Theo dõi trên

Đầu năm nói chuyện cải cách hành chính

09/02/2017, 09:20

BT- Cải cách hành chính được xác định là một trong 3 khâu đột phá chiến lược nhằm xây dựng một nền hành chính hiện đại và vì dân để đưa nước ta phát triển nhanh, bền vững. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2016 - 2020 đã xác định 4 khâu đột phá, trong đó đẩy mạnh cải cách hành chính được xác định là khâu đột phá đầu tiên. Điều đó khẳng định nếu không có cải cách hành chính thì các khâu đột phá khác như xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và ứng dụng rộng rãi những thành tựu khoa học và công nghệ cũng không thể thực hiện được.

Công bằng mà nói, những thành tựu của tỉnh nhà trong thời qua có sự đóng góp quan trọng của cải cách hành chính, trước hết là cải cách thủ tục hành chính. Những năm qua công tác cải cách hành chính của tỉnh cũng đã được sự  quan tâm chỉ đạo của cấp ủy chính quyền tỉnh, các địa phương, sở ngành và có tiến bộ  từ cơ chế chính sách đến bộ máy và thủ tục hành chính. Tuy nhiên theo yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội thì những cải cách đó vẫn chưa theo kịp, thậm chí còn có sự thụt lùi so với các địa phương khác theo thời gian.

Minh chứng cho nhận định trên đó là xếp hạng về chỉ số PAR INDEX (chỉ số cải cách hành chính) do Bộ Nội vụ công bố những năm gần đây. Nếu như năm 2013, Bình Thuận đứng trong nhóm tốt, ở vị thứ 7/63 tỉnh, thành phố, thì năm 2014 xếp ở vị thứ 17/63 và năm 2015 tụt xuống thứ 34/63, nằm trong nhóm trung bình, sau 2 tỉnh lân cận là Ninh Thuận 9 bậc và Lâm Đồng 8 bậc (năm 2016 chưa công bố xếp hạng). Cùng với chỉ số cải cách hành chính bị sụt giảm là chỉ số PAPI (công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp) của Bình Thuận năm 2015 (năm 2016 chưa công bố) chỉ đạt 34,66 điểm, xếp thứ 41/63 tỉnh, thành, và nằm trong nhóm tỉnh có điểm trung bình thấp.

Đó là nói về vĩ mô, còn những vấn đề, sự việc cụ thể chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều trong công việc hàng ngày khi doanh nghiệp, người dân tiếp xúc với cơ quan công quyền. Mới đây tôi có người bạn là một lãnh đạo công tác trong ngành điện đóng ở một số tỉnh miền Trung, Tây nguyên mới chuyển công tác về Bình Thuận khoảng nửa năm nay. Anh có nhận xét rằng, khi tiếp xúc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh thấy khá gần gũi, cởi mở nhưng khi vào giải quyết công việc cụ thể với các cơ quan chuyên môn ở sở, ngành, địa phương lại rất khó khăn, công việc tiến triển rất chậm, hồ sơ cứ chuyển qua chuyển lại lấy ý kiến, cho ý kiến mà không quyết được. Anh không kết luận là có tiêu cực hay không, nhưng cho rằng có lẽ cán bộ, công chức giải quyết hồ sơ sợ trách nhiệm và đi đến khẳng định có thể vì thế mà việc thu hút đầu tư ở Bình Thuận không được khởi sắc như các tỉnh, thành khác. Không chỉ anh bạn tôi nhận xét như vậy mà trong nhiều cuộc họp, tôi cũng đã nghe một số lãnh đạo tỉnh phản ánh là nhiều nhà đầu tư phàn nàn về cung cách làm việc thiếu nhiệt tình, nhũng nhiễu của một số cán bộ, công chức tỉnh trong giải quyết công việc theo kiểu “trên trải thảm, dưới rải đinh”.

Nếu chỉ ra cụ thể việc giải quyết công việc chậm trễ thì có lẽ Phan Thiết là một điển hình. Đề án 920 đo đạc hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại 17 phường, xã của thành phố Phan Thiết để cấp giấy chứng nhận đất đai từ năm 2009 đến nay sau 7 năm rồi vẫn ì ạch, nhiều người trong đó có bản thân người viết bài này và một số anh em trong cơ quan đã làm hồ sơ từ đó đến nay vẫn chưa được giải quyết, mà không một thông tin phản hồi nào. UBND tỉnh đã có nhiều cuộc họp, nhiều văn bản chỉ đạo, báo chí cũng có hàng chục bài viết nhưng mọi chuyện “vũ như cẩn”, chẳng tiến triển, cũng chẳng ai bị xử lý gì!

Đầu năm nói chuyện này để thấy cải cách hành chính ở tỉnh ta còn nhiều chuyện phải làm để “bằng chị, bằng anh”. Vấn đề quan trọng nhất là xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức viên chức, coi đây vừa là mục tiêu vừa là động lực của cải cách hành chính. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi nói về Chính phủ kiến tạo và liêm chính đã nhấn mạnh: “Nếu chỉ hô ở trên, rồi chỉ đến cấp tỉnh, còn lại ở dưới không chuyển thì không được”. Bởi đưa ra chủ trương, chính sách là ở trên, nhưng chủ thể thực hiện trực tiếp chủ yếu ở các cơ sở địa phương nhất là các sở ngành, cấp huyện, cấp xã nơi trực tiếp với người dân. Do vậy cần phải thực hiện mạnh mẽ hơn việc hoàn thiện các quy định về chức danh, tiêu chuẩn của từng vị trí việc làm để làm cơ sở cho tinh giản tổ chức và biên chế. Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ. Quy định rõ và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, nhũng nhiễu, tiêu cực.

Thế Nam



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu năm nói chuyện cải cách hành chính