Theo dõi trên

Không bắn pháo hoa sao nói là “đạo đức giả”?

13/01/2017, 08:31

BT- Chỉ thị của Đảng về tổ chức tết năm 2017 đã yêu cầu các địa phương không bắn pháo hoa trong dịp tết, dành thời gian và kinh phí chăm lo tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách.

Các địa phương không bắn pháo hoa dịp tết năm 2017

Dư luận đánh giá đây là một chỉ thị “đúng, trúng, kịp thời”, thuận lòng dân, hợp ý trời, hợp truyền thống đạo lý “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” của dân tộc ta.

Các tỉnh – thành phố trên cả nước lập tức hưởng ứng, thông báo hủy kế hoạch bắn pháo hoa, dành số tiền tiết kiệm được từ không bắn pháo hoa để ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt và trợ giúp người nghèo ăn tết.

Nhưng cũng có những ý kiến trái chiều, không đồng tình với chủ trương này. Mới đây trên mạng xã hội có bài báo “Pháo hoa cho người nghèo!”, theo tác giả bài báo T.Q.Q (đang sinh sống ở nước ngoài): “Chủ trương không bắn pháo hoa trong dịp tết này là đạo đức giả, là mị dân… Đảng có thể lo cho người nghèo bằng nhiều cách tốt hơn, hiệu quả hơn, chứ không phải tước đi quyền xem pháo hoa của người dân”.

Tác giả cho rằng: “Chi phí bắn pháo hoa hầu hết địa phương không lấy từ tiền ngân sách, mà từ nguồn xã hội hóa. Pháo hoa cũng không phải bỏ ngoại tệ ra nhập khẩu, mà do nhà máy quốc phòng trong nước sản xuất”.

Tiếp theo tác giả T.Q.Q đặt vấn đề: “Liệu số tiền tiết kiệm do không bắn pháo hoa này có đến được tay người nghèo không? Ngoài chỉ thị không bắn pháo hoa thì Ban Bí thư có chỉ thị thiết thực, cụ thể nào khác về kinh phí cho người nghèo ăn tết chưa?”.

Năm vừa qua, biết bao tai ương dồn dập giáng xuống đầu nhân dân ta. Tác giả T.Q.Q đang sinh sống ở nước ngoài nên có lẽ chưa hiểu hết tình hình đất nước. Thiên tai, bão lụt, hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt chưa từng có, rồi sự cố ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung… đã ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, sản xuất và đời sống của nhân dân. Tình hình ngân sách rất khó khăn, nợ công đất nước đã sát “trần”, trong tình hình ấy, chúng ta có ăn tết bình thường, thoải mái được không?

Tiết kiệm thì khi nào cũng cần, nhưng vào thời điểm này thì tiết kiệm đã thành một mệnh lệnh. Hơn nữa chung quanh ta còn quá nhiều điều lãng phí, dù Quốc hội đã có Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, nhưng chưa thực hiện nghiêm.

Trong hoàn cảnh này, nếu thực hành tiết kiệm chỉ bằng hô hào khẩu hiệu, theo kiểu “nói mà không làm”, thì mới đích thực là “mị dân”, là “đạo đức giả”. Còn tiết kiệm bằng hành động cụ thể, thiết thực (thậm chí quyết liệt, cứng rắn) mới thực sự ích nước, lợi dân.

Tác giả bài báo “Pháo hoa cho người nghèo!” còn viết: “Để có những hành động tiết kiệm tiền bạc thiết thực giúp người nghèo trong cả nước đón tết vui hơn, no hơn, ngon hơn, Ban Bí thư đáng lẽ phải ra chỉ thị nghiêm ngặt cấm các hình thức lãng phí như: sử dụng xe công đi cúng lễ đền chùa, đi chúc tết, uống rượu ngoại tại các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong các bữa tiệc liên hoan, tất niên… thay vì cấm pháo hoa”.

Về vấn đề này, chắc tác giả T.Q.Q mới về nước ít hôm ăn Tết Dương lịch nên chưa nắm vững. Chỉ thị 11 của Ban Bí thư về tổ chức tết 2017 ngoài yêu cầu không bắn pháo hoa, còn quy định cụ thể nhiều việc thực hành tiết kiệm khác như:

Lãnh đạo Đảng – Nhà nước, các cơ quan Trung ương không tổ chức đi thăm, chúc tết địa phương. Các địa phương không đi chúc tết Trung ương. Nghiêm cấm tặng quà tết cho cấp trên dưới mọi hình thức.

Các cơ quan Đảng – Nhà nước không được lợi dụng tết nhất, tổng kết, tất niên để tiệc tùng, liên hoan, ăn uống chè chén xa hoa; không được sử dụng xe công để du xuân, đi lễ hội, chùa chiền… Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức – cá nhân sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào hoạt động tết nhất, lễ hội…

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, các địa phương (trong đó có Bình Thuận) đang tất bật chuẩn bị tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, lễ hội phục vụ nhân dân và du khách đón tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm.

Và một nét đẹp của Tết Việt, mà tác giả T.Q.Q (nếu còn ở Việt Nam) dễ dàng nhận ra: đó là vô vàn hoạt động “Tết sẻ chia”, “Tết yêu thương” của cả cộng đồng xã hội dành cho những người nghèo khó, các gia đình chính sách, những đồng bào bị thiên tai lũ lụt ở miền Trung…

Phải chăng đó là sự lan tỏa của tinh thần nhân văn “không bắn pháo hoa để lo cho người nghèo” mà chỉ thị của Đảng khởi xướng?

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không bắn pháo hoa sao nói là “đạo đức giả”?