Theo dõi trên

Ba Tam, người đàn ông nhỏ trên Cánh Ðồng Lớn

28/04/2017, 08:46

BT- Ông trải tấm bản đồ vẽ tay tỉ mỉ từng đám ruộng lớn nhỏ, từng con mương dọc ngang của Đồng Lớn với diện tích tổng cộng 370 ha trên nền nhà rồi thao thao thuyết minh độ cao thấp của từng đám, từng vùng, chỗ nào hốc khô, chỗ nào đầm trũng... Ánh mắt ông lấp lánh niềm vui khi nói với chúng tôi: “Tôi mê ruộng, mê đất từ niên thiếu đến giờ”. Ông là một người đàn ông nhỏ thó, đen cháy, tuổi trạc bảy mươi nhưng còn tinh anh lắm, từ các động tác tay chân lanh lẹ đến giọng nói oang oang đều không có vẻ gì là già nua. Ông như một loại lõi thiết mộc mà dường như mọi tác động sóng gió cuộc đời và cả thời gian đều bất lực. Ông chế trà mời chúng tôi trên chiếc bàn làm bằng gốc cây xám nâu u nần, săn chắc, rất hợp với con người và kiểu ngồi của ông. Tôi cứ hình dung người và vật ở cái phố núi Lạc Tánh này đều quắt lại, nhỏ nhưng săn chắc và đầy nội lực. Trường hợp ông Trương Tam, người gắn bó suốt đời với Đồng Lớn là một điển hình. Một lão nông thuần phác lại gắn với nhiều biệt danh là điều...

                
Tác giả bên cạnh ông Ba Tam.

I. Từ Ông “thần làm ruộng mùa khô” đến “Ông Già Nước”

Cuộc trò chuyện của chúng tôi chừng nửa giờ đồng hồ mà ông Tam phải dừng lại hơn chục lần để nghe và trả lời điện thoại. Ông phân bua, “Nước. Nước gọi suốt ngày suốt đêm. Ở đây, người ta kêu tôi là Ông Già Nước vì tôi là Đội trưởngđội Quản lý thủy nông của Đồng Lớn 370 ha này mà”.

Ông Trương Tam (SN 1946) quê ở chợ Bờ Rắn, Quế Sơn, Quảng Nam. Theo lời ông kể thì cha ông là cơ sở cách mạng, năm 1959 bị truy bức, gia đình ông phải tức tốc bỏ hết nhà cửa, ruộng vườn trốn chạy trong đêm. Đến nơi mới, ông Ba Tam ở mướn cho nhà ông Sáu Ghẻ, một địa chủ có rất nhiều ruộng đất và trâu bò, ông chăn trâu và phụ giúp công việc đồng áng và nhờ vậy mà ông biết đến nghề làm ruộng. Đến tuổi quân dịch, bị bắt lính rồi bị thương ngay sau cuộc hành quân đầu tiên, ông trở về Lạc Tánh và bắt đầu gắn bó với cây lúa bằng những thửa ruộng tự tay khai khẩn. Việc đồng áng thuận lợi, ông vừa khai khẩn vừa mua thêm 20 mẫu nữa ở khu Bàu Mặn. Đến năm 1975, ông có tất cả 35 mẫu ruộng, sau đó giao hết cho hợp tác xã.

Cuộc đời của ông Ba Tam được viết nên bằng những cuộc đột phá. Ông là người mua máy xới, máy bơm đầu tiên của vùng Lạc Tánh này. Thấy 60 mẫu ruộng của đồng bào Chăm bỏ hoang vào mùa khô ông xin làm. Ông mướn người đo đạc độ cao từng vùng từ sông La Ngà về rồi đào đắp thành mương, cao thì đào xuống, thấp thì đắp lên, xong ông mua bạt kéo kỹ lưỡng từng đoạn. Ông bơm nước về  làm đủ cả vụ đông xuân. Năm đó, ông “thắng” lớn, cũng như lôi kéo được bà con cùng sản xuất với mình. Ông là người chịu trách nhiệm bơm nước cho cả 180 mẫu ruộng vào vụ đông xuân, đổi lại diện tích ruộng ông canh tác lúc bấy giờ lên đến 90  mẫu. Ông Ba Tam suốt ngày suốt đêm có mặt trên từng ô ruộng, coi sóc nước non cho tất cả ruộng  nên bà con quý trọng gọi ông là “Ông Già Nước” và  là “thần làm ruộng mùa khô”. 

