Theo dõi trên

Để có Chính phủ kiến tạo, chính quyền kiến tạo

19/01/2017, 08:57 - Lượt đọc: 18

BT- Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ mới trong năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp là: Xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động phục vụ nhân dân. Đó là một chính phủ được tổ chức và hoạt động trên tinh thần xây dựng tạo ra một môi trường cho mọi chủ thể có cơ hội tìm kiếm và thực hiện mưu cầu hạnh phúc của mình.

Chính phủ không tự làm mọi thứ cho người dân như thời bao cấp chúng ta đã từng làm là phát từng “cái kim, sợi chỉ” cho mọi người, mà là tạo ra môi trường pháp lý để mọi người dân chủ động sáng tạo, để làm cho mình hạnh phúc hơn. Mục tiêu Chính phủ hướng tới là kiến tạo, phục vụ là không làm thay doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội mà chỉ tạo điều kiện cho người dân kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Nhằm từng bước xây dựng một Chính phủ kiến tạo, thời gian qua Chính phủ  đã tập trung hoàn thiện thể chế; rà soát toàn bộ cơ chế chính sách, hành lang pháp lý theo hướng cắt giảm rào cản, tháo gỡ khó khăn cho người dân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 được kỳ vọng sẽ là điểm tựa vững chắc để thúc đẩy sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Không chỉ tháo gỡ về mặt thể chế mà việc chỉ đạo trực tiếp giải quyết những vụ việc riêng lẻ của Thủ tướng cũng đưa lại niềm tin cho mọi người về một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động như việc xử lý vụ liên quan đến quán cà phê  “Xin chào” ở thành phố Hồ Chí Minh, vụ xử lý sự cố môi trường Formosa ở Hà Tĩnh, vụ Trịnh Xuân Thanh ở Hậu Giang. Và mới đây nhất Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo, các địa phương không được lên Trung ương chúc tết thành viên Chính phủ, không phong bao, phong bì và ở các địa phương cũng tương tự như vậy. Làm được như vậy cũng chính là góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính.

Việc triển khai Chính phủ kiến tạo và liêm chính về cơ bản phải được tiến hành bắt đầu từ Trung ương, nhưng chủ thể thực hiện trực tiếp thì lại chủ yếu ở các cơ sở địa phương nhất là các sở ngành, cấp huyện, cấp xã nơi trực tiếp với người dân. Thủ tướng có lần nhấn mạnh: “Nếu chỉ hô ở trên, rồi chỉ đến cấp tỉnh, còn lại ở dưới không chuyển thì không được”. Tình trạng trên nóng dưới nguội, trên vội dưới từ từ, “dân cần nhưng quan chưa vội” bởi không bị làm sao, cần gì phải vội, thậm chí “trên bảo, dưới không nghe”, thực sự đáng lo ngại. Nhìn lại ở Bình Thuận cũng không phải là không có tình trạng đó. Một dẫn chứng cụ thể là Chỉ số PAPI (là công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp) của Bình Thuận năm 2015 (năm 2016 chưa công bố) chỉ đạt 34,66 điểm, xếp thứ 41/63 tỉnh, thành, và nằm trong nhóm tỉnh có điểm trung bình thấp. Nếu xét theo từng chỉ số nội dung, thì Bình Thuận không có chỉ số nào thuộc vào nhóm cao nhất. Có 4 nội dung đạt nhóm trung bình thấp là: Sự tham gia của người dân ở cơ sở; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và hiệu quả quản trị hành chính công; riêng chỉ số nội dung công khai minh bạch xếp nhóm thấp nhất.

Góp phần vào xây dựng một Chính phủ kiến tạo, thì chính quyền địa phương cũng phải kiến tạo. Chính quyền địa phương càng kiến tạo, thì năng lực phục vụ  người  dân càng cao, tạo ra năng lực cạnh tranh, tạo ra lợi thế, từ đó tạo ra sức mạnh của địa phương. Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới thành công hay thất bại của Chính phủ kiến tạo, chính quyền kiến tạo chính là chất lượng và việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Do vậy, phải làm sao để đội ngũ cán bộ công quyền thấm nhuần tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp và nếu không thấm nhuần, không thực hiện được thì phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc, không thể để tình trạng quan liêu nhũng nhiễu “trên trải thảm, dưới rải đinh” hay dở, thật giả, vàng thau lẫn lộn. Một thực tế hiện nay là đội ngũ cán bộ thường không dám làm cái mới, không dám đối mặt với rủi ro, bởi nếu thất bại sẽ dễ lãnh hậu quả. Vì vậy cần phải tạo cơ chế làm sao cho từng cán bộ, cụ thể ở cấp cơ sở hay cấp cao hơn nữa có không gian để sáng tạo, để đổi mới và bảo vệ họ, đánh giá họ ở kết quả, khối lượng công việc, sản phẩm mà họ đã cống hiến. Đối với người dân và doanh nghiệp cần được tuyên truyền đầy đủ, rõ ràng về chủ trương kiến tạo và liêm chính của Chính phủ; công khai để người dân nhìn thấy quyền của mình được thực hiện như thế nào và họ có thể giám sát quyền ấy thì mới có khả năng đảm bảo được các cơ hội làm giàu chính đáng của mình.

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để có Chính phủ kiến tạo, chính quyền kiến tạo