thác các loại khoáng sản quý hiếm như titan, vàng,… Chính vì thế mà 1 số cá nhân, kể cả doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong công tác xin cấp quyền khai thác cát xây dựng. Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận cho biết, hiện tại toàn tỉnh chỉ có 18 giấy phép khai thác cát xây dựng, trong đó 6 giấy phép là cát bồi nền. Theo tìm hiểu của chúng tôi, để hoàn tất thủ tục 1 giấy phép khai thác cát xây dựng quy mô từ 50.000 – 60.000 m3, đơn vị xin cấp phép phải mất ít nhất 18 tháng làm thủ tục với chi phí cấp quyền khai thác cùng các thủ tục khác vào khoảng 6 đến 7 tỷ đồng/ 5 năm khai thác. “Hiện theo quy định của Sở Tài chính, đơn giá cát xây dựng là 130.000 đồng/1m3, như vậy mỗi m3 cát xây dựng chúng tôi phải đóng 38.500 đồng, đó là chưa tính chi phí khai thác. Do đó, tính toán các chi phí khai thác, chúng tôi phải bán giá từ 200.000 đồng/1m3 cát mới có lời trong khi đó, “cát tặc” bán phá giá dưới 200.000 đồng/ 1m3 khiến các đơn vị được cấp phép hết sức khó khăn. Trong khi “cát tặc” vẫn khai thác lậu tràn lan, không có dấu hiệu dừng nên nhiều đơn vị muốn xin giấy phép khai thác cũng hết sức đắn đo” – một doanh nghiệp có giấy phép khai thác cát xây dựng cho biết.

Thiết nghĩ, bên cạnh công tác tăng cường kiểm tra, xử lý, các cơ quan chức năng của tỉnh cần quan tâm đến việc tổ chức đấu thầu, cấp phép khai thác khoáng sản thông thường theo quy hoạch để đảm bảo nguồn cung về cát xây dựng phục vụ nhu cầu trong dân đồng thời hạn chế tình trạng khai thác lậu. Và để tài nguyên không bị thất thoát, doanh nghiệp khai thác cát đúng phép không bị thua thiệt, các cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm đồng thời cần thiết phải xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu địa phương để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.

    
  

  Mới   đây nhất, ngày 28/6 đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Đức Linh đã kiểm   tra, lập biên bản xử lý 2 đối tượng khai thác khoáng sản trái phép trên   địa bàn xã Vũ Hòa, khu vực khai thác trái phép là hồ Biển Lạc, giáp ranh   với xã Gia An. Điều đáng nói là hiện tại giấy phép khai thác, tận thu   cát ở hồ Biển Lạc đã hết hạn hồi 31/5, nghĩa là ở thời điểm này mọi hoạt   động khai thác, vận chuyển cát trên khu vực này đều trái phép.

      Hiện tại, nhu cầu nguồn khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng ở   tất cả các địa phương rất cao trong khi đó việc cấp phép khai thác còn   nhiều bất cập. Thời gian, thủ tục và chi phí để xin cấp phép khai thác   khoáng sản thông thường vẫn phải theo Luật khoáng sản, nghĩa là thủ tục   giống như xin phép khai thác các loại khoáng sản quý hiếm như titan,   vàng,… Chính vì thế mà 1 số cá nhân, kể cả doanh nghiệp cũng gặp khó   khăn trong công tác xin cấp quyền khai thác cát xây dựng.

Ánh Dương



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Cát tặc” lộng hành vì đâu?