Theo dõi trên

Giám đốc Sở NN&PTNT: Phải tìm ra giá thật cho trái thanh long

03/02/2017, 10:50 - Lượt đọc: 528

BTO- Có thể nói năm 2016 là năm khó khăn của nông dân trồng thanh long tỉnh nhà do điều kiện sản xuất không thuận, trong khi giá thanh long bất ổn định khiến cho việc đầu tư sản xuất của nông dân kém hiệu quả. Vậy ngành nông nghiệp của tỉnh nhà đã có những giải pháp nào để hỗ trợ người trồng thanh long, nhất là tìm kiếm thị trường xuất khẩu, ổn định giá cả cho nông dân? Phóng viên chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Mai Kiều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận.

                              
   
      Ông Mai Kiều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình    Thuận
   
      Thanh long Bình Thuận

Thanh long được tỉnh Bình Thuận xác định là 1 trong những sản phẩm lợi thế để phát triển kinh tế, vậy thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã có giải pháp gì giúp mở rộng thị trường xuất khẩu bền vững cho nông dân, thưa ông?

Ông Mai Kiều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận: Thanh long được xác định là 1 trong 12 loại cây ăn quả chủ lực của Việt Nam, Bình Thuận cũng xác định thanh long là 1 trong 6 sản phẩm lợi thế trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Thời gian qua cây thanh long đã góp phần tăng thu nhập cho người dân của tỉnh, làm bộ mặt nông thôn thêm khởi sắc. Để góp phần gìn giữ thương hiệu thanh long Bình Thuận, liên tục trong các năm qua, các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến kinh doanh, tiêu thụ nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long. Thực tế hiện nay, thanh long Bình Thuận được tiêu thụ trên thị trường chủ yếu ở dạng trái cây tươi, trong đó thị trường nội địa tiêu thụ khoảng 15 – 20% sản lượng, còn lại 80 - 85% sản lượng được xuất khẩu nhưng tỷ lệ xuất khẩu chính ngạch rất thấp chỉ khoảng 2 – 3%. Thị trường xuất khẩu gồm 12 nước, tăng 1 nước so với cùng kỳ là Tây Ban Nha. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, nhất là ngành công thương trong việc mở rộng thị trường, xuất khẩu bền vững sản phẩm thanh long giúp nâng cao thu nhập cho nông dân. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh đồng bộ các giải pháp trong sản xuất nhằm tìm kiếm khả năng cạnh tranh của sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu. Và chúng tôi cũng khuyên bà con nông dân cố gắng sản xuất thanh long theo VietGAP, tuân thủ theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp vì lâu nay nông dân thường chạy theo lợi nhuận, theo thương lái nên giá thanh long bị ảnh hưởng lúc 10.000 đồng/1kg, lúc 20.000 – 30.000 đồng/1kg, không ổn định. Do đó, chúng ta phải tìm ra giá thật của trái thanh long là như thế nào, nông dân đầu tư thanh long ra sao để có lời chứ hiện tại nông dân đang đầu tư thanh long theo giá ảo nên bị thua lỗ.

Như vậy ông có thể cho biết ngành nông nghiệp sẽ thực hiện những việc cụ thể như thế nào trong thời gian đến?

Những công việc cụ thể mà ngành nông nghiệp cần phải tập trung sắp đến gồm:

- Xác định việc phát triển bền vững phục vụ cho tiêu dùng, xuất khẩu thì phải sản xuất ra sản phẩm đủ đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó lấy sản phẩm thanh long GAP là trọng tâm hướng tới. Đến năm 2020, phấn đấu nâng diện tích thanh long an toàn theo GAP đạt trên 50%.  

- Phối hợp với các địa phương quản lý chặt chẽ diện tích quy hoạch thanh long được duyệt, không khuyến khích phát triển thêm diện tích trồng mới mà tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản xuất, kiểm soát tình hình sâu bệnh hại, tăng sức cạnh tranh sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường. Đẩy mạnh kết hợp theo chuỗi giá trị, đặc biệt là gắn chặt với thị trường tiêu thụ, đa dạng hoá thị trường đảm bảo thanh long phát triển ổn định.

-Kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nhằm đa dạng sản phẩm từ trái thanh long, nâng hiệu quả sản xuất thanh long.

Phóng viên: Xin cám ơn ông!

Minh Chương



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giám đốc Sở NN&PTNT: Phải tìm ra giá thật cho trái thanh long