Theo dõi trên

Cây quýt ở Vĩnh Sơn

20/03/2017, 08:35 - Lượt đọc: 6

BT- Nhìn những vườn quýt lai trổ bông thơm ngát ở xóm 1C, thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hảo (Tuy Phong), chúng tôi không chỉ cảm phục về bản tính cần cù chịu thương chịu khó, bàn tay chăm sóc của các chủ nhân vườn quýt mà còn cảm phục sự nhạy bén, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển kinh tế của bà con nơi đây.

Đất không phụ công người

Theo chân ông Lê Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, chúng tôi đến thăm vườn quýt lai của  anh Nguyễn Ngọc Dũng (56 tuổi) ở xóm 1C, thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hảo, nằm dưới chân dãy núi đá. Khu vườn quýt rộng 2,5 sào với tán cây cao hơn 4m ngát xanh và tỏa mùi hoa quýt thơm lừng.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn quýt, anh Dũng cho biết từ Quảng Ngãi, anh vào xóm 1C năm 1980, làm công nhân nông trường thuốc lá Vĩnh Hảo. Đến năm 1991, nông trường giải thể, phần lớn công nhân dời đi nơi khác, chỉ còn số ít ở lại làm ăn sinh sống, trong đó có gia đình anh. Vùng đất nổi tiếng nắng gió, hệ thống thủy lợi chưa có nên bao năm qua cũng chỉ tồn tại vài loại cây hoa màu trầy trật, bấp bênh vì thiếu nước. Quanh năm, vợ chồng anh đầu tắt mặt tối với mấy sào bắp, hành tím, ớt... năng suất, sản lượng thấp nên thu nhập chẳng đáng là bao. Biết bao vụ trắng tay vì xuống giống mà ông trời chẳng chịu mưa. Cuộc sống gia đình bấy giờ gặp nhiều khó khăn, cái nghèo càng đè nặng lên đôi vai. Có lúc vợ chồng anh tính chuyện phải dời đi nơi khác tìm kế sinh nhai.

 “Cái duyên” với cây quýt lai rất tình cờ khi người em ở quê giới thiệu. Thấy có tính khả thi cao, anh đưa về 1 cây duy nhất để trồng thử nghiệm ngay cạnh nhà. Thật bất ngờ, cây quýt lai lại thích nghi khá tốt với điều kiện đất đai và khí hậu. Sau 4 năm, cây quýt lớn nhanh, cành lá xum xuê và bắt đầu đơm bông kết trái. Ngay lứa đầu tiên, anh thu hoạch đến 150 kg quả.

Với quyết tâm “phải làm bằng được”, anh Dũng quyết định mở rộng sản xuất. Năm 2010, anh gom tiền bạc ra tận Nghệ An mua giống đem về trồng trên 2,5 sào đất. Cây quýt cắm xuống mảnh đất khô cằn, vợ chồng anh vừa mừng, vừa lo, bởi nếu thất bại thì số tiền 11 triệu đồng vay mượn đối với gia đình là quá lớn.

Hơn nữa, thực tế có rất nhiều người đã đưa hàng trăm giống cây ăn trái nổi tiếng ở khắp nơi về xóm trồng nhưng đều “bỏ của chạy lấy người”.

Đất không phụ công người, sau 4 năm, từ những cây con nhỏ bằng chiếc đũa, cây quýt đã có gốc to bằng nắm tay, tỏa tán rộng xum xuê. Năm thứ 4, quýt bắt đầu ra hoa kết trái, 9 tháng sau thu hoạch lứa đầu đạt năng suất trên 16 tấn quả, anh thu về trên 250 triệu đồng. Niềm vui càng nhân lên, từ năm 2015 đến nay, 230 cây quýt luôn đạt năng suất từ 15-16 tấn quả, đem về cho anh từ 160-250 triệu đồng mỗi năm, trong khi đó chi phí chủ yếu xăng dầu máy bơm nước tưới mỗi vụ chưa tới 15 triệu đồng. Sáng tạo hơn, dưới tán vườn quýt, anh Dũng thả hàng trăm con gà ta nhằm triệt hạ thiên địch, tạo độ tươi xốp cho gốc cây quýt. Sắp đến, anh tiếp tục đưa mô hình nuôi ông mật để tận dụng mật hoa quýt. “Gan” hơn, anh Dũng bỏ ra 100 triệu đồng đầu tư đường ống bơm nước có chiều dài hơn 3 km từ hồ Đá Bạc lên vườn quýt, giải cơn khát dưới cái nắng như rang của ông trời.

Chia sẻ kinh nghiệm trồng quýt lai, anh Dũng cho hay, so với cây thanh long, nho thì mức đầu tư của cây quýt lai là rất thấp. Xuất xứ cây quýt lai là ghép giữa gốc cây bưởi rừng hoang dại với thân cây quýt vườn. Sự kết hợp này đã làm cây phát triển khỏe mạnh, sai hoa kết trái, đồng thời tăng sức đề kháng, chịu khá tốt với nắng, gió khắc nghiệt và các loài sâu bệnh. Từ khi trồng đến nay, không loài sâu bệnh nào tấn công “hạ” được cây quýt lai nên cứ để quýt ra hoa, đóng trái tự nhiên không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật. Cách trồng quýt cũng rất đơn giản, sau khi đào hố để bỏ phân chuồng tạo độ bền dinh dưỡng cho cây, định kỳ hàng tháng cung cấp bổ sung thêm phân NPK. Khoảng cách giữa các cây là 3 m, ở giữa các hàng đào luống để dẫn nước và giữa các gốc tạo những ô vuông chứa nước. Với mật độ sai quả, anh phải dùng cây tre nứa chống để không bị gãy cành. Thương lái đặt hàng, không chỉ bởi độ “sạch” mà còn chất lượng quả thuộc dạng “khủng” như trái cam sành, nhưng vỏ mỏng, ít hạt, nhiều nước và có vị ngọt thanh rất ngon. 

Mở rộng diện tích trồng quýt lai

Ông Lê Hậu - Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết anh Dũng là hộ gia đình đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế ở xóm 1C. Từ mô hình này, nhiều hộ nông dân trong vùng đã đến học hỏi và được anh Dũng tận tình giúp đỡ, hướng dẫn, bây giờ hộ ít nhất cũng trồng được 5 - 7 sào quýt lai. Hy vọng, trong tương lai, cây quýt sẽ trở thành cây chủ lực giảm nghèo. Ở Vĩnh Hảo vườn quýt lai của anh Dũng đã được nhiều đoàn cán bộ, nông dân ở các địa phương trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. 

Từ ngày cây quýt lai “bén duyên” trên vùng đất nắng gió, gia đình anh Dũng có của ăn của để. 3 đứa con anh học hành đến nơi đến chốn và có việc làm ổn định. Với mong ước làm giàu, anh Dũng tiếp tục trồng thêm 280 gốc quýt trên 7 sào đất được 3 năm tuổi, nuôi đàn bò, dê trên chục con, đàn gà ta hàng trăm con... Mỗi năm, thu nhập từ trồng trọt và chăn nuôi trên 350 triệu đồng. Chia tay chúng tôi, anh Dũng nói: “Có công thì đất chẳng phụ người”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hảo cho biết: Từ hiệu quả của cây quýt lai, Hội Nông dân xã Vĩnh Hảo đã thành lập Tổ sản xuất cây quýt lai với 12 hộ tham gia. Là Tổ trưởng, anh Dũng đã giúp bà con xóm 1C phát triển cây quýt lai với diện tích hơn 3 ha”. 

MINH CHIẾN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cây quýt ở Vĩnh Sơn