Theo dõi trên

Xuất khẩu hàng hóa Bình Thuận: Châu Á vẫn là khu vực trọng điểm

01/03/2017, 08:58 - Lượt đọc: 98

BT- Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của địa phương tiếp tục thể hiện nét tích cực trong năm 2016 với kim ngạch vượt khá so chỉ tiêu và tạo động lực để Bình Thuận vươn tới con số tăng trưởng mới…

                
      
Sản phẩm may mặc xuất sang các thị trường    khu vực châu Á đem lại kim ngạch khá cho địa phương.

Một trong những “điểm sáng” của ngành công thương trong năm qua là nỗ lực duy trì hoạt động xuất khẩu hàng hóa ổn định cho hầu hết các nhóm hàng chủ lực. Tổng kim ngạch thực hiện hơn 353 triệu USD, vượt 12,8% so kế hoạch và tăng gần 7% so năm trước, tính riêng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp tăng 8,2%. Kết quả này thể hiện mức tăng trưởng dương ở cả 3 nhóm hàng, trong đó nhóm hàng nông sản tăng 14,63%, nhóm hàng hải sản tăng 9,78% và nhóm hàng hóa khác tăng 4,53%.

Tham gia hoạt động xuất khẩu, năm qua các doanh nghiệp Bình Thuận đã đưa hàng hóa vào 65 thị trường, tăng 11 thị trường mới và giảm 4 thị trường cũ. Trong đó, địa phương xác định châu Á vẫn là khu vực trọng điểm với 23 thị trường (chiếm tỷ trọng gần 65%) đang chấp nhận tiêu thụ một số sản phẩm lợi thế của địa phương. Còn lại là những thị trường thuộc khu vực châu Mỹ (chiếm tỷ trọng 17,3%), châu Âu (chiếm 16%) cùng số ít thị trường thuộc châu Đại Dương, châu Phi. Đặc biệt hàng hóa xuất khẩu của Bình Thuận hiện được một số quốc gia và vùng lãnh thổ tiêu thụ mạnh như thị trường Nhật Bản (123,4 triệu USD), Hoa Kỳ (45,3 triệu USD), Đài Loan (39,1 triệu USD), Hàn Quốc (31,1 triệu USD) hoặc một vài thị trường khu vực châu Âu là Ý, Đức, Anh, Pháp…

Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trong năm 2017 và những năm tiếp heo, Phòng Quản lý thương mại thuộc Sở Công Thương đã kiến nghị những giải pháp cần tập trung triển khai đồng bộ. Đó là địa phương cần tiếp tục chỉ đạo nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ và ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến tiên tiến, nhất là đối tượng hải sản có giá trị kinh tế cao nhằm đáp ứng yêu cầu, thị hiếu tiêu dùng ở các thị trường tiềm năng. Quan tâm triển khai đạt kết quả về quy hoạch vùng nuôi thương phẩm và sản xuất tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong định hướng phát triển nuôi các loại thủy sản có lợi thế trên địa bàn cũng cần khuyến khích thực hiện, nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ mới, áp dụng quy trình theo tiêu chuẩn GAP. Ở nhóm hàng nông sản, ngoài chú trọng phát triển diện tích thanh long theo hướng an toàn phải tính đến hình thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ thanh long thông qua ký kết hợp đồng xuất khẩu với sản lượng ổn định. Đối với mặt hàng mủ cao su, nhân hạt điều cũng cần có giải pháp duy trì diện tích, thu hút dự án đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng nhằm tạo nguồn nguyên liệu phục vụ đủ nhu cầu cho chế biến lâu dài. Đặc biệt ở nhóm hàng hóa khác nên có chính sách thu hút, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư dự án, mở rộng quy mô nhà xưởng may mặc, gia công giày dép, sản xuất đồ gỗ… để đẩy mạnh xuất khẩu.

 Song song với việc tăng cường xúc tiến thương mại, đến nay tỉnh cũng xây dựng kế hoạch triển khai Đề án thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020, hay Đề án phát triển các thị trường khu vực thời kỳ 2015 - 2010, định hướng đến năm 2030… Cùng với nỗ lực của từng doanh nghiệp, hy vọng hoạt động xuất khẩu hàng hóa Bình Thuận vào những khu vực thị trường trọng điểm sẽ tiếp tục đem lại hiệu quả, thu về kim ngạch tương xứng cho địa phương. Trước mắt là quyết tâm hoàn thành vượt chỉ tiêu năm 2017: Cán mốc 360 triệu USD, trong đó nhóm hàng hóa khác đóng góp 211,1 triệu USD (riêng sản phẩm may mặc hơn 150 triệu USD), nhóm hàng hải sản thực hiện 135 triệu USD và nhóm hàng nông sản là 13,9 triệu USD.

Đ.QUỐC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất khẩu hàng hóa Bình Thuận: Châu Á vẫn là khu vực trọng điểm