Theo dõi trên

Vấn đề hôm nay: Đất thoái hóa và rác đô thị

24/02/2017, 08:23

1. Có thể nói năm qua là năm đi xuống của thanh long, khi bị sâu bệnh tấn công, giá cả cao thấp thất thường, khi nhiều nhà vườn ngao ngán đã chặt phá cây để trồng các loại cây khác. Nhưng vấn đề không đơn giản là chặt cây này trồng được cây khác mà phức tạp ở chỗ đất trồng thanh long đang bị thoái hóa. Dù chăm bón thường xuyên nhưng với tập quán sản xuất muốn tăng cao năng suất trước mắt nên nông dân chú trọng nhiều vào phân hóa học, nhất là bón quá nhiều phân đạm, mà ít chú ý đến phân hữu cơ. Nếu có thì cũng vướng, vì phân hữu cơ giá cao lại hiếm. Hậu quả, cây quyến rũ sâu bệnh xâm nhập, rồi người trồng lại phải dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, từ đó không chỉ làm tăng cao chi phí sản xuất, sản phẩm làm ra giảm độ ngon và độ an toàn mà môi trường đất, nước và không khí còn bị ô nhiễm. Điều này thực sự tạo ra một vòng lẩn quẩn. Trước đây, chính cây thanh long xuất hiện trên những...

2. Trong khi đất ở các vùng nông nghiệp đang đứng trước nguy cơ thoái hóa trên diện rộng thì tại các vùng đô thị trong tỉnh, nhất là TP.Phan Thiết, thị xã La Gi đang bức bối với vấn đề rác thải. Ước tính khối lượng chất thải mỗi ngày trong toàn tỉnh hơn 942 tấn và xu hướng  tăng theo thời gian, nhất là tại các vùng phát triển du lịch. Thế nhưng, đến nay trong tỉnh chưa có một nhà máy xử lý rác thải nào hoạt động, hầu hết các huyện, thị, thành phố đều xử lý rác thải bằng cách chôn lấp. Chính những bãi chôn lấp rác này làm choán đất hữu dụng, làm ô nhiễm môi trường và nếu không thu hút đầu tư để tận dụng nguồn rác thải đô thị này thì sẽ mất cơ hội sản xuất phân hữu cơ đặc biệt cho nông nghiệp. Sự đặc biệt ấy ở chỗ, nếu so với các loại phân hữu cơ có nguyên liệu chủ yếu từ than bùn với khả năng khai thác có hạn, phân hữu cơ từ rác thải đô thị vừa có hàm lượng các chất dinh dưỡng tự nhiên, khoáng chất…cao hơn nhiều, lại vừa có nguồn nguyên liệu vô tận cho nền nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt còn ở chỗ, đó là phân hữu cơ vừa rẻ tiền vừa hữu hiệu, cứu tinh cho vùng đất thoái hóa.

3. Kinh nghiệm của nhiều nông dân trí thức đã khẳng định biện pháp phục hồi độ phì nhiêu của đất trên các ruộng, vườn suy thoái là áp dụng phân hữu cơ có chất lượng cao kết hợp các chất vi lượng, hoặc phân vi sinh, có cân đối với phân hóa học. Trong đó, phân hữu cơ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc duy trì độ màu mỡ, giữ nước, vi sinh vật và các loại dinh dưỡng cho đất và bộ rễ cây trồng, đặc biệt là trong xu thế tất yếu phải phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sạch, theo các tiêu chuẩn sản xuất như VietGAP hay GlobalGAP… Bình Thuận hiện có 5 dự án đầu tư  nhà máy xử lý rác tại TP.Phan Thiết, thị xã La Gi, Tánh Linh và Tuy Phong. Trong đó chỉ có một nhà máy có công suất 400 tấn rác/ngày tại xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết đã được khởi công vào tháng 11/2016 với kế hoạch là chế biến và tái sử dụng rác thải sinh hoạt để sản xuất ra phân hữu cơ vi sinh và tái sử dụng plastic hỗn hợp. Nếu 4 dự án kia được tiến hành các bước, nhất là khâu đền bù giải tỏa nhanh để khởi công xây dựng thì Bình Thuận có được lượng phân hữu cơ đặc biệt, dù không nhiều nhưng còn kịp đón xu thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang manh nha ở tỉnh.

Hảo Chi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Tập trung những điểm nóng để giải quyết thiếu nước sạch cho dân
BTO-Chiều 23/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì buổi họp nghe báo cáo đề xuất giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu UBND tỉnh có lãnh đạo các sở, ngành liên quan và được kết nối trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vấn đề hôm nay: Đất thoái hóa và rác đô thị