Theo dõi trên

“Tết sớm” ở vùng cao Phan Dũng

17/01/2017, 09:21

BT- Sau khi chuẩn bị chu đáo, khoảng 4 giờ 30 sáng ngày đầu trung tuần tháng 1/2017, chiếc xe tải trọng 5 tấn xuất phát từ Phan Thiết ra Tuy Phong trong tiết trời se lạnh nhằm thực thi “sứ mệnh” mỗi năm chỉ có một lần. Đó là mang hàng tết của Công ty CP Thương mại Bình Thuận đến xã vùng cao Phan Dũng, phục vụ nhu cầu mua sắm của bà con dân tộc thiểu số ở nơi vốn còn nhiều thiếu thốn, khó khăn.

                
Bà con dân tộc vùng cao Phan Dũng mua sắm    hàng tết.

Qua một năm khó…

Đến Tuy Phong sau hơn tiếng đồng hồ, chuyến xe nặng hàng tết còn rẽ trái từ quốc lộ 1A hướng theo con đường dẫn lên ngọn núi phía xa, cứ thế chầm chậm vượt đèo, đổ dốc… Thi thoảng hai bên đường vụt qua một vài chiếc xe máy chất đầy những cành mai rừng được dân trong nghề “lùng” khắp vùng cao Phan Dũng, rồi chở ngược về xuôi để bán tết. Thế mới biết năm nào cũng vậy, khi trăng tháng chạp vừa kịp tròn thì bà con nơi đây đã cảm nhận không khí Tết Nguyên đán tràn về và đây cũng là lúc cả xã chờ đón chuyến hàng đặc biệt mang theo hương vị đặc trưng của mùa xuân.

Trở lại vùng cao Phan Dũng lần này, chúng tôi chưa thấy sự đổi thay lớn nào trên mảnh đất còn nhiều khó khăn, duy chỉ có tuyến đường độc đạo dẫn lên trung tâm xã là tương đối hiện đại. Dẫu vậy, chương trình xây dựng nông thôn mới luôn được xã quan tâm triển khai với kết quả thẩm định trong năm 2016 đạt 12 tiêu chí, tăng 2 tiêu chí so năm trước đó. Qua tìm hiểu được biết, hiện trên địa bàn xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong có tổng cộng 212 hộ với 852 khẩu, trong đó bà con dân tộc Rắc Lây chiếm số đông với 199 hộ, còn lại là dân tộc Mường, Tày, Chăm… Tính đến cuối năm qua, toàn xã vẫn còn 74 hộ nghèo, chiếm khoảng 35% tổng số hộ và tăng gần 30% so cùng kỳ năm 2015, trong khi đó trường hợp cận nghèo có 29 hộ, tỷ lệ 13,7% và tăng 5,6% so cùng kỳ năm trước đó. Theo lý giải của UBND xã thì số hộ nghèo và cận nghèo tăng cao là do xét theo chuẩn nghèo đa chiều, tuy nhiên toàn xã trong năm qua cũng có 42 hộ thoát nghèo và 22 hộ thoát cận nghèo.

Dù được địa phương và các cấp ngành hết sức quan tâm, song do điều kiện địa lý cách trở, dân trí thấp nên ở Phan Dũng có mức thu nhập bình quân trong năm 2016 chỉ ở mức 10.092.000 đồng/người/năm. Vì vậy, ngoài trông chờ vào diện tích đất nông nghiệp trồng lúa hạn hẹp và cho năng suất không cao (có khu vực mùa vụ đông xuân vừa qua đạt 2,3 - 3,7 tấn/ha), nhiều hộ dân còn tham gia nhận khoán bảo vệ rừng để tăng thêm thu nhập…

 Tết sớm đến xã nghèo

Chuyến xe hàng tết của Công ty CP Thương mại Bình Thuận vừa đến là các nhân viên không ai bảo ai, khẩn trương lắp ráp kệ, trưng lên đa dạng sản phẩm có bao bì bắt mắt. Không phải đợi lâu, càng lúc gian hàng lưu động càng thu hút “khách hàng” quen thuộc của xã Phan Dũng, dù cả năm mới có dịp phục vụ một lần đúng vào thời điểm trước Tết Nguyên đán khoảng nửa tháng. Như mọi khi bia lon, nước ngọt, bánh in, đồ nhựa gia đình… luôn là mặt hàng được bà con vùng cao ưu tiên chọn mua để chuẩn bị vui tết vì có giá khá “mềm” so thị trường ở cùng thời điểm. Cụ thể như: Bia Sài Gòn xanh giá 208.000 đồng/ thùng, bia 333 giá 217.000 đồng/thùng, bia Tiger giá 303.000 đồng/thùng, nước ngọt Coca Cola lon 250ml giá 138.000 đồng/thùng, bộ bàn ghế nhựa (gồm 1 bàn chữ nhật, 4 ghế dựa nhỏ) giá 261.000 đồng.

                
Nhiều mặt hàng thiết yếu được người dân mua    dự trữ cho ngày tết.

Bà Mai Thị Lý - dân tộc Rắc Lây, năm nay 76 tuổi vẫn dành dụm ít tiền, chờ đón chuyến hàng đặc biệt này để mua “nhiều thứ lắm” cho gia đình với hóa đơn gần 1,5 triệu đồng. Nhìn thùng bia, mấy chai dầu ăn loại 5 lít, vài chai nước mắm và thêm những món hàng thiết yếu hàng ngày, bà cười móm mém: “Mấy món này để dành dùng từ từ, có khi qua tết cả tháng mới hết đó”… Còn chị Nguyễn Thị Thu Hảo - kế toán UBND xã Phan Dũng thì trông chờ chuyến hàng và phải tranh thủ xem chi tiết bảng giá, sau đó mới quyết định chọn mua mặt hàng nào. Bởi năm nào cũng vậy, tổ chức công đoàn của xã rất muốn chăm lo cho đoàn viên phần quà giá trị, nhưng do khó khăn nên phải cân đối, chỉ đáp ứng từ 100.000 - 120.000 đồng/phần quà cho gần 40 người. Đối với những ai chưa có điều kiện mua sắm vẫn dành thời gian ghé xem chuyến hàng năm nay có gì mới, xuýt xoa tiếc nuối giá như được nhận tiền khoán bảo vệ rừng sớm tí nữa sẽ mua sắm đủ đầy hơn. Trong không khí nhộn nhịp ấy, chúng tôi thấy có chị rụt rè rút từ túi áo ra tờ 10.000 đồng, nhỏ nhẹ nói với nhân viên bán hàng lấy giúp 5 gói muối I - ốt (loại 500gr/gói) gọi là có “hàng tết” đem về cho gia đình…

Theo cùng chuyến xe, anh Trần Văn Tuấn - Phụ trách kinh doanh của Công ty CP Thương mại Bình Thuận cho biết: Toàn bộ mặt hàng bán tại xã Phan Dũng đều là giá sỉ xuất kho. Đồng thời nhằm tạo thuận lợi cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện mua sắm, năm nay lần đầu tiên công ty tổ chức bán hàng lưu động cả ngày chứ không phải  một buổi như trước kia… Đến hẹn lại lên, bà con xã vùng cao cũng dần quen với chuyến xe vào dịp này nên cứ gọi đùa “thấy xe công ty là thấy tết”, và nhờ đó mà năm nào ở Phan Dũng cũng cảm nhận tết đến sớm vậy.

Ghi chép: Đình Quốc



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Tết sớm” ở vùng cao Phan Dũng