Theo dõi trên

Vẫn chưa xác định được nguyên nhân cá bớp chết

27/09/2016, 08:50 - Lượt đọc: 94

BT- Theo đơn phản ánh của ông Nguyễn Đức Lộc và ông Nguyễn Văn Sáu, trong 2 ngày 21 và 22/6/2016 cá bớp nuôi lồng bè của 2 ông tại thôn Kê Gà, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam bị chết hàng loạt, gây thiệt hại kinh tế nặng nề. Hai ông muốn biết đâu là nguyên nhân?

Qua tìm hiểu của chúng tôi từ ông Nguyễn Văn Phúc - Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Hàm Thuận Nam, tại khu vực có 4 hộ nuôi cá lồng bè với tổng số lồng đang nuôi là 52/56. Thông tin có 2 hộ cá bị chết từ lúc 6h30’ ngày 21/6/2016, đến thời điểm đoàn đến khảo sát, cá vẫn tiếp tục chết với tổng số lượng ghi nhận lúc khảo sát là 1.200 con cá bớp trọng lượng từ 4 - 5 kg/con và 2.300 con cá bớp trọng lượng từ 1 - 2 kg/con. Riêng 2 hộ khác nuôi cá cách địa điểm cá chết 150 m không có hiện tượng cá chết. Ngoài ra, cách khu vực nuôi cá lồng bè khoảng 200 m về phía bờ biển có 1 cơ sở chế biến cá cơm và cách khoảng 800 m cũng có 1 cơ sở chế biến cá cơm khác cùng một số hộ kinh doanh ăn uống nhỏ lẻ. Tổng số lượng cá chết khoảng 10 tấn và thiệt hại ước 1,5 tỷ đồng.

Báo cáo số 158/BC - STNMT, thông tin từ ông Lâm Hòa Minh, vào tháng 2/2016 ông thả nuôi 9.600 con (cá mú: 2.000 con, cá chim: 4.000 con, cá bớp: 3.600 con) trong 9 lồng bè (6 lồng bè cá bớp, 3 lồng bè cá mú, cá chim). Đến ngày 28/6 cá bớp có biểu hiện bỏ ăn và chết (cá mú và cá chim vẫn còn sống) nên ngày 29/6 ông di chuyển 6 lồng bè cá bớp ra xa khu vực đang nuôi và neo đậu sát lồng bè ông Cao Quốc Ấn. Theo ông Lâm Hòa Minh, cá bớp chết vẫn thường xảy ra. Cụ thể, năm 2014 chết khoảng 3.000 con, năm 2015  chết 600 con. Thời điểm khảo sát,  tại 6 lồng bè trên, cá bớp vẫn tiếp tục chết với số lượng ghi nhận là 600  con (trọng lượng 0,3 - 0,5 kg/con), 3 lồng bè cá chim, cá mú của ông Cao Quốc Ấn không có hiện tượng cá chết. Qua khảo sát, khu vực nuôi cá của ông Lâm Hòa Minh cách bờ biển khoảng 100 m; độ sâu mực nước biển khi cạn còn  khoảng 2 m và dòng chảy yếu; 2 cơ sở chế biến cá cơm của ông Huỳnh Chí Thiện và Huỳnh Văn Xuất đã ngừng hoạt động từ ngày 22/6 và tháo dỡ ống nước ngầm xả nước thải ra biển.

Đoàn khảo sát đã lấy mẫu nước biển tại lồng bè ông Lâm Hòa Minh phân tích các chỉ tiêu: pH, DO, TSS, Amoni, Phosphat để đánh giá chất lượng môi trường nước. Chi cục Thủy sản tỉnh đã thu hồi 1 mẫu cá chết để xét nghiệm dịch bệnh và mẫu nước tại khu vực nuôi cá bị chết của ông Lâm Hòa Minh để phân tích các chỉ tiêu liên quan đến nuôi trồng thủy sản. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Long - Phó Giám đốc Sở NN & PTNT cho biết, vấn đề cá chết nguyên nhân dịch bệnh hoàn toàn bị loại bỏ. Như vậy, chỉ còn lại là môi trường nước.

Về kết quả phân tích mẫu nước trong đợt khảo sát ngày 22/6: mẫu nước biển tại lồng bè ông Nguyễn Văn Sáu, ông Nguyễn Đức Lộc, ông Cao Quốc Ấn so sánh với QCVN 10 - MT: 2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc  gia về chất lượng nước biển - Áp dụng cho vùng nuôi trồng thủy sản: 5/5 thông số được kiểm tra (pH, DO, TSS, Amoni, Phosphat) đạt quy chuẩn cho phép (QCCP). Kết quả phân tích trên cho thấy chất lượng nước biển tại các lồng bè của các ông Nguyễn Văn Sáu, Nguyễn Đức Lộc, Cao Quốc Ấn chưa có dấu hiệu  bị ô nhiễm.

Theo tinh thần Công văn số 2293/UBND - KTN về việc “Giải quyết tình trạng cá nuôi lồng bè chết tại thôn Kê Gà, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam” của UBND tỉnh ngày 30/6/2016, thiết nghĩ Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành liên quan sớm chủ trì để xác định rõ nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết và đề xuất UBND tỉnh hướng giải quyết kịp thời.

HỮU CÁN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vẫn chưa xác định được nguyên nhân cá bớp chết