Theo dõi trên

Đôi chân không mỏi

13/02/2017, 09:55

BT- Tại Phan Thiết, Hội thi vượt đồi cát Mũi Né là một trong những hoạt động thể thao truyền thống mừng Đảng – mừng Xuân được đông đảo nhân dân và du khách đón đợi. Nếu như ai thường xuyên theo dõi giải đấu này, ắt hẳn sẽ rất ấn tượng với cái tên Trần Văn Công, người đã về nhất ở nội dung nam tuyển cá nhân đến 4 lần; 4 lần còn lại, Công về đích sau người anh trai ruột của mình. Vận động viên sinh ra và lớn lên tại vùng đất cát Thiện Nghiệp hiện đang bứt lên, trở thành một điểm sáng ở bộ môn điền kinh của thể thao Bình Thuận với những thành tích cao ở cấp độ quốc gia. 

                
      
Trần Văn Công (bìa trái) trên bục nhận huy    chương tại Giải điền kinh vô địch quốc gia 2016.

Chúng tôi gặp Trần Văn Công một ngày sau khi vận động viên này phải xa nhà hơn một tháng để đi thi đấu tại Hà Hội và tỉnh Bình Phước. Một trong hai địa điểm trên cũng đã từng chứng kiến giây phút Công bước lên bục tôn vinh những vận động viên xuất sắc nhất. Tạigiải điền kinh vô địch quốc gia diễn ra cuối tháng 11/2016 ở Thủ đô Hà Nội, Trần Văn Công nằm trong thành phần đội tuyển của Bình Thuận để tranh tài nội dung 1.500m cá nhân. Mặc dù khi tham gia giải đấu này, Công đã bị chấn thương hành hạ liên tiếp mấy tháng liền và có thời gian chuẩn bị rất ngắn, nhưng anh vẫn xuất sắc mang về tấm huy chương bạc danh giá ở hệ nam tuyển. 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, có 6 anh chị em, Công là người con thứ 3 trong gia đình. Thể trạng thanh mảnh, dáng người mỏng nên ít ai nghĩ Trần Văn Công sẽ theo nghiệp điền kinh – bộ môn đòi hỏi sức lực và sự bền bỉ. Sức bền này càng đòi hỏi phải lớn hơn khi thi đấu ở nội dung đường trường chuyên nghiệp. Chia sẻ với chúng tôi, Công cho biết: sinh ra trong một gia đình thuần nông ở thôn Thiện Bình, Công đã sớm phụ giúp ba mẹ sản xuất nông nghiệp. Cách nhà Công không xa là đồi cát Mũi Né bạt ngàn. Hàng ngày lên rẫy phụ giúp gia đình, thời gian rỗi, Công cùng với lứa bạn chơi đùa trên đồi cát. Chính những điều này đã giúp anh có được một sức lực dẻo dai từ nhỏ. Riêng về cơ duyên đến với các cuộc thi điền kinh, Trần Văn Công cho biết: “Chính anh trai Trần Văn Tài là người truyền cảm hứng giúp tôi quyết định lựa chọn dấn thân vào những con đường đua. Lúc trước, coi anh chạy trên đồi cát và băng băng về đích khiến bản thân thích thú và muốn được chạy như anh”.

Sau thời gian luyện tập, năm 2008 Công bắt đầu tham gia Hội thi vượt đồi cát Mũi Né ở nội dung nam phong trào. Trên đường chạy quen thuộc, Công không hề tỏ ra choáng ngợp khi thi tài cùng nhiều vận động viên khác. Trái lại, ở lần đầu tiên tham dự này, Công đã giành được thành tích giải nhì cá nhân. Một năm sau đó, cũng tại giải việt dã này, Trần Văn Công chuyển sang thi đấu ở hệ nam tuyển và đoạt luôn giải nhì. Từ năm 2010 đến nay, hai anh em Trần Văn Công và Trần Văn Tài thi nhau “thống trị” nội dung cá nhân hệ nam tuyển ở Hội thi vượt đồi cát hồng. Riêng Công đã 4 lần đứng trên bục cao nhất.

Trước những thành tích ấn tượng của vận động viên quê Thiện Nghiệp này, năm 2010, Trung tâm Thể dục thể thao Bình Thuận đã rút Trần Văn Công về đầu quân cho đội tuyển điền kinh tỉnh – khi ấy anh mới 21 tuổi. Ở môi trường luyện tập chuyên nghiệp, có sự hướng dẫn của các huấn luyện viên, thành tích của Công được nâng lên rõ rệt. Từ một anh “lính mới” nhưng với tài năng và sự khổ luyện của mình, Trần Văn Công đã nhanh chóng chứng tỏ khả năng, vươn lên thành một trong những ngôi sao sáng của điền kinh Bình Thuận hiện nay. Ngoài huy chương bạc vừa đoạt được ởgiải vô địch quốc gia tại Hà Nội, bộ sưu tập thành tích của Trần Văn Công rất ấn tượng. Anh là một trong 5 vận động viên của Việt Nam đoạt huy chương bạc đồng đội, nội dung chạy trên cát 6km tại Đại hội thể thao bãi biển Châu Á 2016 tại Đà Nẵng. Giải nhất hệ phong trào cá nhân giải Việt dã toàn quốcbáo Tiền Phong năm 2011 tại tỉnh Đắc Nông, giải nhất cá nhân Hội thi leo núi Tà Cú mở rộng năm 2014… Nhận xét về cậu học trò Trần Văn Công, anh Nguyễn Văn Ngọc – huấn luyện viên môn điền kinh, Trung tâm thể dục thể thao Bình Thuận, cho biết: “Qua 7 năm tập luyện ở trung tâm thì trình độ chuyên môn của Công tăng tiến theo hàng năm. Về ý thức tập luyện Công chấp hành rất tốt, sinh hoạt đều đặn, có tính chuyên nghiệp. Thời gian huấn luyện ban đầu, em Công được tuyển vào để chạy cự ly đường trường và tham gia một số cuộc thi chạy trên các địa hình đồi cát, núi…và đều có thành tích cao. Hiện nay, huấn luyện viên cũng đang định hướng cho em chạy ở các cự ly 800m, 1.500m, 5.000m trong sân để phù hợp với sở trường và độ tuổi của em”.

Kết thúc câu chuyện với Trần Văn Công, khi được chúng tôi hỏi nếu không được chạy thi đấu nữa thì sẽ làm gì? Công không trả lời mà chỉ cười. Anh cho biết, đời vận động viên thể thao rất ngắn, đặc biệt là ở môn thi đấu đòi hỏi thể lực khắc nghiệt như điền kinh. Đối với vận động viên thi đấu ở môi trường chuyên nghiệp, thông thường chỉ cố gắng đến tuổi 30, người nào tập luyện tốt thì có thể kéo dài được một vài năm nữa. Chính vì vậy mặc dù chưa nghĩ nhiều về công việc sau khi “nghỉ chạy”, nhưng Công cũng mong muốn sẽ được làm những công việc theo sở thích “con nhà nông” là mở chuồng trại để chăn nuôi.

Châu TỈnh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đôi chân không mỏi