Theo dõi trên

120 năm Phan Thiết được công nhận thị xã: Từ chốn hoang sơ trở thành “thủ đô” resort

15/10/2018, 08:13

BT- Những ngày này, Đảng bộ và người dân thành phố biển nô nức đón chào sự kiện 120 năm ngày Phan Thiết được công nhận là thị xã (20/10/1898 – 20/10/2018), với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức trên địa bàn. Sự phát triển của Phan Thiết hiện nay là phù hợp với quy luật, xứng đáng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh Bình Thuận. 

                
Ảnh: Đ. Hòa

Ngược dòng lịch sử

Trước năm 1898, đây là vùng đất mới, hoang sơ, qua những lần theo đuổi con nước, đàn cá trên biển dài ngày, nhiều ngư dân quyết định ở lại chốn này. Lớp người đến định cư ban đầu là lực lượng trung niên, trai tráng, sau đó là gia đình, vợ con. Cuối thế kỷ 17, chúa Nguyễn khuyến khích cư dân xuống phía Nam khai phá, mở mang bờ cõi, mảnh đất này khi ấy hầu hết là dân miền Trung, xuất thân từ các làng vạn chài ven biển đến Phan Thiết lập nghiệp. Khi mới hình thành Phan Thiết vốn đất rộng người thưa, công cuộc khai khẩn mới bắt đầu, các đơn vị hành chính có phần giản lược và nhiều thay đổi theo thời gian. Từ tên gọi Thuận Phủ đến Thuận Thành Trấn rồi phủ Bình Thuận… Năm 1825 (đời Minh Mạng thứ 6) Phan Thiết trở thành phủ lỵ  của phủ Bình Thuận; năm Minh Mạng thứ 13 (1832) thành lập tỉnh Bình Thuận gồm 2 phủ: Ninh Thuận và Hàm Thuận; Phan Thiết nằm trong tổng Đức Thắng thuộc huyện Tuy Lý của phủ Hàm Thuận. Đến năm 1889 tỉnh Bình Thuận từ thôn Hòa An huyện Hòa Đa dời về thôn Phú Tài thuộc phủ Hàm Thuận. Ngày 20/10/1898, dưới triều vua Thành Thái, Phan Thiết được tách ra khỏi phủ Hàm Thuận và được công nhận là thị xã cùng lúc với Thanh Hóa, Vinh, Huế, Nghệ An và Quy Nhơn.

Đầu thế kỷ 19, Phan Thiết là một làng ven biển, rải rác một số lều tranh bên đường hoặc những chòm nhỏ năm, ba nóc nhà nối lại thành xóm, thành làng. Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ này, Phan Thiết trở thành một đô thị lớn của Trung kỳ mà dân số theo báo cáo của viên công sứ Noe (ngày 20/6/1899) lên đến 25.000 người, gồm 11 làng. Phan Thiết trở thành một thị trường lớn với thế mạnh như nước mắm, cá khô, cá muối, cá hấp và là một trung tâm thương mại quan trọng lúc bấy giờ. Với chính sách cai trị bóc lột của thực dân, cơ sở vật chất của Phan Thiết vẫn lạc hậu, đời sống của đại đa số người dân còn nghèo. Ngoại trừ một số ít các chủ hàm hộ giàu lên nhờ chế biến hải đặc sản như bà Lục Thị Đậu, ông Bát Xì, nước mắm Vạn Hương… nhưng đều có tinh thần xây dựng cơ sở của đô thị Phan Thiết để phát triển. 

