Theo dõi trên

Vì sao khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn tiếp diễn?

09/04/2017, 11:14

BTO - Thời gian gần đây, báo Bình Thuận liên tục đưa tin phản ánh tình trạng khai thác cát trái phép thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh. Vậy nguyên nhân là do đâu?

Theo tìm hiểu của người đọc, một số nguyên nhân chính đó là:

Thứ nhất: do những hạn chế, khó khăn và bất cập khi thực hiện các chính sách về khoáng sản. Từ khi Luật Khoáng sản năm 2010 được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011, thực tế trong quá trình triển khai đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc:

Thủ tục cấp phép đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát xây dựng, đá xây dựng, vật liệu san lấp) được quy định cũng gần giống như những khoáng sản quý hiếm khác như vàng, bạc, titan, than đá… là chưa hợp lý. Vì những loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao, việc quy định những thủ tục cấp phép chặt chẽ là cần thiết; trong khi đó, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có giá trị thấp, nhu cầu của người dân, các công trình xây dựng cơ bản như đường giao thông, công trình xây dựng nông thôn mới, trường học, nhà ở … rất lớn và bức xúc. Vì vậy,thủ tục xin cấp phép theo quy định như các loại khoáng sản khác là quá phức tạp, làm mất nhiều thời gian nên đã xảy ra nhiều trường hợp lén lút khai thác vào ban đêm, ngày nghỉ, làm phức tạp tình hình an ninh trật tự, gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, gây thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan cũng như thất thu ngân sách nhà nước;

Hình ảnh minh họa.

Đối với các dự án xin cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, theo quy định chủ đầu tư phải tổ chức thăm dò, báo cáo đánh giá trữ lượng, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đền bù quyền sử dụng đất của người dân trong khu vực mỏ, lập các thủ tục thuê đất và lập hồ sơ để được cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định nên chi phí rất lớn, thời gian thực hiện thủ tục dài, nên mất đi tính cấp thiết về nhu cầu của loại khoáng sản này. Do đó, một số chủ dự án đã làm thủ tục xin trả lại mỏ.

Thứ hai: do việc thanh tra, kiểm tra xử lý các vụ khai thác khoáng sản trái phép của các cơ quan chức năng của các địa phương đang gặp khó khăn do Nghị định 142/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ quy định không áp dụng xử lý đối với hành vi vận chuyển, mua, bán, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp. Lực lượng kiểm tra muốn xử lý hành vi khai thác trái phép lén lút phải bắt quả tang tại hiện trường, do đó không thể xử lý các trường hợp đang vận chuyển khoáng sản trái phép.

Thứ ba: do hiệu quả trong khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường hiện nay thường không cao vì trình tự thủ tục cấp phép rườm rà, mất nhiều thời gian làm mất cơ hội nhà đầu tư, kinh phí lập hồ sơ cấp phép thăm dò, tiến hành thăm dò, phê duyệt trữ lượng, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập thiết kế khai thác, trình thẩm định góp ý, phê duyệt thiết kế khai thác tốn quá nhiều thời gian, công sức và tiền của,.... thêm vào đó là việc nộp tiền cấp quyền khai thác cũng gần bằng thuế tài nguyên nhưng phải nộp 1 lần hoặc hằng năm cũng là cũng quá sức đối với doanh nghiệp nhỏ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Thứ tư: do một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản 2010 ban hành chậm, như Thông tư hướng dẫn về đấu giá quyền khai thác khoáng sản số 54/2014/TT-BTNMT-BTC ngày 09/9/2014 (ngày 24/10/2014 có hiệu lực) chậm ban hành, dẫn đến việc xây dựng quy chế đấu giá, tổ chức đấu giá trên địa bàn tỉnh chậm, nên trong giai đoạn quy hoạch khoáng sản giai đoạn 2011-2015, số lượng cấp giấy phép khai thác còn ít so với số lượng các khu vực đã được quy hoạch. Vì vậy, một số huyện đã và đang thiếu hụt khoáng sản cát xây dựng, vật liệu san lấp, mặc dù đã có trong Quy hoạch khoáng sản nhưng chưa thể cấp phép khai thác được, gây bức xúc về nhu cầu vật liệu.

Thang Trang



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn tiếp diễn?