Theo dõi trên

Trồng bí đỏ lấy hạt – hướng đi mới cho người dân Mê Pu

17/03/2017, 10:53

BTO- Nhiều nông dân ở xã Mê Pu, huyện Đức Linh đã áp dụng mô hình trồng bí đỏ lấy hạt, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần so với những loại cây trồng khác.

                

Ông Trương Quang Khánh, thôn 8, xã Mê Pu, huyện Đức Linh có 2 sào đất. Trước đây trên diện tích này gia đình ông trồng lúa và bắp. Tuy nhiên, hiệu quả năng suất không cao. Sau 3 tháng chỉ cho thu hoạch được 3 triệu trên 1 sào bắp và 1,5 triệu trên 1 sào lúa. Nhận thấy mô hình trồng bí đỏ lấy hạt mang lại hiệu quả kinh tế, ông đã mạnh dạn đăng ký tham gia. Ông Khánh cho biết: “Khi tham gia mô hình này, tôi được cung cấp hạt giống, được đầu tư ứng trước vật tư và được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tận tình kỹ thuật canh tác. Đến nay, nhờ chịu khó học hỏi và áp dụng đúng kỹ thuật, 2 sào bí đỏ lấy hạt của gia đình tôi phát triển xanh tốt, ra khoảng 2.000 ngàn quả /1 sào. Công ty sẽ thu mua tại vườn với giá 6.000 đồng/1 quả. Như vậy, dự tính 2 sào bí đỏ sẽ mang về cho gia đình tôi 24 triệu đồng”.

Theo nhiều nông dân: Trồng bí đỏ lấy hạt không quá khó như nhiều loại cây khác nhưng phải thao tác khéo léo và đúng quy trình. Ông Lê Bé, Chủ tịch Hội nông dân cho biết: “Nông dân tham gia mô hình trồng bí đỏ lấy hạt sẽ được cán bộ kỹ thuật của công ty xuống hướng dẫn cách trồng, chăm sóc và thu hoạch nên người nông dân rất yên tâm. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất đòi hỏi người trồng phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định đề ra để đem lại hạt giống tốt nhất”.

Được biết: Hội Nông dân xã Mê Pu liên kết với Công ty TNHH Việt Nông ở Đồng Nai giới thiệu mô hình trồng bí đỏ lấy hạt cho bà con nông dân trên địa bàn xã vào tháng 6 năm ngoái. Ban đầu triển khai mô hình này chỉ có một hộ tham gia với diện tích 3,5 sào. Thế nhưng, hiệu quả thực tế từ cây trồng này mang lại rất cao nên đến nay đã có gần 25 hộ dân tham gia với diện tích gần 8 hecta. Ông Nguyễn Đăng Thuận – Phó Chủ tịch UBND xã Mê Pu, huyện Đức Linh cho biết: “Qua quá trình theo dõi, địa phương nhận thấy thổ nhưỡng phù hợp với loại giống cây  này. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục liên kết với công ty hỗ trợ vốn để bà con mở rộng sản xuất cũng như nhân rộng mô hình để người dân tham gia, làm giàu chính đáng”.

Mô hình này đã thể hiện được trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc liên kết với các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ phân bón, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con nông dân. Tin rằng, với hướng đi mới này, người nông dân sẽ tiếp cận được cơ hội làm giàu bền vững ngay trên chính mảnh đất của mình.

Ngọc Diệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trồng bí đỏ lấy hạt – hướng đi mới cho người dân Mê Pu