Mảnh đất tụ nghĩa

Do có vị trí thuận lợi, Phan Thiết sớm trở thành mảnh đất tụ nghĩa của các chí sĩ yêu nước từ Nam ra, Bắc vào dừng chân. Có thể kể các hội đồng hương như Quảng Nam Đồng Châu Hội, Quảng Điền, Nam Nghĩa… quy tụ dòng người tỵ địa đông đảo này đáng kể là Hội đồng châu xã do cụ Nguyễn Thông sáng lập. Khi phong trào Cần Vương nổi lên, nhân dân Phan Thiết hưởng ứng nồng nhiệt, nhiều trận đánh đã diễn ra ở Phú Hài, Phú Tài, Phú Trinh giữa quân Cần Vương từ miền Trung kéo vào phối hợp với quân của Ung Chiếm đánh bọn thực dân và bè lũ tay sai. Năm 1910, trước khi ra đi tìm đường cứu nước, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã dừng chân dạy học tại Trường Dục Thanh. Tuy lưu lại không lâu nhưng hình ảnh thầy Thành không phai trong ký ức của những người đã gặp và là niềm tự hào của nhân dân Phan Thiết. Là địa bàn hoạt động của các phong trào yêu nước, Phan Thiết sớm trở thành cái nôi của cách mạng từ sau phong trào Duy Tân. Những đảng viên cộng sản đầu tiên như Dương Chước, Hồ Quang Cảnh đã nhóm lên ngọn lửa cách mạng, hun đúc thêm lòng yêu nước của nhân dân. Qua đó đã tạo nên phong trào, hình thành các tổ chức quần chúng và những đảng viên đầu tiên của quê hương như Nguyễn Tương, Nguyễn Gia Tú đã thúc đẩy các cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. 

“Thiên đường” du lịch

 43 năm sau ngày đất nước thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Phan Thiết đã phát triển không ngừng, trở thành “thiên đường” du lịch của các tỉnh, thành phía Nam. Kể từ khi xảy ra hiện tượng Nhật thực toàn phần năm 1995, địa danh Mũi Né, Hàm Tiến đã được đông đảo du khách trong, ngoài nước biết đến. Làng chài Hàm Tiến, Phú Hài, Mũi Né ngày nào giờ tấp nập khách tây, ta, các khu resot ven biển đã được lấp đầy với nhiều khách sạn, phòng ốc đạt tiêu chuẩn quốc tế. Không phải ngẫu nhiên mà nơi này được mệnh danh là “thủ đô” resort – đó chính là sự nỗ lực vươn lên của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Phan Thiết trước xu thế mở cửa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước. Phan Thiết không chỉ có “biển xanh, cát trắng, nắng vàng”, mà con người nơi đây vốn bình dị, chân chất, hiền lành và mến khách. Hạ tầng cơ sở của Phan Thiết cũng đã đổi thay theo năm tháng để đáp ứng nhu cầu cho du khách đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, mua sắm. Các sản phẩm du lịch, địa điểm để du khách viếng thăm cũng tăng dần như các khu: huyền thoại làng chài Phan Thiết, điểm du lịch bồng lai tiên cảnh, tranh cát, lâu đài rượu… cùng các thực đơn ẩm thực đặc trưng của vùng biển sẽ làm du khách khó quên khi đến đây.

Hệ thống giao thông nội thành của Phan Thiết đã được cải thiện đáng kể và mở rộng ngày một nhiều như đại lộ Nguyễn Tất Thành, Hùng Vương, Tôn Đức Thắng, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn… Cùng với đó là các trung tâm mua sắm, siêu thị ra đời trải đều trên các tuyến phố phường của Phan Thiết. Một diện mạo mới của đô thị du lịch phát triển trong tương lai đang là đích đến của vùng đất hoang sơ ngày nào. Tin rằng, khi sân bay Phan Thiết hoàn thành đưa vào khai thác, nơi đây sẽ là thành phố biển du lịch đáng đến của du khách trong thời gian không xa nữa.

Như NguyỄn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Tai mắt” đặc biệt ở khu dân cư
Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là môi trường biển là nhiệm vụ cấp thiết ở Hàm Tiến - một phường trọng điểm về du lịch của TP. Phan Thiết. Không chỉ ra quân dọn rác, việc dọn rác từ trong ý thức người dân, doanh nghiệp cùng chung tay mới giải quyết được vấn đề “dọn rác từ gốc”…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
120 năm Phan Thiết được công nhận thị xã: Từ chốn hoang sơ trở thành “thủ đô” resort