Theo dõi trên

8/3 nhớ chuyện gà trên rừng

07/03/2017, 08:54

BT- Nhân kỷ niệm ngàyquốc tế phụ nữ 8/3, hồi tưởng lại những mẩu chuyện vui trong kháng chiến chống Mỹ ở chiến khu năm xưa để nói lên bất luận hoàn cảnh thế nào, chị em phụ nữ vẫn luôn được các cấp lãnh đạo và nhất là đấng mày râu quan tâm đặc biệt. Mặc dù lúc ấy gian khổ, thiếu thốn mọi bề, nhưng mỗi năm cứ gần đến ngày này là các anh cơ quan họp bàn phân công nhau lo việc bếp núc, chuẩn bị tiết mục văn nghệ phục vụ chị em. Các anh trực tiếp đi hoặc gởi các đội công tác mua lương thực, hàng hóa từ ấp chiến lược, người lên đội sản xuất kiếm rau củ, người đi săn thịt rừng, người phụ trách đứng bếp…      

                
Một góc Phan Dũng (ảnh minh họa)

Con gà của Chín Hương đâu rồi?

Sáng sớm 8/3 năm 1970, anh Hường là người xung phong đi săn thịt rừng. Anh vừa xách súng đi một lát thì ở nhà anh Chín Hương phát hiện mất con gà. Chuyện là thời đó anh Chín bị bệnh hen suyễn, mỗi khi thời tiết chuyển mùa là cơn hen hành hạ anh dữ lắm. Nhiều người bày anh phải chích máu gà mới trị được, nên anh đã gởi nhờ mấy anh vào buôn đồng bào mua giùm con gà về để lấy máu. Gà đem về, mỗi bữa ăn anh dành lại một ít thức ăn thừa cho gà, nuôi nó mập hơn để lấy được nhiều máu. Nhưng sáng nay ngủ dậy không còn thấy con gà đâu nữa. Anh Tư Dò, anh Nhật cùng mấy anh em cơ quan tản ra đi tìm giúp, nhưng tìm hoài không thấy. Một lát sau anh Hường đi săn về xách theo con gà đưa cho nhà bếp làm thịt. Nghe nói anh Hường săn được gà rừng, anh Chín chạy xuống coi, thì ra đó là con gà của anh, nhưng nó chết rồi, đâu còn máu nữa mà lấy. Anh Chín đập tay than trời, than đất nói thằng Hường mày hại anh, mày bắn con gà của anh rồi. Đã vậy anh Tư Dò, anh Nhật còn nói chêm vào: Thì ra sáng nay thằng Hường nó biết con gà của thằng Chín Hương sút dây, nên nó mới sốt sắng đi săn. Nó đâu muốn cho thằng Hương hết bệnh, vậy là Chín Hương bệnh dài dài rồi tụi mày ơi. Anh Hường lớn giọng nói lại, ra rừng thấy gà mừng gần chết sao không bắn, làm sao biết gà  rừng hay gà nhà, vậy lát liên hoan anh Chín có ăn không đây? Hôm đó vừa ăn thịt gà, mấy anh vừa làm tiếng gà kêu “cục cục, cục tác, con gà của Chín Hương đâu rồi?”, anh Hương mặt mày méo xịch, còn mọi người nhất là chị em nữ chúng tôi được một phen vừa được ăn thịt gà, vừa được cười muốn vỡ bụng. 

Thịt gà thưng

Năm 1972, tình hình cũng vô cùng ác liệt, địch bao vây chặt các ngã đường. Các cơ quan bị đói triền miên. Người già, trẻ em ưu tiên được chút gạo để nấu cháo ăn cầm hơi. Người trẻ thì đi mang mì, mang bắp ở trại sản xuất, ở buôn đồng bào dân tộc La Bá hoặc ra Bác Ái - Ninh Thuận mua bắp đá về ăn. Tiêu chuẩn mỗi người được một lon sữa bò bắp rang hoặc mì lát khô hầm gạt miệng mỗi ngày. Sau đó không còn bắp, mì phải đi đào củ nần về ăn, có lần phải cấp cứu cả cơ quan vì bị say nần. Nhưng đến ngày 8/3 các anh cũng cố gắng chuẩn bị tươm tất để phục vụ chị em phụ nữ. Lần này Bình nhỏ xách súng đi săn, nói là bổ sung thêm nồi thịt. Bình mới vừa ra khỏi cơ quan một chút thì nghe có tiếng súng nổ. Ai cũng nói, mới vừa đi mà đã có mồi rồi. Phải nói là Bình bắn rất chính xác, hầu như mỗi lần Bình xách súng đi thì thế nào hôm đó cơ quan cũng có thịt rừng cải thiện.

