Theo dõi trên

Tản mạn chuyện xưa, chuyện nay, chuyện ngày mai

26/01/2016, 14:09 - Lượt đọc: 120

BT- Trong kháng chiến chống Pháp, nhân dân vùng căn cứ huyện Hòa Đa phần lớn ở rừng Nhu (nay thuộc địa phận 2 xã Hồng Thái và Hòa Thắng, huyện Bắc Bình). Kháng chiến chống Pháp không ác liệt như thời chống Mỹ nên nhân dân vùng căn cứ phát rừng làm rẩy trỉa bắp, trỉa đậu, trồng khoai, rau màu tự túc. Thu hoạch hoa màu có dư đem đi chợ kháng chiến Cây Xay để đổi gạo, thuốc men, thực phẩm khác...

                       
Bàu Trắng, Hòa Thắng. Ảnh: Ngọc Lân

Khu căn cứ Lê Hồng Phong không có nước nên dùng nước mưa, mùa nắng phải gánh nước từ Bàu Trắng hoặc Bàu Mín thuộc xã Hòa Thắng ngày nay. Gánh nước bằng thùng thiếc hoặc thùng tôn, đi ban ngày không sợ phi pháo gì cả. Đồng bào căn cứ đi chợ hoăc đi gánh nước từ bìa rừng phải vượt qua động cát trắng gồm những cồn cát di động phía Đông bắc Bàu Trắng. Cát lún, trên vai trĩu nặng hai thùng nước, mỗi thùng 20 lít hoặc gánh hàng nặng mà đi chân không, cát lấp đến quá mắt cá chân. “Cái khó ló cái khôn”, bà con nghĩ ra cách giảm áp lực trên cát lún bằng đôi guốc  vông. Thân cây vông nem đường kính khoảng 20cm cưa thành khúc 25 - 30 cm bổ đôi phơi khô, đẽo rộng hơn kích thước bàn chân từng người, cao độ 3cm. Dùng thỏi sắt tròn nung đỏ đâm 3 lỗ xuyên qua chiếc guốc giống quai dép lê ngày nay. Quai guốc bằng dây chuối khô xoắn lại xỏ qua lỗ, gút lại ở mặt dưới chiếc guốc cho vừa bàn chân. Quai này êm chân, nếu đứt thay quai khác. Nhờ đôi guốc vông dù có mang vác, gánh nặng đôi chân không lún xuống cát được. Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp, lực lượng ta tập kết ra Bắc, miền Nam thành vùng tạm chiếm của địch, chợ kháng chiến không còn.

Những tháng cuối năm 1955, đồng bào căn cứ chưa về làng cũ nên phải đi chợ Phan Rí Cửa. Đường đi phải băng qua động cát ra biển theo dọc bờ biển đến Hòa Phú ngồi đò sang chợ. Dọc bờ biển, hôm nào thủy triều xuống thì bỏ guốc vào gánh, đi chân không, triều lên phải làm bạn đồng hành với nó dọc đường cát lún cho đến bến đò. Kháng chiến chống Mỹ không thể gánh nước bằng thùng, mang guốc vông đi ban ngày được nữa; thay vào đó là chiếc bồng bằng bao đựng bột mì nhuộm pin đèn buộc quai mang như ba lô đi du lịch ngày nay và một tấm ni-lông vuông  dài 1,5 m, chân đi dép lốp cho dễ cơ động. Nói thêm để hình dung cách mang nước bằng bồng: Gấp đôi tấm ni-lông, xếp nếp lại rồi dùng dây cao su ruột lốp xe ô tô dài khoảng 1m, rộng 1cm, một đầu buộc túm chừa miệng đặt trong bồng, múc nước đổ vào đầy bịch khoảng hơn 30 lít, túm miệng thắt  dây cao su nhiều vòng cho chắc, gút lai để nước khỏi chảy, buộc dây quai bồng  rồi khoác lên vai. Cách sáng tạo này đã thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh thực tế chiến tranh vô cùng ác liệt; hầu hết các hoạt động lúc bấy giờ phải lấy đêm thay ngày.