II. Con đường mang tên: Ba Tam

Ông Nguyễn Thanh Quang, một nông dân ở Lạc Hưng, Lạc Tánh, người đang canh tác 4 mẫu ruộng trên Đồng Lớn, nhận xét: “Tôi là người làm ruộng lâu năm ở Đồng Lớn đây, tôi nói e không quá, không phải một mình tôi mà cả cái thị trấn Lạc Tánh này, ai cũng thương quý Ông Già Nước - Ba Tam. Từ lúc còn trẻ cho tới giờ, ông ít khi vắng mặt trên đồng. Mà nói tới ổng không chỉ nói nước không đâu nha, con đường nội đồng làm cho bà con bớt đi bao khổ ải, bọn tôi gọi là đường Ba Tam đó... Ngày trước, vác bó lúa từ ruộng ra đường phải đi hơn cây số, giờ vận chuyển khỏe re”.

Ông Nguyễn Như Hùng, Bí thư Đảng ủy thị trấn Lạc Tánh nhận xét: “Tôi nghĩ những nhân tố như ông Trương Tam là hiếm và quý lắm. Riêng cái chuyện tìm được một người thuộc lòng từng đám ruộng, thuộc lòng cả cánh đồng ba bốn trăm mẫu như lòng bàn tay mình là đã khó vô cùng. Những cống hiến âm thầm của ông Trương Tam, bà con ghi nhận, Đảng ủy ghi nhận, chính quyền ghi nhận. Ông là một phần không thể thiếu của Cánh Đồng Lớn hiện nay”.

Từ tình yêu cánh đồng, yêu thương người nông dân sâu đậm củaông Già Nước mới có con đường nội đồng mang tên Ba Tam. Quả đúng như vậy! Chuyện ông Ba Tam và bà con nông dân làm con đường dài hơn 4 km đi từ Đồng Me xuyên qua Đồng Lớn là câu chuyện dài tốn không biết bao nhiêu là công sức của ông từ khi đưa ra ý tưởng đến vận động bà con đóng góp, đến khi hoàn thành  vẫn còn nhọc công lên huyện, về tỉnh không biết bao lần. Giữa cuộc họp có chính quyền tham dự, một nông dân nói thẳng: “Nếu giao tiền cho ông Ba Tam làm thì chúng tôi góp liền”. Bà con tin thì Ba Tam nhận lời. Mỗi thôn cử ra một đại diện giám sát thế là tất cả ào ào xuất phát. Bên xe chở đá đề nghị giá 1,3 triệu đồng một xe với lý do phần ông được hưởng một trăm nghìn đồng, ông từ chối, buộc phải ký hợp đồng 1,2 triệu  đồng cho đỡ tốn kém của bà con. Cơm nước, ông tổ chức người nấu ăn ngay tại trên đồng. Ông có hai người con bán thịt heo ngoài chợ Lạc Tánh, ông xin các con, mỗi đứa cho một ngày thịt, luân phiên nhau cho đến khi xong công trình. “Vậy mà mấy ổng sau đó cũng làm thất thoát tiền bạc của bà con. Số tiền không lớn nhưng tôi tức quá, ảnh hưởng uy tín chớ, nên tôi đi thưa để lấy lại tiền cho bà con. Cả bốn lần lên tỉnh chớ ít đâu”. Câu chuyện đã lâu rồi nhưng giờ kể lại, ông Ba Tam vẫn còn bức xúc, may là dân ở đây ai cũng biết tính ông ngay thẳng nên vẫn một lòng tin yêu ông.

Vợ ông, bà Phạm Thị Quý, nói: “Tính ổng vậy đó, làm gì cũng làm cho bằng được. Cả Lạc Tánh này ai cũng biết, ngay cả bây giờ cũng vậy, làm gì người ta cũng giao cho ổng, chỉ tin ổng thôi”. Rồi bà nói thêm: “34 năm trước, biết ổng vậy nên tôi mới ưng đó chớ”.  

III. “Ông Lúa Giống”:

Câu chuyện ông Ba Tam thay đổi giống lúa mới trên Đồng Lớn đạt năng suất cao làm cho bà con nông dân phấn khởi và gọi chết tên “Ông Lúa Giống” ngay trong thời xây nông thôn mới tôi được nghe từ một cán bộ thị trấn Lạc Tánh.

