Cuộc thi viết “Tìm hiểu pháp luật về Sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận lần II năm 2017”

(Ban hành kèm theo Quyết định số 58 /QĐ-BTC ngày 16 tháng 5 năm 2017)

Nhằm đưa pháp luật về sở hữu trí tuệ đến gần với mọi người dân đang sống và làm việc tại tỉnh Bình Thuận và khơi gợi sự quan tâm của người dân đến sở hữu trí tuệ noi1chung và phong trào sáng tạo nói riêng; Nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ góp phần phát triển kinh tế xã hội; Tuyên truyền, cổ vũ hoạt động sở hữu trí tuệ nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (ngày 26/4) và Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (ngày 18/5).

Thực hiện Kế hoạch số 463/KH-SKHCN ngày 16/5/2017 của Sở Khoa học và Công nghệ về việc tổ chức Cuộc thi viết “Tìm hiểu pháp luật về Sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận lần II năm 2017”.

Ban tổ chức Cuộc thi ban hành Thể lệ Cuộc thi viết “Tìm hiểu pháp luật về Sở hữu trí tuệ tỉnh Bình Thuận lần II năm 2017” (sau đây gọi tắt là Cuộc thi) như sau:

I. Nội dung cuộc thi và cấu trúc bài thi

1. Nội dung cuộc thi

Tìm hiểu pháp luật về Sở hữu trí tuệ (Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung năm 2009, các văn bản hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ và một số chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh Bình Thuận).

2. Cấu trúc bài thi

Gồm 10 câu hỏi, với các nội dung:

- Kiểm tra kiến thức chung về sở hữu trí tuệ.

- Giải quyết một số tình huống về sở hữu trí tuệ.

- Một số chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 – 2020.

II. Đối tượng dự thi và hình thức thi

1. Đối tượng dự thi

Mọi công dân Việt Nam đang sống và làm việc tại tỉnh Bình Thuận, trừ các thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo Cuộc thi và Công chức phòng Quản lý Chuyên ngành thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận.

2. Hình thức thi

- Thi viết bằng tiếng Việt          ;

  - Câu hỏi được Ban tổ chức cuộc thi công bố, đăng tải trên Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Thuận và các địa chỉ Website:

+ www.binhthuan.gov.vn

  + www.baobinhthuan.gov.vn

+ www.skhcn.binhthuan.gov.vn

III. Yêu cầu về bài dự thi

1. Yêu cầu về bài dự thi

- Đúng chủ đề; nội dung bài dự thi không được sao chép lại của người khác dưới mọi hình thức; nếu trích dẫn nội dung, hình ảnh, tư liệu để minh họa phải có chú thích rõ ràng.

- Bài dự thi được thực hiện bằng tiếng Việt, viết tay hoặc đánh máy trên khổ giấy A4; đánh số trang theo thứ tự. Trường hợp bài dự thi có nhiều trang phải đóng lại thành quyển. Trang bìa bài dự thi ghi rõ họ tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; địa chỉ (nơi ở, nơi học tập hoặc nơi làm việc) của người dự thi.

- Khuyến khích các bài dự thi thực hiện công phu, hình thức đẹp, có hình ảnh, tư liệu phong phú.

2. Số lượng bài dự thi

Mỗi cá nhân chỉ được tham gia 01 bài dự thi.

IV. Thời gian địa chỉ nhận bài dự thi và trao giải

1. Thời gian tham gia cuộc thi

  - Phát động cuộc thi: Ngày 18/5/2017

  - Thời gian nhận bài: Từ ngày 15/9/2017 đến hết ngày 30/9/2017 (tính theo dấu bưu điện hoặc ngày nhận được bài dự thi trong trường hợp gửi trực tiếp)

 2. Địa chỉ nhận bài tham gia dự thi

Các tổ chức, cá nhân có thể gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến địa chỉ:

Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận - số 08 đường Nguyễn Tất Thành – thành phố Phan Thiết – tỉnh Bình Thuận

* Lưu ý: Ngoài phong bì dự thi ghi rõ nội dung: Tham dự Cuộc thi viết “Tìm hiểu pháp luật về Sở hữu trí tuệ” tỉnh Bình Thuận lần thứ II năm 2017.

