Theo dõi trên

5 giờ ở khu cách ly 812

19/03/2020, 09:46

9 giờ sáng

BT- La Gi đã khô khốc với nắng chói chang và gió cuốn liên hồi. Virus corona nào khi quăng ra không gian này có thể sống sót nổi, cho dù ngay tên gọi của nó theo tiếng Latinh có nghĩa là vương miện, nguyên do vì qua kính hiển vi, nó có hình dáng ấy. Thế nhưng, xung quanh khuôn viên Trung đoàn Bộ binh 812, nơi đang cách ly 73 người, tính đến ngày 16/3 vắng lặng như tờ. Cửa hàng tạp hóa lâu nay ở đây đã đóng cửa từ bao giờ. Những nhà dân gần bên đã tìm đường đi theo hướng khác. Chính còi xe cứu thương dồn dập trong mấy ngày qua, ra vào trung đoàn đã đẩy nỗi sợ Covid-19 của người dân nơi đây lên đỉnh điểm, khi nghĩ nơi đây toàn người đã nhiễm bệnh. Suốt đoạn đường vào trung đoàn, hình như chỉ thấy bóng dáng một người, một chiến sĩ còn trẻ măng ngồi ở bàn ven đường hướng dẫn xe nào vào cổng chính, xe nào vào cổng phụ, tức cổng đi vào khu vực cách ly y tế. “2 ngày qua, không có thêm người vào đây cách ly. Nhưng nhà tài trợ nhu yếu phẩm thì nhiều” - Chính ủy Trung đoàn 812 thượng tá Đậu Trọng Bơn nói với ánh mắt hấp háy niềm vui nhưng không khỏa lấp sự mệt mỏi vì mất ngủ. Mà hình như nét mặt ai ở trung đoàn cũng có cùng sự mệt mỏi, vì đã nhiều ngày qua chưa về nhà. Nghe nói, ở đơn vị này có không ít người có vợ làm bên các cơ quan y tế thì vợ một nơi, chồng một nơi, con gửi nội ngoại. 

  10 giờ trưa

Cuộc nói chuyện giữa tôi với chính ủy và trung đoàn trưởng cứ trục trặc như xe đạp chạy trên con đường nhiều sỏi đá. Vì không thể nói hết nhiều chuyện xảy ra trong thời gian ngắn. Không thể nhớ hết, dù chuyện đang còn rất tươi mới. Tôi lục lại danh sách, báo cáo thì hiểu hơn cảm giác, sự chịu đựng mà họ đã trải qua, khi nơi đây chuyên huấn luyện bộ đội mà bây giờ nhận thêm nhiệm vụ rất mới, xưa nay chưa hề xảy ra. Đó là lo tốt chuyện cách ly những đoàn người nghi lây nhiễm bệnh Covid – 19 đã sẵn tư tưởng không ổn định, lại chuyển đến một nơi xa lạ, có cơ sở vật chất dành cho bộ đội, vốn rất đơn giản và hòa đồng. Bao thứ bỡ ngỡ ban đầu như khử độc, khử trùng, giường cách giường 1m, bảo hộ khỏi lây nhiễm. Và bối rối với những đòi hỏi của người đi cách ly… Nhưng với báo cáo số liệu công dân cách ly tại trung đoàn thì rất rõ ràng, cụ thể...

                
Phóng viên trò chuyện với những người dân    trong khu cách ly 812.

