Theo dõi trên

An toàn thực phẩm trên tàu cá: Cần nâng cao ý thức của ngư dân

20/09/2017, 09:56

BT- Những năm gần đây, yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản của người tiêu dùng ngày một khắt khe, do ý thức về vấn đề bảo vệ sức khỏe ngày càng cao. Vì vậy, tàu cá cần phải đáp ứng các yêu cầu về cách bố trí, trang thiết bị, dụng cụ và cả hệ thống quản lý chất lượng để đảm bảo cung cấp cho thị trường những sản phẩm thủy sản an toàn, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, công tác này vẫn chưa được ngư dân quan tâm đúng mức.

                
Vận chuyển thực phẩm, nhiên liệu xuống tàu    chuẩn bị ra khơi. Ảnh: N.L

Ngư dân chưa quan tâm

Theo công thức bảo quản hải sản truyền thống của ngư dân hiện nay là sau khi đánh bắt, hải sản được rửa sạch rồi cho vào hầm lạnh, đến khi tàu cập cảng sẽ “xuất kho”. Tuy nhiên, những tàu đánh bắt xa bờ dài ngày thì việc “ủ” cá ở hầm bảo quản hải sản làm từ mút xốp khó đảm bảo chất lượng, vệ sinh cũng như cách nhiệt hiệu quả cho sản phẩm. Ngư dân Nguyễn Phương (phường Hưng Long, TP. Phan Thiết) có nhiều năm kinh nghiệm trong đánh bắt xa bờ chia sẻ: “Một chuyến biển thường kéo dài 10 - 15 ngày, nên nước đá trong hầm bảo quản chỉ sử dụng được khoảng 60%, thậm chí chỉ được phân nửa khi thời tiết nắng nóng nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm sau khi đánh bắt. Khi đá gần tan hết, tàu phải quay về nếu không cá bán không được giá. Biết là vậy, nhưng để đầu tư hầm bảo quản làm bằng công nghệ mới, nguyên liệu tốt, giữ đông lạnh lâu thì chúng tôi chưa có khả năng đầu tư vì chi phí khá cao”. Đó là thực tế mà nhiều ngư dân trong tỉnh đều chọn bảo quản hải sản bằng đá xay theo kiểu truyền thống. Bởi họ lý giải, bao đời nay ông cha ta đã thế, và những mẻ cá vẫn cập bờ tươi cong thì việc đầu tư công nghệ, trang thiết bị bảo quản liệu có thừa?. Do đó, dù cơ quan chuyên môn khuyến cáo, nhưng toàn tỉnh, số tàu trang bị hầm bảo quản hải sản theo công nghệ PU (bọc i-nox và phun PU-Polyurethane) chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Cùng với vấn đề bảo quản sản phẩm, hầu hết ngư dân cũng “quên” việc khử trùng, vệ sinh hầm tàu, sàn chứa và các thiết bị tiếp xúc với hải sản trước và sau mỗi chuyến biển. Thậm chí, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP tàu cá, ngay sau khi dỡ hàng, bề mặt của các tấm ngăn, khoang chứa... phải được khử trùng và vệ sinh bằng các loại hóa chất chuyên dụng, đặc biệt là nước đá không được tái sử dụng. Thế nhưng, theo ghi nhận tại nhiều cảng cá, tàu cập bến hầu hết ngư dân chỉ cọ rửa, vệ sinh sàn tàu bằng nước biển; còn đá lạnh vẫn tái sử dụng.

 Ngành chức năng vào cuộc

Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch, an toàn của người dân, Bộ NN & PTNT đã ban hành Quy chuẩn 02-13:2009/BNNPTNT - Tàu cá - Điều kiện bảo đảm VSATTP, quy định những điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên các tàu đánh bắt, chế biến, thu mua và vận chuyển thủy sản. Để thực hiện quy chuẩn này, các tàu cá phải đạt 10 chỉ tiêu khá cụ thể về kết cấu, bố trí trên tàu cá, trang thiết bị bảo quản sản phẩm, hóa chất bảo quản, hệ thống thoát nước thải, chất thải, dụng cụ làm vệ sinh, khử trùng… Tuy nhiên, theo anh Huỳnh Sanh Bửu Phước - Phòng Thanh tra chuyên ngành - Chi cục Thủy sản: “Qua công tác kiểm tra các điều kiện đảm bảo ATTP tàu cá, đến thời điểm này Chi cục Thủy sản mới cấp 1.070 giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP tàu cá, chưa đạt 50% số tàu cá trên 90CV toàn tỉnh (hơn 2.600 chiếc). Về chất lượng đảm bảo thì các tàu cá chỉ tạm đạt so với những chỉ tiêu mà Bộ NN&PTNT quy định. Hiện nay ngành chức năng đang hướng dẫn ngư dân thực hiện theo đúng những chỉ tiêu đã đề ra, khắc phục những điểm còn thiếu, giúp ngư dân nâng cao ý thức và góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm trước khi xuất kho”.

Với những chỉ tiêu khá cụ thể, việc áp dụng theo đúng những quy chuẩn ấy làm nhiều ngư dân thật sự lúng túng. Trong đó, chú ý nhất là mọi tàu cá phải ghi nhật ký khai thác và hồ sơ theo dõi xử lý, chế biến trên tàu, bảo đảm dễ dàng trong việc truy xuất nguồn gốc và đánh giá chất lượng thủy sản. Tuy nhiên rất ít ngư dân duy trì được việc làm này, bởi họ không quen ghi chép và ít rành con chữ. Do đó để đánh giá chất lượng đảm bảo ATTP tàu cá, các ngành liên quan ngoài việc kiểm tra, chấn chỉnh thì công tác tuyên truyền vẫn nên ưu tiên hàng đầu. Nếu chỉ làm giấy chứng nhận ATTP để đối phó, thì ngư dân sẽ không thay đổi được cách đánh bắt, bảo quản truyền thống, không nâng cao hiệu quả sản xuất và hải sản sạch đến tay người tiêu dùng vẫn mãi chỉ là trên giấy tờ.

    
    Theo Trung   tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, ngư dân sử dụng công nghệ PU được   trang bị đồng bộ cảm biến đo nhiệt độ hầm bảo quản, sẽ chủ động kiểm   soát được nhiệt độ. Điều này không chỉ giúp ngư dân đảm bảo chất lượng   và ATTP hải sản, giảm hơn 15% chi phí, mà lợi nhuận còn tăng từ 20- 30%   so với trước.

M.Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Tập trung những điểm nóng để giải quyết thiếu nước sạch cho dân
BTO-Chiều 23/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì buổi họp nghe báo cáo đề xuất giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu UBND tỉnh có lãnh đạo các sở, ngành liên quan và được kết nối trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An toàn thực phẩm trên tàu cá: Cần nâng cao ý thức của ngư dân