Theo dõi trên

Xưa và nay qua tập sách Địa chí Phan Rí Cửa

13/12/2016, 09:15

Tập sách với độ dày gần 600 trang, in ấn đẹp đã gây ấn tượng lớn đối với người đọc, do Đảng bộ thị trấn Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong) chủ trương, thực hiện. Đây là một công trình “địa phương chí” có giá trị văn hóa, lịch sử... xuyên suốt chặng đường dài gần 300 năm kể từ khi hình thành địa danh Phan Rí và với thị trấn Phan Rí Cửa ngày nay.

Thuở ban đầu cư dân định cư mang tên Phan Rí (Pảrik) ở cửa sông Lũy, nằm giữa vùng Pandaranga của người Chăm. Từ năm 1832, thuộc Hòa Đa thổ huyện sau đổi là quận Phan Lý Chàm - bao gồm Phan Rí Cửa và Phan Rí Thành (Bắc Bình) hiện nay. Có thể coi Phan Rí ngày xưa là một thủ phủ phía Bắc tỉnh Bình Thuận, cho nên ngày 18/2/1916, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập thị xã Phan Rí (theo Việt Nam - những sự kiện lịch sử 1858 - 1918) tức chỉ sau thị xã Phan Thiết (1898) 18 năm. Với nội dung được phân bố các thời kỳ lịch sử và tập trung nhiều đến yếu tố tư liệu về điều kiện tự nhiên, dân cư, đời sống xã hội và những đặc trưng văn hóa tín ngưỡng của vùng biển này. Qua mô tả về các di tích huyền thoại trên địa bàn như tháp Podam, đền Pô Klong Mơh Nai, đền Pô Nít và các ngôi chùa Linh Sơn, Cổ Thạch, Thiên Hậu… mới thấy đây là nơi lưu giữ nhiều bản sắc rất đặc thù. Nghề biển từ bao đời có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống cư dân Phan Rí Cửa về phong tục, tập quán, trong đó phải kể đến những nghi thức cúng tế đình làng, trò chơi, lễ hội dân gian… được kết tụ của các vùng miền làm nên nét riêng ở đây.           

Các chương viết về Phan Rí Cửa trước năm 1975 và từ đó đến sau này, đã khắc họa được sự phát triển không ngừng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội để Phan Rí Cửa đúng nghĩa với “Phanri- port”, nơi có vị trí cảng cá lớn nằm trong số ít của Bình Thuận. Khó khăn không nhỏ trong quá trình biên soạn là hình ảnh tư liệu minh họa để có ý nghĩa chân thực sinh động, nhưng với tập sách này lại có được nhiều hình ảnh xưa cũ rất phong phú, còn in dấu nhạt nhòa bởi thời gian, nhờ vậy làm tăng thêm giá trị của công trình.

Được biết, Phan Rí Cửa cũng đã hoàn thành 2 công trình lịch sử truyền thống, đấu tranh cách mạng địa phương giai đoạn 1940 - 1975 và giai đoạn 1975 - 2010. Nay với  tập “Địa chí Phan Rí Cửa” khá quy mô lại phản ánh được đời sống văn hóa đặc trưng của vùng đất, đề cao tính nhân văn là điều hiếm thấy ở các địa phương khác trong tỉnh. Không thể đòi hỏi gì hơn bởi tập sách đã thể hiện khá đầy đủ các sự kiện tiêu biểu, phẩm chất, tình cảm trong tình đất, tình người sẽ để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau.

PHAN CHÍNH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xưa và nay qua tập sách Địa chí Phan Rí Cửa