Theo dõi trên

Bình Thuận 45 năm xây dựng và phát triển: Khi dân cùng Ðảng một lòng lo việc... nước (Kỳ 2)

17/04/2020, 14:18

BT- Sống ở vùng “khát”, hơn ai hết, người nông dân Bình Thuận thấy được giá trị của nước. Đồng bào miền núi quý hạt muối như thế nào, người nông dân Bình Thuận quý giọt nước như thế ấy, thậm chí giọt nước được ví von là hạt ngọc, cần phải giữ ngọc cho dân... 

                
   Thi công hồ Sông Lũy.

Đồng thuận của ý Đảng, lòng dân

Nhớ về những ngày chỉ đạo làm thủy lợi, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tí kể, hôm khánh thành đập dâng Tà Pao, có một bác nông dân chạy đến ôm chặt lấy ông, giọng đầy xúc động: “Cả cuộc đời khổ cực, tôi chỉ ước mong có nước về ruộng đồng. Hôm nay nước đã về, tôi không kìm được nước mắt, chú ơi!”...

Sống ở vùng “khát”, hơn ai hết, nông dân Bình Thuận thấy được giá trị của nước. Đồng bào miền núi quý hạt muối như thế nào, đồng bào Bình Thuận quý giọt nước như thế ấy, thậm chí giọt nước được ví von là hạt ngọc, cần phải giữ ngọc cho dân. Vậy là, theo kêu gọi của Đảng, chính quyền, người dân hồ hởi đóng góp công sức làm thủy lợi đưa nước về đồng.

Làm thủy lợi nhỏ từ một vài mô hình đã đi vào chỉ thị, nghị quyết của Đảng, lan tỏa trở thành phong trào rộng rãi của cả tỉnh. Nơi nào chưa có nước, người dân giúp nhau đào kênh mương dẫn nước về. Người dân cũng không ngại ngần giao đất sản xuất của mình để đào kênh, Nhà nước đền bù được bao nhiêu cũng vui vẻ nhận, không so tính thiệt hơn. Bị mất hơn 3 sào đất (3.000 m2), chỉ nhận lại hơn 10 triệu đồng, nhưng gia đình ông bà Mai Ngọc Phan ở thôn Dân Hòa, xã Thuận Hòa (huyện Hàm Thuận Bắc) vẫn vui vẻ. Ở tuổi xấp xỉ 70, ông bà cảm thấy mãn nguyện khi gia đình làm nông, nhưng cả ba người con đều ăn học đàng hoàng; hai người giờ là giáo viên, một người làm cho doanh nghiệp. Chỉ ra dòng kênh nước chảy trong xanh trước vườn nhà, bà nhắc đi nhắc lại: Nhờ Đảng, chính quyền làm kênh thủy lợi, đời sống chúng tôi mới được như bây giờ...

                
   Kênh Phan Rí - Phan Thiết.

 Ông Đỗ Thanh Hòa ở thôn Dân Trí, xã Thuận Hòa kể, hôm mở nước kênh 812 - Châu Tá, ông cùng với rất đông bà con háo hức ra bờ kênh chờ nước từ nguồn chảy về. Nước chảy đến đâu, mọi người đi theo đến đó... Giấc mơ về nước của ông và người nông dân nơi đây đã trở thành hiện thực. “Ngày xưa cơ cực lắm. Giờ có nước về, lợi ích hàng trăm, hàng ngàn lần, không thể tính được. Người dân biết ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm!”, ông tâm sự.

Ý Đảng được lòng dân đồng thuận, tạo ra sức mạnh, đưa nước tưới đến khắp nơi. Nước đi đến đâu những cánh đồng lúa, hoa màu và nhất là những vườn thanh long, phủ màu xanh trên vùng đất khô cằn đến đó. Nước và sức người đã tô màu cho đất, vẽ nên những bức tranh đồng quê tươi đẹp. Và, những thửa ruộng vườn ngày xưa không đủ nuôi sống con người giờ đã giúp nông dân thu nhập hàng trăm triệu đồng; nhiều nông dân thoát nghèo, vươn lên khá giả, có người trở thành giàu có... 

Triển vọng vùng xanh…

Bốn mươi lăm năm từ ngày giải phóng, hành trình đưa nước về cho người dân Bình Thuận là một chặng đường dài đầy gian nan gắn với tất cả nhiệt huyết và sự quyết tâm của bao thế hệ cán bộ lãnh đạo tỉnh. Từ một tỉnh khô hạn, khả năng đáp ứng nước cho sản xuất nông nghiệp rất yếu, đến nay, tổng năng lực tưới thiết kế của tỉnh Bình Thuận đạt 73.300 héc ta đất sản xuất nông nghiệp với hiệu quả sử dụng đạt 72,3%. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận đã biến những khó khăn, thách thức thành tiềm năng, dư địa để phát triển. Đây là một kỳ tích! Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm, bởi thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt, như thử thách khả năng chinh phục của con người.

Một tin vui đến với Bình Thuận khi tại kỳ họp cuối năm 2019, Quốc hội thông qua dự án xây dựng hồ Kapet, dung tích hữu ích 47,4 triệu mét khối nước ở huyện Hàm Thuận Nam. Trước đó, dự án hồ Sông Lũy ở huyện Bắc Bình với dung tích 95,8 triệu mét khối nước cũng đã được khởi công. Khi hai hồ này hoàn thành khả năng cấp nước tưới cho sản xuất của Bình Thuận được tăng cường, với diện tích cấp nước tưới trực tiếp trên 32.000 héc ta. Không những thế, còn hỗ trợ cho các công trình hồ chứa ở bình độ thấp hơn, cấp nước cho các khu công nghiệp, du lịch và nước sinh hoạt cho hàng vạn dân.

Trong tầm nhìn 5 đến 10 năm tới, lãnh đạo và người dân Bình Thuận tiếp tục hướng đến là hồ La Ngà 3 ở huyện Tánh Linh. Theo tính toán, hồ La Ngà 3 có dung tích hữu ích là 405 triệu mét khối nước, nếu được xây dựng sẽ cung cấp nước tưới cho cả vùng rộng lớn 77,6 nghìn héc ta của hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai; đồng thời cấp nước sinh hoạt, nước cho các khu công nghiệp ở tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng lưu lượng 600 ngàn m3/ngày.

Đi qua những vùng quê nghèo ngày xưa, mái tranh liêu xiêu đã thay thành ngói đỏ, cuộc sống người nông dân giờ đây đã có của ăn của để... Những đổi thay trên vùng đất khô cằn đối với người dân Bình Thuận được xem là kỳ tích. Đó là chặng đường dài đầy gian khó và quyết tâm của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo Bình Thuận qua các thời kỳ, với sự đồng thuận, ủng hộ của lòng dân. Dù trời không mưa, nhưng nước trên những dòng kênh vẫn chảy, nước chảy đến đâu, mặt đất được tô màu xanh của cây trái, ruộng vườn đến đó... Chợt nhớ câu thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông: “Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

BẢo Ngân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết:
Hôm nay đưa vào hoạt động 2 trạm dừng chân tạm thời
BTO-Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng tạm trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Ban quản lý dự án 7 đã tiến hành thi công 2 trạm dừng nghỉ tạm trên cả hai chiều đường cao tốc, đưa vào hoạt động phục vụ tài xế, người tham gia giao thông vào dịp lễ 30/4 và 1/5.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận 45 năm xây dựng và phát triển: Khi dân cùng Ðảng một lòng lo việc... nước (Kỳ 2)