Theo dõi trên

Tư vấn tâm lý học đường: Đang còn là dấu hỏi

10/02/2017, 10:45 - Lượt đọc: 78

BT- Trong các ngành học, bậc học, công tác tư vấn tâm lý lứa tuổi giữ vai trò hết sức quan trọng, bởi nó hỗ trợ, giúp đỡ, tháo gỡ những rối rắm về tâm tư, tình cảm; những thắc mắc muốn được khám phá để hiểu biết những hiện tượng (tâm sinh lý) mới lạ xuất hiện của chính bản thân; những suy nghĩ, tính toán để đi đến hành động một cách cụ thể…  mà chính lứa tuổi chưa thể vượt qua.

                
Ảnh minh họa

Đang còn là dấu hỏi

Nhưng công tác này đang còn là dấu hỏi trong quá trình triển khai thực hiện ở các địa phương trên toàn quốc, không tỉnh nào giống tỉnh nào. Ở Bình Thuận cũng rơi vào tình trạng ấy, việc triển khai thực hiện đang gặp rất nhiều lúng túng.

 Công tác tư vấn tâm lý học đường đã được tập huấn triển khai đến các trường trung học trong toàn tỉnh. Có trường tiếp nhận để áp dụng khá bài bản và đạt được những kết quả rất đáng trân trọng, nhưng có trường đến nay vẫn đang còn bỏ ngỏ.

Những đơn vị bước đầu thành công là xây dựng được ban điều hành, bố trí được phòng tư vấn và chọn được người có năng lực làm công tác tư vấn. Người có năng lực làm công tác tư vấn tâm lý lứa tuổi là người phải có trình độ kiến thức chuyên sâu về tâm lý học, có khả năng nắm bắt tâm lý, sự nhiệt tình và lòng thương người một cách chân thật - tất cả vì con người. Như thế, không phải ai cũng có thể làm được công tác này một cách hiệu quả.

 Hai điển hình

Trường THCS Tân An (La Gi) đã thành công trong những ca tư vấn cho học sinh khuyết tật - đặc biệt đối với học sinh khiếm thị (mù), hướng dẫn, đồng hành cùng các em và đạt kết quả tốt trong học tập. Trường THCS Hàm Kiệm đã tư vấn không phải chỉ học sinh mà cho cả giáo viên vượt qua những thử thách cực kỳ nguy hiểm.

Đặc biệt, Trường THPT Phan Thiết, trong nhiều năm qua đã xây dựng được phòng tư vấn với 80 tựa sách hay và 200 cuốn sách có nội dung tác động tích cực đối với nhận thức và tâm sinh lý - tình cảm lứa tuổi, chọn được người có kiến thức chuyên môn và kỹ năng tư vấn, đã gặp gỡ giúp đỡ trên 90 ca về nhiều mặt với các mối quan hệ khác nhau của học sinh: từ quan hệ gia đình đến quan hệ bạn bè, tình yêu lứa đôi, từ mối quan hệ với thầy cô đến vấn đề học tập, hôn nhân, sức khỏe sinh sản vị thành niên… đã đạt được kết quả rất đáng tin cậy. Người tư vấn đã chia sẻ, đồng hành, dìu dắt được những tâm hồn trẻ thơ đang gặp phải nguy cơ bị thế lực đen tối đe dọa để trở về với trạng thái thanh thản, bình yên; tạo dựng được niềm tin, tác động thúc đẩy mạnh mẽ để học sinh vươn lên, vượt qua những ý nghĩ, nhận thức đang trên bờ suy sụp, bế tắc; ngăn ngừa được những nguy cơ bạo lực học đường có thể xảy ra… 

 Những khó khăn

Trên thực tế hiện nay, công tác tư vấn tâm lý học đường còn gặp nhiều khó khăn, ách tắc: Hầu hết các trường chưa có giáo viên được đào tạo chuyên sâu về tâm lý học cũng như phương pháp – kỹ năng tư vấn tâm lý lứa tuổi. Những người cơ cấu vào ban (tổ) tư vấn của trường chỉ thực hiện theo tinh thần trách nhiệm được phân công và lòng nhiệt tình, một số ít được tập huấn những vấn đề lý thuyết cơ bản, chưa chuyên sâu, còn lại chưa qua đào tạo, không qua tập huấn. Trên toàn tỉnh, đến nay chỉ có vài ba trường có phòng dành riêng cho công tác tư vấn, còn lại hầu hết các trường mượn ghép vào với các phòng của Đoàn – Đội, công đoàn, phòng giám thị, có trường lấy phòng phó hiệu trưởng làm phòng tư vấn. Chính vì thế nên không thu hút được học sinh tự nguyện tìm đến xin tư vấn khi gặp phải những biến động, khó khăn bất thường đối với bản thân. Cũng có một số đơn vị hết sức cố gắng làm công tác tư vấn nhưng không thành công vì chưa có người có kiến thức và kỹ năng. Hiện nay chưa có chế độ cụ thể để động viên khích lệ đối với người được phân công làm công tác tư vấn.

 Cần người chuyên

Từ thực trạng trên, Sở Giáo dục và Đào tạo cần tích cực tham mưu với UBND tỉnh và Bộ Giáo dục – Đào tạo để có biên chế người làm công tác tư vấn tâm lý học đường ở các trường học. Trước mắt nên có định hướng giải pháp tính tiết để hỗ trợ, động viên người làm công tác tư vấn. Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho giáo viên được phân công làm công tác tư vấn tại các trường học. Chọn một số trường xây dựng điểm về công tác tư vấn tâm lý lứa tuổi để đúc kết kinh nghiệm nhân điển hình. Với các trường, dù còn khó khăn, thiếu cơ sở vật chất, nhưng cần bố trí một phòng tư vấn tâm lý ở nơi thuận tiện, tạo tâm lý thoải mái, gần gũi, thân thiện cho học sinh khi đến liên hệ. Nên trang bị những sách, báo phù hợp với nhận thức, tâm sinh lý lứa tuổi và tích cực tuyên truyền, giới thiệu, tạo hiệu ứng mạnh mẽ về văn hóa đọc trong nhà trường để thu hút học sinh; giải thích - giới thiệu cho học sinh biết lợi ích một cách thiết thực đối với bản thân khi được tiếp cận với người làm công tác tư vấn. 

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tư vấn tâm lý học đường: Đang còn là dấu hỏi