Theo dõi trên

Đất nhiễm mặn, ngập úng, ô nhiễm quanh khu vực bãi xỉ Vĩnh Tân: Cần có sự giám sát chặt chẽ

08/08/2017, 08:14

BT- Bình Thuận hiện có 5 nhà máy nhiệt điện than là Vĩnh Tân 1, 2, 3, 4, và 4 mở rộng thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong. Bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2015, chỉ tính riêng Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã thải ra lượng tro, xỉ than khoảng 1,4 - 1,6 triệu tấn/năm và đến nay lượng tồn trữ tại bãi là hơn 3,2 triệu tấn. Sắp tới khi các nhà máy đều đi vào hoạt động thì lượng tro xỉ sẽ lên đến mức khổng lồ nếu không có những giải pháp hữu hiệu.

                
Tưới nước tại bãi xỉ.

Cây chết và khuyến cáo không dùng nước sinh hoạt

Tại buổi họp báo mới đây do UBND tỉnh tổ chức, Sở Tài nguyên - Môi trường đã cho biết về kết quả việc cây chết hàng loạt ở khu vực sân xe chùa Linh Sơn Tự, thuộc địa bàn xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong và UBND tỉnh cũng có văn bản khuyến cáo người dân tạm thời không nên sử dụng nước ngầm (nước giếng) vào mục đích tưới tiêu cũng như ăn uống. Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập đoàn kiểm tra lấy và phân tích mẫu đất, nước tại bãi xỉ, đoàn  đã lấy 40 mẫu, kết quả phân tích cho thấy phần lớn các mẫu đều nằm trong giới hạn cho phép và hàm lượng clorua trong các mẫu nước dưới đất của các hộ dân có giảm. Tuy nhiên có 3 mẫu của 3 hộ dân vượt quy chuẩn cho phép, nên đã khuyến cáo 3 hộ này không nên dùng nước ngầm để sinh hoạt. Riêng việc xác định cụ thể nguyên nhân nước giếng nhiễm mặn, đất bị ngập úng tại khu vực xung quanh bãi xỉ và các nội dung theo chỉ đạo của UBND tỉnh thì cần làm rõ các nội dung: Khả năng chống thấm của bãi xỉ không để nước thẩm thấu ra bên ngoài, mức độ ảnh hưởng của việc xây dựng bãi xỉ đến dòng chảy dưới đất, nước mặt ở khu vực. Vì vậy Viện Môi trường và Tài nguyên cần có thời gian để nghiên cứu khảo sát thêm…

Mới đây vào ngày 3/8, chúng tôi đến quan sát ngay tại bãi tro xỉ và gặp các hộ dân gần đó. Cách một hàng rào cây xanh gần 100m là nhà ông Phan Văn Tuấn, 1 trong 3 hộ dân được khuyến cáo không dùng nguồn nước giếng. Ông dẫn chúng tôi ra vườn trôm ngay phía trước, có cây mọc lên nhưng đa phần bị chết và rất còi cọc. Nhổ 1 cây cao hơn đầu người, ông lắc nhẹ là bật gốc, chỉ cho chúng tôi xem: “Bị thối hết thế này thì sao mà sống nổi? Chưa kể là ở ngọn thì cháy dần và rụng”. Ông cho biết thêm, chỉ tầm 1 năm nay đất của ông không trồng được gì nữa, nước giếng cũng bỏ vì nhiễm mặn, nước sinh hoạt thì mua từng bình chịu không nổi. Theo các cơ quan chức năng cho biết bước đầu xác định cây chết có thể do nhiều nguyên nhân như: đất bị ngập úng nước, nguồn nước và đất bị nhiễm mặn…

 Nỗi lo từ bãi xỉ

 Qua bãi tro xỉ của nhà máy, chứng kiến từng đoàn xe tải liên tục chở tro xỉ từ nhà máy ra bãi xỉ được che phủ gọn gàng. Tại bãi xỉ, công nhân đang phun nước tưới trong quá trình đổ xỉ để tránh gây phát tán bụi, tro khi đổ xuống. Có mặt tại bãi xỉ, trao đổi với chúng tôi, anh Lợi – Đội phó phụ trách ở đây cho biết thêm: “Bãi xỉ đang chứa khoảng 3,2 triệu tấn, vấn đề an toàn cho môi trường được làm hết sức chặt chẽ, các đê bao, kè đều làm theo đúng thiết kế, có chống thấm, có đổ các lớp đất, đá trước khi đổ xỉ, tro, tưới ẩm, phủ bạt để không phát tán bụi, tro”. Nhưng quả thật, nhìn bãi xỉ mới đổ tới tầng 2 đã chất cao như ngọn núi, nếu đổ thêm 5 tầng theo thiết kế còn kinh khủng hơn. Mà đấy mới chỉ là một nhà máy đi vào hoạt động, khi 5 nhà máy cùng hoạt động thì lượng tro xỉ sẽ nhiều như thế nào. Được biết, mới đây trong cuộc họp do UBND tỉnh chủ trì, “từ đầu tháng 11 đến cuối tháng 12/2017, Công ty cổ phần đầu tư Mãi Xanh sẽ hoàn thiện đưa vào sử dụng 15 dây chuyền sản xuất gạch không nung và dự kiến sẽ tiêu thụ hết 50%, đến tháng 1/ 2018, 100% tro xỉ của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 sẽ tiêu thụ hết” - đó là cam kết được Tổng công ty Phát điện 3, Công ty cổ phần đầu tư Mãi Xanh báo cáo tại cuộc họp. Hiện Công ty Mãi Xanh đang tập kết vật liệu xây dựng nhà máy để kịp thực hiện tiến độ theo cam kết.

                
Sản phẩm gạch từ tro xỉ.

Được biết, UBND tỉnh vừa có công văn gởi Bộ Xây dựng đề nghị sớm ban hành các văn bản, nếu chưa thì cần có hướng dẫn tạm thời về sử dụng tro, xỉ than từ nhà máy nhiệt điện làm vật liệu san lắp công trình, sản xuất cát nhân tạo (thay thế cát tự nhiên) và sản xuất gạch không nung trên địa bàn Bình Thuận. Qua đó làm cơ sở để địa phương kịp thời hướng dẫn cho các đơn vị có nhu cầu đầu tư sản xuất gạch không nung hoặc vật liệu san lấp từ lượng lớn tro, xỉ than thải ra trong quá trình hoạt động của các nhà máy nhiệt điện thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân… Về phía các hộ dân sống gần khu vực bãi thải xỉ của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân về lâu dài, giao UBND huyện Tuy Phong xây dựng lộ trình để di dời và bố trí đất sản xuất cho các hộ dân sinh sống.

Thiết nghĩ với thực tế hiện nay, cần sớm có kết quả xác định nguyên nhân cây chết và nguồn nước để người dân yên tâm, cũng như có sự giám sát chặt chẽ đối với bãi xỉ than, bởi vì chỉ cần một sự cố nhỏ sẽ gây những hậu quả không lường được về môi trường lâu dài. Nhất là phải đảm bảo theo đúng thiết kế tác động môi trường từ đê bao, các lớp chống thấm xuống mặt đất, xử lý bụi tro. Đặc biệt là tìm đầu ra cho bãi tro xỉ khổng lồ này càng sớm càng tốt.

Thu Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đất nhiễm mặn, ngập úng, ô nhiễm quanh khu vực bãi xỉ Vĩnh Tân: Cần có sự giám sát chặt chẽ