Đêm 10/3, tại khu cách ly của trung đoàn bắt đầu đón nhận từng đợt người nghi nhiễm Covid-19, sau khi Bình Thuận có ca nhiễm đầu tiên xếp số 34 của cả nước. Lúc 9 giờ 30 tối, thị xã La Gi đưa 11 người vào. Nửa tiếng sau, Hàm Thuận Nam đưa 2 người vô. Tiếp đến 10 giờ 15, Hàm Thuận Bắc chuyển 21 người nữa. Đêm đầu tiên ấy, cứ tưởng chỉ mỗi tổ y, bác sĩ thức trắng với công việc họ phải làm nhưng hình như mấy chục người ở trung đoàn cũng không ngủ, vì người nào việc nấy nhằm bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ lạ lẫm này tốt nhất. Đêm 11/3, lúc 00 giờ 30, TP. Phan Thiết chuyển vào 1 đoàn lên đến 57 người. Mọi sắp xếp, ổn định cho đoàn này đã kéo dài đến sáng hôm sau. Đêm 12/3, không có ai vào. Sang ngày 13/3, lúc 9 giờ sáng, thị xã La Gi chuyển vào 2 người. Còn TP. Phan Thiết chuyển 6 đợt người vào kéo dài từ 9 giờ 30 sáng cho đến 00 giờ 35 với số lượng lên đến 89 người. Chưa hết, cũng trong đêm khuya đó, lúc 00 giờ 15, Hàm Thuận Bắc chuyển vào 3 người nữa. Cứ từng đợt như thế, những người ở trung đoàn hết nằm xuống rồi lại choàng dậy, thành ra trắng đêm. Ngày 14/3 lại tiếp tục có người vào nhưng ít hơn với Hàm Thuận Bắc 5 người, TP. Phan Thiết 5 người.

 11 giờ trưa

Không gian yên tĩnh, chỉ nghe tiếng gió hú lách qua những hàng dương. Bỗng nghe tiếng kèn vang lên, kèn báo ăn trưa. Tôi nghe thoáng đâu đó tiếng người lao xao. À, vì cách nơi chúng tôi ngồi 300 m ở phía sau kia là khu cách ly y tế. Đêm hôm qua, nơi đây đã có một cuộc “lời ra tiếng vào” gay gắt. Chuyện là mấy ngày trước, những người có mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính thường được công bố vào buổi tối thì liền đó, được về địa phương, tự cách ly tại nhà. Nhưng đêm 15/3, khi 81 người có mẫu xét nghiệm đều âm tính thì họ nhận thông báo là vẫn phải ở lại cách ly cho đủ 14 ngày mới về. Đó là lệnh của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn về Bình Thuận làm việc về tình hình dịch Covid-19 vào sáng cùng ngày với cảnh báo khả năng lây lan của dịch có thể lên cấp lũy thừa và không thể chủ quan, vì có trường hợp xét nghiệm âm tính, nhưng sau đó chuyển thành dương tính. Nhiều người la hét đòi về. Có người khóc vì sữa căng, con ở nhà cần bú mẹ; có người bị trật chân đau đớn mỗi khi phải ra khu vệ sinh ở xa; có người đang mang bầu nhăn nhó muốn về nhà… Với những trường hợp trên, lãnh đạo trung đoàn đề nghị cho chuyển về khu cách ly 482 tại TP. Phan Thiết để gần nhà ngay trong đêm 15/3. Còn 73 người còn lại, phần lớn đều làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp… nên sau những đòi hỏi không thành, cũng nguôi ngoai. Với lại, ai trong họ cũng có smartphone, sử dụng mạng của trung đoàn hoặc 4G là có thể truy cập biết thông tin trên. Và giờ, họ đang ăn cơm. Cơm hôm nay có rau muống xào tỏi, trứng chiên, thịt kho, mướp xào chả cá và canh chua cá nục.

                
Chuẩn bị bữa ăn cho người dân trong khu    cách ly 812. Ảnh: Duy Thỉnh.