Ngày nay những hoạt động và hình ảnh trên đã đi vào ký ức của những người trong cuộc. Ở các động cát không còn thấy những con người một thời mang đôi guốc vông, trên vai trĩu nặng gánh nước, gánh hàng mà thấy đám trẻ con hằng ngày cũng bằng quy luật đó dùng những tấm nhựa cứng phục vụ khách du lịch ngồi trượt xuống dốc đồi cát cho đỡ mỏi chân và thích thú. Hiện đại hơn, bằng những chiếc xe điện bánh rộng  chở vài ba du khách vượt qua các cồn cát di động thật ngoạn mục với tinh thần thoải mái, vui tươi. Hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán, chính quyền địa phương tổ chức thi chạy vượt đồi cát cho thanh niên rất hào hứng, sôi nổi. Con đường rộng trải nhựa từ Hòa Thắng đến Hòa Phú mở ra đem đến cho những người đã từng gánh nặng đi trên đôi guốc vông dọc bờ biển ngày nào càng thấy giá trị lớn lao của nó. Bến đò năm xưa tấp nập kẻ lên, người xuống đã lui vào dĩ vãng, âm thầm núp dưới bóng một chiếc cầu hiện đại sừng sững vắt ngang sông. Trước ngày giải phóng miền Nam, những người sống, chiến đấu ở vùng này chắc chưa ai nghĩ, thậm chí ước mơ có được con đường nhựa nối từ quốc lộ 1A xuyên qua rừng cát đến xã căn cứ Hòa Thắng anh hùng và một hệ thống giao thông kết nối vùng ven biển này đến thành phố Phan Thiết, thị trấn Phan Rí Cửa. Tương lai không xa còn có sân bay sẽ phát triển một trung tâm du lịch hấp dẫn thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Nước máy đến tận nhà, không phải gánh thùng, mang bồng như xưa. Không bao lâu nữa kênh tiếp nước cho Khu Lê hoàn thành bảo đảm phục vụ dân sinh, kinh tế, bảo vệ môi trường chắc chắn sẽ làm trù phú thêm vùng đất này về nhiều lĩnh vực.

Cấu trúc địa hình tự nhiên nơi đây có một động cát trắng ngút tầm mắt. Giữa vùng đất gần như sa mạc nổi lên hai bàu nước trong xanh, tạo quang cảnh rất nên thơ thu hút tính hiếu kỳ của du khách. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh có nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo;  những đôi nam nữ lãng mạn tìm đến đây chụp ảnh trước ngày cưới để lưu lại kỷ niệm đẹp của đời mình. Một thủy phi cơ thử nghiệm đáp xuống bàu nước thành công. Thiên nhiên ban tặng cảnh đẹp hoang dã như vậy nhưng cũng có mặt trái của nó. Những cồn cát di động có thể gây ra những tác hại. Lượng cát bay hàng năm rất lớn sẽ bồi lấp các con đường ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Với biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp có thể trở thành bão cát phủ xuống xóm làng, các khu du lịch. Hai bàu nước với khí hậu nắng nóng nên lượng bốc hơi lớn cùng với gió cát và bờ cát xung quanh sụt lún sẽ làm cho diện tích bị thu hẹp và cạn dần. Vấn đề đặt ra cho các ngành chức năng phối hợp có giải pháp chống cát bay, hạn chế các đồi cát di động. Trước hết và cấp bách bằng giải pháp trồng cây chắn gió, đồng thời xây bờ kè, làm đường bao quanh để bảo vệ.

 Người viết cảm nhận rằng hệ thống giao thông càng thuận lợi, hiện đại dường như  làm cho không gian, khoảng cách các vùng, miền xích lại gần hơn. Thời gian đến với nhau nhanh hơn và cuộc sống đời người từ đó như được kéo dài thêm. Giao thông cùng với thủy lợi có thể nói là kỳ tích mang đậm tính nhân văn cả về  vật chất lẫn tinh thần, một sự đổi đời chưa từng có trong lịch sử ở vùng đất này.

Đinh Trung



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tản mạn chuyện xưa, chuyện nay, chuyện ngày mai