Theo dõi trên

Đầu tư phát triển cụm công nghiệp còn gặp khó

16/03/2017, 08:29

BT- Trên địa bàn Bình Thuận hiện đã thành lập được 22/32 cụm công nghiệp theo quy hoạch, trong đó 13 cụm công nghiệp có chủ đầu tư là doanh nghiệp và có 11 cụm đang triển khai xây dựng hạ tầng. Tuy nhiên theo đánh giá của Phòng Quản lý công nghiệp (thuộc Sở Công Thương), kết quả thu hút đầu tư các cụm công nghiệp tại địa phương đạt thấp so kế hoạch đề ra. Thực tế cho thấy, trong 22 cụm công nghiệp được thành lập thì mới có 1 cụm cơ bản được triển khai xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh, số còn lại chủ yếu tập trung đầu tư các tuyến giao thông chính.

                
Một dự án đăng ký hoạt động tại Cụm công    nghiệp Lạc Tánh (Tánh Linh).

Qua báo cáo từ các địa phương và doanh nghiệp, nguồn chi dành cho cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong cả năm 2016 khoảng 10,5 tỷ đồng, nhưng chi đầu tư hạ tầng chỉ đạt 4 tỷ đồng, trong khi chi đền bù giải tỏa là 4,85 tỷ đồng, còn lại chi lập thủ tục, hồ sơ… Như vậy tính đến nay, nguồn vốn đầu tư phát triển cụm công nghiệp tại Bình Thuận đạt 190 tỷ đồng (riêng đầu tư hạ tầng bên trong cụm khoảng 140 tỷ đồng), trong đó kinh phí hỗ trợ từ ngân sách gần 90 tỷ đồng. Về thu hút dự án, hiện toàn tỉnh có 20 cụm công nghiệp bố trí 185 dự án đầu tư với tổng diện tích 198,7 ha, chiếm khoảng 39% đất công nghiệp và tham gia giải quyết việc làm cho hơn 7.500 lao động địa phương.

Theo chỉ tiêu Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp, đến năm 2020 Bình Thuận sẽ phấn đấu lấp đầy 70% diện tích các cụm công nghiệp được quy hoạch. Nhưng với tình hình hiện nay, chỉ tiêu này không dễ thực hiện hoàn thành nếu địa phương và ngành chức năng không sớm tìm giải pháp khắc phục khó khăn, tồn tại. Mà theo nhận định của Phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương) thì công tác quy hoạch phát triển cụm công nghiệp của địa phương nhìn chung chưa xác định đúng nhu cầu thực tế về thu hút đầu tư. Mặt khác cũng chưa xem xét tính hỗ trợ, liên kết trong phát triển cụm công nghiệp trên bình diện tổng thể của tỉnh nhằm phát huy lợi thế ở từng địa phương, do vậy một số cụm công nghiệp quy hoạch chưa đồng bộ, thiếu tính khả thi.

Một trong những hạn chế dễ nhận thấy nữa là doanh nghiệp đầu tư cụm công nghiệp hầu hết còn yếu về tiềm lực kinh tế lẫn kinh nghiệm, nên ít nhiều đã ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng hạ tầng, chậm thu hút dự án thứ cấp vào cụm. Với mô hình quản lý đầu tư, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp do ngân sách nhà nước đầu tư là Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp các huyện lại hoạt động chưa hiệu quả như mong đợi. Đến nay, chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp của Trung ương và địa phương cũng chưa thực sự tạo “cú hích” để các nhà đầu tư mạnh dạn huy động nguồn vốn đẩy mạnh tiến độ thi công, hoặc đăng ký dự án tham gia sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó, việc bố trí vốn đầu tư hạ tầng bên ngoài hàng rào cụm công nghiệp phụ thuộc vào tiến độ xây dựng bên trong và khả năng thu hút dự án lấp đầy cụm, thế nên khó lại thêm khó…

Được biết trong năm 2017, Sở Công Thương Bình Thuận sẽ đôn đốc nhà đầu tư tiếp tục triển khai xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Thắng Hải 1, Cụm công nghiệp Tân Bình 1, Cụm công nghiệp Hòa Phú. Ngoài ra còn tập trung hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục, tiến tới khởi công thêm 3 cụm công nghiệp là Thắng Hải 3, Sông Bình, Hồng Liêm, đưa vào hoạt động Cụm công nghiệp Nghĩa Hòa và Cụm công nghiệp Phú Long. Dù vậy để khắc phục khó khăn và hạn chế trong năm 2016 vừa qua, địa phương cần quyết tâm đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng hạ tầng cũng như kêu gọi thu hút dự án vào các cụm công nghiệp đang triển khai. Nhất là đối với những dự án sản xuất, kinh doanh thuộc một số lĩnh vực, ngành nghề mà Bình Thuận có lợi thế như chế biến nông - lâm - thủy sản, dệt may, da giày… Đồng thời ưu tiên bố trí di dời các cơ sở sản xuất, dịch vụ gây ô nhiễm trong khu dân cư (trước hết là tại TP. Phan Thiết và thị xã La Gi) nhằm tạo bước chuyển biến mới trong phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đ.QUỐC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu tư phát triển cụm công nghiệp còn gặp khó