 11 giờ 30

 Quân y sĩ Huỳnh Minh Việt, mới 23 tuổi nhưng đã trụ ở khu cách ly này từ ngày 25/2, lúc 1 du học sinh ở tâm dịch Daegu (Hàn Quốc) về lại La Gi phải vào đây, giúp tôi mặc đồ bảo hộ để đi vào khu cách ly. Trước tiên phải đeo khẩu trang, sau đó mặc đồ bảo hộ, đeo găng tay y tế rồi mới mang găng chân. Y sĩ Việt bảo tôi phải bỏ giày cao gót ra, xỏ dép xẹp vào thì mới mang găng chân được, còn kính chống khuẩn này thì Việt áp nó lên đôi kính cận luôn. Tôi cảm nhận mình giống con vịt đô - nan về độ lạch bạch vì găng chân, quờ quạng đi vì không nhìn rõ và bắt đầu thở phì phò, vì bị 2 lớp khẩu trang và lớp đồ bảo hộ che kín mặt. Cứ thế, tôi tiến vào khu cách ly dãy nữ, hiện có 33 người. Những người mà tôi gặp đầu tiên làm ở Vietinbank chi nhánh Bình Thuận. Ai cũng đeo khẩu trang nhưng vẫn nhận ra người quen nên không khí bỗng vui nhộn hẳn. Tôi hơi bất ngờ, khi nghe các chị em kể những việc làm trong ngày tương tự như đi nghỉ dưỡng mà không mất tiền. Không phải sao, phòng ốc có tuềnh toàng một chút nhưng được phun xịt khuẩn 2 lần/ngày, có nước rửa tay, rất an tâm trong bối cảnh hiện nay so với ở bất cứ đâu. Cơm ăn đủ 3 bữa trên chuẩn của quân đội, vì ngoài 57.000 đồng/người/ngày của Bộ Quốc phòng, tỉnh còn hỗ trợ thêm 20.000 đồng/người/ngày, lại được phục vụ tận nơi. Sức khỏe thì có người hỏi thăm, đo thân nhiệt 2 lần sáng tối. Lúc rảnh thì lướt web, tập thể dục và làm đẹp, vì đều ở trong mát mà. Có người đưa ra mục tiêu, đủ 14 ngày, về nhà thì da mặt phải trắng sáng như diễn viên Hàn Quốc… Có lẽ xác định thế nên sáng nay, cánh chị em được người nhà tiếp tế những thứ cần thiết, trong đó có cả mỹ phẩm. Nhìn sang các dãy nam, các anh em cũng đủ các trò, từ đánh cờ, uống trà, đá banh… Sáng nay, các anh chị đòi xem ti vi, bên trung đoàn lật đật tính toán kéo cáp nhưng đơn vị kéo cáp không dám vào nên nghe nói đang tính thu chảo. 

 13 giờ 

Sau khi tháo tất cả đồ bảo hộ theo đúng hướng dẫn bảo đảm không cho virus (nếu có) chạm vào da, tôi thấy nhẹ tênh và bỗng khâm phục những người ở tuyến đầu chống dịch. Vì trách nhiệm, vì yêu nghề, họ phải gồng mình với đồ bảo hộ hết ngày này sang ngày khác. Vì thế, khi Trung tá Trần Văn Hiệp, bác sĩ của Bệnh xá Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tăng cường về đây từ đêm 10/3 hướng dẫn tôi rửa tay, rửa mặt, khò nước sát khuẩn, uống cà phê ấm, tôi tuân lệnh như một đứa trẻ ngoan. “Cô dám vào khu cách ly thì cũng dũng cảm lắm!”- bác sĩ Hiệp nói. Tôi trả lời lí nhí: “Hiểu cơ chế lây nhiễm của nó thì không phải sợ lắm anh” và bỗng chợt nghĩ đến chuyện những bác sĩ phải hy sinh vì bị lây nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc vừa qua, tôi không biết nói tiếp thế nào. À, là do sơ suất… Khu cách ly này đã chứa 197 người nghi nhiễm, trong đó có 3 trường hợp bị dương tính với Covid-19 từ 1 - 2 ngày đầu. Vì tránh sơ suất nên sau khi họ đi, giường chiếu của 3 trường hợp trên đều đã đi hủy hết, các phòng đều được phun xịt thuốc 2 lần vào sáng và chiều. Từ đó đến nay, 194 người ở đây đều đang âm tính với Covid-19, được chăm sóc đặc biệt. Nhưng hình như đội y bác sĩ 6 người tại trung đoàn chưa được lấy mẫu xét nghiệm, họ cũng cần được biết sức khỏe mình đến chặng này thế nào. Tôi chào họ bằng cách… đá chân tại chỗ. Ôi! Covid-19, hãy nhanh tan, vì tôi thèm được bắt tay họ biết bao!

Phóng sự: Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
5 giờ ở khu cách ly 812