Theo dõi trên

Cần có quan điểm phát triển

17/01/2017, 08:38 - Lượt đọc: 12

BT- Gần đây, một số người cho rằng cần phải xem xét lại có nên phát triển tàu, thuyền đánh cá có công suất lớn hay không? Những người đưa ra quan điểm này là căn cứ vào sự phát triển nhanh của năng lực tàu thuyền có công suất lớn nhưng sản lượng hải sản khai thác tăng không tương xứng.

Cụ thể trong giai đoạn từ 2008 đến năm 2015 tổng công suất tàu cá của Bình Thuận từ 543.892 Cv (năm 2008) tăng lên 885.167 Cv năm 2015; trong lúc đó sản lượng hải sản khai thác từ 167.500 tấn (2008) tăng lên 197.627 tấn (năm 2015). Tàu có công suất lớn (trên 90 Cv) từ 1.441 chiếc tăng lên 2.930 chiếc. Như vậy trong 7 năm qua, năng lực tàu thuyền của tỉnh tăng lên 63%, tàu công suất lớn tăng gấp 2 lần, nhưng sản lượng hải sản khai thác chỉ tăng chưa đến 18%.

Căn cứ vào số liệu trên, một số người cho rằng sở dĩ tàu có công suất lớn tăng nhanh nhưng do trình độ quản lý, khai thác của ngư dân không theo kịp dẫn đến năng suất khai thác giảm sút. Từ đó đề nghị thời gian tới xem xét lại có nên tiếp tục phát triển tàu có công suất lớn hay không?

Thực ra nói trình độ quản lý, kỹ năng đánh bắt của ngư dân là nguyên nhân của sự việc trên chỉ đúng một phần. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là nguồn lợi thủy sản, nhất là ở ven bờ bị suy giảm nặng nề. Có thể thể thấy tổng sản lượng thủy sản khai thác hàng năm của nước ta (trong đó có Bình Thuận) là khá cao so với các nước trong khu vực, nhưng không phải do trình độ khai thác tiên tiến mà do khai thác vào mùa các loài thủy sản sinh sản, xâm phạm vùng cấm đánh bắt, khai thác không sàng lọc, hủy diệt nguồn lợi thủy sản như sử dụng lưới mắt dày, chất nổ, chất độc… để đánh bắt. Chất lượng sản phẩm thấp do xử lý và bảo quản chưa đạt yêu cầu kỹ thuật, thiếu đầu tư, bảo quản sản phẩm sau khai thác phổ biến là dùng đá xay, ướp muối theo phương pháp truyền thống, tổn thất sau thu hoạch lớn…

Nhận thức được vấn đề này, những năm qua, cùng với việc phát triển tàu thuyền có công suất lớn, toàn tỉnh đã giải bản trên 1.973 thuyền công suất nhỏ (dưới 30 Cv). Đây là hướng đi đúng nhằm hạn chế số lượng tàu thuyền khai thác ven bờ để bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Nếu đặt vấn đề hạn chế phát triển tàu thuyền có công suất lớn thì cũng có nghĩa là khuyến khích phát triển thuyền có công suất nhỏ? Nếu vậy là một bước thụt lùi, trở lại hình thức khai thác đánh bắt sơ khai ven bờ như trước đây.

Theo nhận định của một số chuyên gia, tranh chấp nóng bỏng trên biển Đông hiện nay vấn đề chủ yếu không phải là dầu khí mà là tranh chấp ngư trường khai thác hải sản và môi trường biển. Việc phát triển tàu có công suất lớn đánh bắt ở các ngư trường xa là hướng đi hợp lý không những nâng cao hiệu quả đánh bắt cho ngư dân mà còn góp phần bảo vệ quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đây là quan điểm phát triển cần được quán triệt và triển khai. Vấn đề cần quan tâm là cùng với phát triển tàu thuyền có công suất lớn thì phải có chính sách, biện pháp để hạn chế làm giảm tàu thuyền có công suất nhỏ để cường lực khai thác không tăng quá nhanh nhằm hạn chế tình trạng khai thác quá mức ở vùng nước truyền thống ven bờ.

Đối với tàu thuyền khai thác vùng khơi cần chú trọng đào tạo đội ngũ thuyền trưởng, thuyền viên đủ khả năng quản lý, vận hành, sử dụng phương tiện hiện đại. Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển đủ mạnh để phục vụ nhu cầu khai thác hải sản xa bờ. Về vĩ mô, trên cơ sở số liệu điều tra nguồn lợi thủy sản, các cơ sở dữ liệu về hải dương học nghề cá, thống kê nghề cá thương phẩm, ngành thủy sản cần xây dựng quy hoạch, dự báo ngư trường, lập bản đồ dự báo ngư trường khai thác để làm cơ sở tổ chức lại khai thác hải sản. Xác định số lượng tàu cá khai thác tối đa trên từng vùng biển theo từng nhóm nghề, đối tượng khai thác để từng địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đội tàu cá và quản lý khai thác đạt hiệu quả.

H.L



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần có quan điểm phát triển