3. Thời gian công bố kết quả và trao giải

- Thời gian công bố kết quả cuộc thi: Tháng 11/2015

- Ban Tổ chức Cuộc thi sẽ tổ chức tổng kết và trao giải Cuộc thi tại Hội nghị sơ kết Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Bình Thuận năm 2017 vào tháng 12 năm 2017.

V. Cơ cấu giải thưởng

Ban giám khảo chấm và lựa chọn trao giải cho cá nhân có bài dự thi xuất sắc và tổ chức có nhiều bài dự thi đạt kết quả cao.

1. Giải tập thể

- 01 giải nhất: 7.000.000 đồng/giải;

- 02 giải nhì:   5.000.000 đồng/giải

- 03 giải ba:   3.000.000 đồng/giải

- 05 giải khuyến khích: 1.500.000 đồng/giải

2. Giải cá nhân

- 01 giải nhất:    4.000.000 đồng/giải;

- 03 giải nhì:   2.500.000đ/giải.

- 03 giải ba:  1.500.000đ/giải

- 10 giải khuyến khích:   800.000đ/giải

Trường hợp các bài thi có số điểm bằng nhau thì chọn bài thi được trình bày công phu, hình thức đẹp, có hình ảnh tư liệu phong phú để trao giải.

CÂU HỎI CUỘC THI VIẾT

“TÌM HIỂU PHÁP LUẬT VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN LẦN THỨ II NĂM 2017

(Kèm theo Thể lệ số  468 /TL-BTC ngày 16/5/2017 của Ban Tổ chức Cuộc thi)

Câu 1. Theo quy định , sở hữu công nghiệp gồm các đối tượng nào? Để được bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp các đối tượng nào cần phải đăng ký bảo hộ? Nhãn hiệu phải đáp ứng đủ các điều kiện nào mới được bảo hộ độc quyền?

Câu 2. Theo anh chị nhãn hiệu và thương hiệu có sự khác nhau không? Nếu có, anh chị hãy phân biệt sự khác nhau này?

Câu 3. Theo anh chị tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp?

Câu 4. Theo anh chị một sáng chế (trong thời gian bảo hộ) có thể bán cho đồng thời nhiều công ty cùng mua và sử dụng trên nhiều sản phẩm mang nhãn hiệu khác nhau hay không? Tại sao?

Câu 5. Theo anh chị cơ quan nào có thẩm quyền đăng ký, quản lý chỉ dẫn địa lý thuộc nhiều địa phương?

Câu 6. Theo pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam anh chị hãy cho biết  có cần đăng ký bảo hộ quyền tác giả không, vì sao? Cơ quan nào có thẩm quyền cấp bản quyền tác giả tại Việt Nam?

Câu 7. Theo anh chị để được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng có cần đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng không, vì sao? Nếu có ai có quyền đăng ký? Đăng ký tại cơ quan nào?

Câu 8.Ông H đang sống tại tỉnh Bình Thuận có sáng chế được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế muốn được hỗ trợ để triển khai sáng chế mình nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương nhưng không biết làm bằng cách nào. Anh chị vận dụng các chính sách trong Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh Bình Thuận để ông H thực hiện.

Câu 9. “Phan Thiết” là chỉ dẫn địa lý dùng cho sản phẩm nước mắm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp đăng bạ theo Quyết định số 364/QĐ-SHTT ngày 30/5/2007. Hiện nay (sau ngày 01/6/2007), một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nước mắm khi thành lập doanh nghiệp sử dụng chữ “Phan Thiết” trong thành phần tên thương mại của mình (ví dụ: Công ty TNHH Sao Biển Phan Thiết, DNTN dịch vụ thương mại Phan Thiết Hàm Thắng,…). Bằng hiểu biết về sở hữu trí tuệ anh chị xử lý hành vi này như thế nào?

Câu 10. Giả sử chai rượu (hình 1) do các anh chị tự sản xuất, để bảo hộ độc quyền cho sản phẩm của mình anh chị có thể đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ. Vậy anh chị có thể đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp nào cho sản phẩm chai rượu theo hình?



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
THỂ LỆ