Theo dõi trên

Phòng ngừa viêm não Nhật Bản mùa cao điểm

22/07/2016, 09:22 - Lượt đọc: 59

BT- Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, 5 tháng đầu năm 2016, cả nước ghi nhận trên 215 trẻ mắc viêm não các thể, trong đó có một số trẻ mắc viêm não Nhật Bản B... Tuy số mắc có giảm so cùng kỳ 2015 nhưng thời điểm này đang là mùa dịch viêm não Nhật Bản B (mùa dịch sẽ kéo dài đến tháng 8), số mắc còn có thể tăng và đây là thể bệnh viêm não có tỷ lệ tử vong và để lại di chứng nặng rất cao nên mọi người cần đề phòng.

Viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm virus cấp tính ở thần kinh trung ương. Ảnh minh họa

Triệu chứng: Viêm não Nhật Bản là căn bệnh xảy ra ở tất cả các mùa quanh năm, tuy nhiên trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 là giai đoạn cao điểm của bệnh. Sở dĩ bệnh hay gặp vào mùa này là vì đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển và cũng là mùa có nhiều loài hoa quả chín thu hút chim từ rừng về mang theo mầm bệnh từ nơi hoang dã rồi từ đó lây sang đàn lợn, gia súc gần người và sau đó lây sang cho người. Căn bệnh này vô cùng nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao, để lại di chứng nặng nề nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bởi đây là căn bệnh cấp tính do virus gây ra, làm tổn thương nghiêm trong hệ thần kinh trung ương.

Bệnh viêm não Nhật Bản thường có các biểu hiện như sốt cao đột ngột, thậm chí là 39 - 400C, sau khoảng 8 - 10 giờ, người bệnh thường xuất hiện thêm biểu hiện đau đầu. Muộn hơn, trẻ thường có biểu hiện nôn và buồn nôn, thậm chí các trẻ không ăn gì cũng nôn. Đây là những biểu hiện mà các bậc phụ huynh cần phải nhận biết để đưa trẻ đến viện điều trị kịp thời. Nếu để muộn hơn nữa trẻ sẽ có biểu hiện thay đổi ý thức li bì, nói lẫn, hôn mê thậm chí là co giật. Tuy nhiên, khi để xuất hiện những biểu hiện này thì trẻ đã quá nặng, khả năng cứu chữa sẽ không cao.

Cơ chế lây truyền:  Động vật nhiễm vi rút có vai trò là nguồn truyền nhiễm bệnh viêm não Nhật Bản cho người. Nguồn truyền nhiễm trong thiên nhiên là các loài chim, và một số loài bò sát. Nguồn truyền nhiễm ở súc vật gần người quan trọng nhất là lợn do dễ bị nhiễm virus và được chăn nuôi ở nhiều hộ gia đình. Ngoài ra một số gia súc khác như trâu, bò, dê, cừu cũng có thể là ổ chứa của virus. Trong số các loài động vật sống gần người, lợn được coi là nguồn truyền nhiễm lớn nhất.

 Bệnh được truyền sang người qua muỗi đốt. Muỗi hút máu động bị vật nhiễm virus (thường là từ lợn) rồi từ đó lại đốt người và truyền bệnh cho người. Có nhiều loài muỗi có khả năng truyền bệnh viêm não Nhật Bản, tuy nhiên có 2 loài muỗi chính truyền bệnh này đó là Culex. tritaeniorhynchus và Culex.vishnui. Đây là hai loài muỗi thường sinh sản và trú đậu ở ruộng lúa nước, nhất là ở ruộng mạ và phát tán rộng trên cánh đồng, nên được gọi là muỗi đồng ruộng.

Dự phòng và điều trị: Bệnh viêm não Nhật Bản đã có vắc xin phòng bệnh nên việc tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh quan trọng, hiệu quả và khả thi nhất. Ngoài tiêm vắc xin, các biện pháp sau đây cũng góp phần phòng bệnh cho cộng đồng, bao gồm: Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu, nên dời chuồng gia súc xa nhà; ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt; các hộ gia đình thường xuyên sử dụng các biện pháp thông thường để xua, diệt muỗi.

 Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ đến ngay bệnh viện cấp tỉnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Sở dĩ trẻ em mắc bệnh viêm não Nhật Bản cần được đưa đến bệnh viện cấp tỉnh, thành phố điều trị vì đây là căn bệnh điều trị tương đối khó.

B.S



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phòng ngừa viêm não Nhật Bản mùa cao điểm