Đúng như vậy, khi nghe tiếng sột soạt của những bước chân đạp lên lá khô là biết Bình về, mọi người nhìn ra thấy Bình xách một con gà mái. Bỏ xuống chỗ nhà bếp Bình nói, tăng cường món thịt “thưng” của anh Bình lớn. Lúc này mọi người ai cũng bận rộn với công việc đã được phân công, chị em phụ nữ đang sinh hoạt truyền thống 8/3  nên không chú ý nhiều đến việc xung quanh. Sau giờ sinh hoạt nội bộ của phụ nữ cơ quan, mọi người tản ra cùng xắn tay vào trợ giúp anh em. Tiệc liên hoan đang  dọn ra thì nghe tiếng la om sòm của dì Hai Yến (mẹ Bình nhỏ): Trời ơi, con gà mái tui cột ở đây đâu mất rồi? Thì ra, con gà dì Hai gởi đoàn công tác của huyện hôm vào buôn đồng bào mua giùm về nuôi để đẻ lấy trứng bồi dưỡng cho Bình. Không biết sao sáng nay bị sút dây bay ra rừng, gặp phải tay thợ săn thiện xạ Bình, nên “đoòng” một phát đã thành gà rừng, làm phong phú thêm nồi thịt thưng cho bữa liên hoan 8/3 của cơ quan huyện ủy năm đó. 

Ma nú tròn tròn

Nhớ năm mới đi thoát ly, suốt mấy tháng trời tôi đi theo chị Ba Dương, anh Năm Tòng, anh Phạm Trọng Tình lên La Bá (Phan Dũng bây giờ) làm công tác dân vận, dạy bổ túc văn hóa cho các em thiếu niên dân tộc trong buôn. Ở đây đoàn công tác của huyện đã “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” công việc nương rẫy, giã gạo, nấu cơm ăn chung và cùng ngủ chung nhà sàn với đồng bào. Ban ngày chị Ba Dương và anh Năm Tòng cùng đi phát rẫy, làm nương với bà con, anh Tình và tôi ở tại buôn cùng tham gia giã gạo, lấy củi hoặc giữ các cháu nhỏ, hay phụ làm những công việc lặt vặt với các bà mẹ đau yếu không đi làm nương được. Đêm đến anh Tình và tôi dạy các em thanh thiếu niên tập đọc, tập viết, học nói và hát tiếng Kinh. Chị Ba Dương, anh Năm Tòng thì tổ chức họp hành làm việc với hội phụ nữ hoặc các đồng chí đảng viên.

Thời kỳ này công tác ở đây cũng căng thẳng lắm, vì đồng bào vừa mới được vận động đưa từ khu tập trung của địch trở về buôn làng nên vẫn còn “dây mơ rễ má cài cắm đâu đó”, vậy nên các đoàn công tác khi về đây đều phải thực hiện tốt phương châm “3 cùng” với đồng bào như người của buôn làng thực sự, qua đó mà phát hiện những phần tử xấu đang cài cắm, lợi dụng sự thật thà của đồng bào mà lôi kéo chống phá cách mạng. Nhớ lúc đó có mấy bà má trong buôn cứ chỉ vào tôi nói gì đó bằng tiếng dân tộc tôi không biết, nhưng anh Năm Tòng dịch lại là: các má nói tôi giống một cô gái trong buôn làng tên Lá đã bị máy bay Mỹ bắn chết vào năm trước, chắc do vậy mà các mẹ, các chị trong buôn rất thương tôi, đi nương rẫy về có cây trái đều cho tôi ăn. Trong lúc vừa dạy các em nhỏ học, tôi cũng  bập bẹ học được mấy tiếng dân tộc như: “ma nú” là con gà, “apui” là lửa.

Tôi còn nhớ một chuyện vui: Hôm ấy mọi người lên nương hết, chỉ còn mấy bà má ở nhà, anh Tình đem cái khăn choàng muốn đổi mấy quả trứng gà, nhưng chỉ biết nói tên con gà chứ không biết nói trứng gà, anh đưa cái khăn cho bà má rồi cứ vo tròn tay và nói “ma nú tròn tròn, ma nú tròn tròn”. Mấy bà má không biết anh nói gì, họ chỉ  mấy con gà đang ăn dưới sàn nhà, anh Tình lắc đầu nói đi nói lại “ma nú tròn tròn”. Đến lúc chẳng ai hiểu ai nữa, anh Tình nắm tay bà má dắt ra tận chuồng, chỉ vào ổ trứng gà, mấy bà má mới hiểu và nói: “a dớ, vầy ma nú” và lấy trứng gà đổi khăn của anh Tình. Nhờ lần này mà tôi quen được với mấy anh chị  làm công tác phụ nữ, thanh niên thời ấy như chị Năm Lơ, anh Tịnh, anh Thanh Hoa  (lúc ấy tôi và chị Ba Dương đêm ngủ nhà chị Năm Lơ, anh Tòng và anh Tình ngủ nhà anh Thanh Hoa) mà bây giờ những anh chị này đã thành già làng trưởng bản, có người già yếu đã qua đời. 

Những hiểu biết sơ đẳng thời đó đã bổ túc thêm cho tôi về  công tác dân vận-dân tộc sau này. Các con cháu của các anh chị ngày ấy là những em thiếu nhi, nay đều đã trưởng thành, được Đảng, Nhà nước cho học hành, đào tạo, hiện đã và đang là những cán bộ của Đảng, Chính quyền, đoàn thể  xã Phan Dũng.

NguyỄn ThỊ HỮu Nam



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
8/3 nhớ chuyện gà trên rừng