Năm đó cánhđồng Lớn bị dịch “rầy nâu”,  không sót đám ruộng nào. Suốt ngày suốt đêm, Ba Tam có mặt trên đồng. Ông cùng bà con làm hết biện pháp này đến biện pháp khác mà vẫn không sao cứu được đồng lúa. Tất cả đều ngước lên trời mà thở ra.

Ông Tam vốn quắt người, thời gian này lại thêm ốm khô vì mất ăn mất ngủ. Đêm, mân mê từng bụi lúa ngoài đồng mà xót xa, ông soi đèn pin thấy từng bầy từng bầy rầy nâu và trắng xám, cả cánh ngắn cánh dài bám đầy ở phần thân lúa sát mặt nước, chúng đang dùng vòi chích hút cây lúa. Đến mức này cây lúa không kiệt cháy sao được?! Hôm sau, ông bàn với bà con, ông sẽ canh mức nước thấp vài ba phân còn bà con dùng thuốc đặc hiệu mà xịt, khó là lúa đang trổ, xịt lúc có nắng lúa sẽ phơi màu, chỉ xịt được lúc chiều. Cũng có hiệu quả nhưng không sao hết hẳn được. Mất mùa là kết quả đương nhiên, bà con nông dân củacánhđồng Lớn năm đó điêu đứng vì rầy nâu.

Sau ba đêm thức trắng liên tiếp, ông bật dậy chế cho mình bình trà nóng thật đậm lúc nửa khuya. Trong đầu ông vừa lóe lên một quyết định, ông sẽ thực hiện bằng được để cứu lấy cánh đồng. Sáng đó, ông mặc bộ đồ đẹp, nói vợ đưa tiền rồi lên thẳng Phòng Khuyến nông của huyện. Ông xin cái giấy giới thiệu, hỏi trung tâm bán lúa giống ở đâu rồi tức tốc đón xe đi luôn.

Ông đến Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long ở thành phố Cần Thơ, xin vào gặp cán bộ chuyên môn, ông trình bày cánh đồng làng ông vừa bị dịch rầy nâu, có trị mà không hết, bây giờ có giống lúa nào kháng rầy nâu tốt nhất thì bán cho ông. Được sự giúp đỡ tận tình Viện Lúa, ông chuyển về được 6 tạ giống lúa mới nhất lúc bấy giờ là giống OM 5451 vừa chống chịu rầy nâu vừa cho năng suất cao (6 - 8 tấn/ha). Ông  làm thử nghiệm ngay trên mặt ruộng của mình và để lại một phần cho những người bên cạnh. Vụ mùa đó ông và mấy mặt ruộng bên cạnh trúng lớn. Giống lúa OM 5451 nhanh chóng được bà con mua lại gieo sạ trên cảcánhđồng Lớn. Và cả giống lúa OM 6162 sau này cũng đích thân ông đi Viện Lúa ĐBSCL mua về cho bà con. Lúc bấy giờ, ông gặp ai cũng hỏi han bàn bạc khuyên nên đổi giống lúa mới đến mức mọi người gọi ông là “Ông Lúa Giống” lúc nào không hay.

Chuyện ông Ba Tam xoay quanh những biệt danh của mình còn tiếp tục nối dài bởi chúng tôi vừa được con trai trưởng của ông mời uống trà ngay trên bờ ruộng. Anh Trương Trí, người chuẩn bị thay cha phụ trách công việc thủy nông trên Đồng Lớn cho biết: “Từ nhỏ thường theo cha ra đồng, giờ cũng thuộc lòng địa hình địa thế ở đây, cũng thạo một số việc cha dạy cho nên khi nào cha nghỉ thì mình thay thôi. Mình cũng gắn bó với cánh đồng này mà”.

Vậy là lực lượng nối hậu của ông đã sẵn sàng cho một cuộc chuyển giao, chủ yếu là tình yêu cánh đồng, tình yêu cây lúa  được truyền tiếp sang thế hệ thứ hai. Chúng tôi thành tâm chúc mừng ông, Ông Già Nước, Ông Thần làm ruộng mùa khô, Ông Lúa Giống, ông Ba Tam, người đàn ông nhỏ trên Cánh Đồng Lớn!

Ký sự:NGUYỄN HIỆP



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ba Tam, người đàn ông nhỏ trên Cánh Ðồng Lớn