Theo dõi trên

“Nhập gia tùy tục”

24/02/2017, 08:07

BT - Đến các điểm tham quan du lịch, chúng ta thường hay bắt gặp những hành vi ứng xử không đẹp của du khách. Dễ thấy nhất là xả rác bừa bãi, đi vệ sinh không đúng nơi quy định, nói cười ồn ào, lớn tiếng; lấy thức ăn, đồ uống thừa mứa trong tiệc tự phục vụ; mặc váy ngắn, quần đùi, áo hai dây vào những nơi tôn nghiêm… Một số du khách nước ngoài còn có những hành vi phản cảm trái với văn hóa, thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Cũng không hẳn do du khách thiếu tôn trọng “chủ nhà”, mà nhiều khi do du khách tứ xứ đến nhiều vùng, miền khác biệt về phong tục tập quán, nhiều quốc gia khác biệt về văn hóa, lối sống, ngôn ngữ, khiến họ cư xử chưa phù hợp.

Mặt khác, tình trạng người dân bản địa và người làm du lịch – dịch vụ tại các điểm đến có hành vi gian lận, cân gian bán thiếu, lừa đảo, “chặt chém”, bắt chẹt du khách để trục lợi bất chính, cũng thường xảy ra. Tình trạng người bán hàng rong, xe ôm, ăn xin đeo bám, chèo kéo du khách cũng thường bắt gặp, làm xấu hình ảnh điểm đến, để lại ấn tượng không đẹp trong lòng du khách.

Bình Thuận với thương hiệu du lịch Phan Thiết – Mũi Né nổi tiếng, năm ngoái đón hơn 4 triệu lượt khách, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đón được 7 triệu lượt khách trong và ngoài nước. Vì vậy một Bộ quy tắc ứng xử quy định những điều nên và không nên làm, đối với cả du khách và người dân, người làm du lịch địa phương là rất cần thiết. UBND tỉnh vừa ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn Bình Thuận. Trước Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Hội An, Đà Nẵng, Quảng Ninh… đã phát hành Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch, bằng nhiều ngôn ngữ: Việt, Anh, Hoa, Hàn, Nga…

Bộ quy tắc này là một thông điệp quan trọng gửi tới du khách, khuyến nghị những hành vi không phù hợp văn hóa, truyền thống, phong tục tập quán địa phương. Ví dụ như: tránh ăn mặc hở hang, phản cảm khi vào thăm các nơi tôn nghiêm (nhà thờ, đền, chùa, miếu, nghĩa trang); không la hét ồn ào, nói cười quá lớn ảnh hưởng đến những người xung quanh; không thể hiện tình cảm quá mức nơi công cộng; không vứt rác, khạc nhổ, đi vệ sinh bừa bãi, không đúng nơi quy định…

Đối với người dân Bình Thuận và các tổ chức – cá nhân đang hoạt động du lịch, Bộ quy tắc này nhằm nâng cao ý thức của mỗi người, mang lại nụ cười thân thiện với du khách, tạo một ấn tượng đẹp về con người Bình Thuận. Theo đó người dân, người làm du lịch phải tôn trọng du khách, có thái độ niềm nở, luôn sẵn sàng nói “Xin chào, xin lỗi, xin mời, xin cảm ơn và hẹn gặp lại”; không được đeo bám, chèo kéo du khách; không được “chặt chém” lợi dụng du khách để trục lợi bất chính.

Sắp tới, Bộ quy tắc này sẽ được phát hành, phổ biến rộng rãi đến nhân dân, du khách, các khách sạn, nhà nghỉ, khu du lịch, resort, nhà ga, bến xe, bến cảng… bằng nhiều ngôn ngữ, nhiều hình thức hình ảnh như: Tập gấp, video clip, áp phích, cẩm nang du lịch hay tuyên truyền trên báo, đài, mạng xã hội.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành văn hóa – thể thao – du lịch giám sát, đôn đốc thực hiện Bộ quy tắc này. Các cơ quan truyền thông sẽ biểu dương các hành vi đẹp, đồng thời phê bình các hành vi trái với Bộ quy tắc ứng xử này.

Đ.D



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Nhập gia tùy tục”