Theo dõi trên

Đặc sắc mâm cỗ ngày tết ở các nước châu Á

25/01/2016, 09:35

BT- Hầu hết các nước châu Á có phong tục đón tết cổ truyền với nhiều nét đặc trưng của nền văn hóa phương Đông. Bên cạnh các lễ hội truyền thống nhiều màu sắc, khám phá nghệ thuật ẩm thực là một trong những trải nghiệm thú vị vào ngày đầu năm.

Nhật Bản

Từ cuối thế kỷ 19, đất nước Nhật bản đã dùng cách tính ngày theo dương lịch. Do vậy, ngày đầu năm (tiếng Nhật gọi là gantan) cũng trùng với ngày 1/1 theo lịch của các nước phương Tây. Mặc dù đón năm mới dương lịch, nhưng ngày tết của người Nhật vẫn mang đậm nét văn hóa với  những phong tục tập quán đặc trưng có từ xa xưa. Vào trước thời điểm giao thừa, các ngôi chùa Phật giáo đồng loạt ngân lên 108 hồi chuông. Người ta tin rằng, sau hồi chuông đó, mọi khổ đau phiền muộn của họ trong năm cũ sẽ tan biến. Khi tiếng chuông vừa dứt, cảnh vật trở nên tĩnh lặng, năm mới chính thức bắt đầu. Mâm cơm tất niên của người  Nhật,  ngoài loại thức uống đặc trưng là rượu sake, thì không thể thiếu các loại thức ăn bổ dưỡng như mì Toshikishi Soba, mì Udon, bánh Kagamimochi. Mì Soba là loại mì được làm từ bột kiều mạch và bột mì với sợi mì dai và dài. Theo quan niệm của người Nhật, thưởng thức món mì Soba vào ngày đầu năm sẽ có sức khỏe dẻo dai và trường thọ.

Ấn Độ

Ngày đầu năm (Diwali) của Ấn Độ xuất phát từ một câu chuyện cổ về chiến thắng chinh phục quỷ dữ. Câu chuyện kể rằng, hoàng tử Rama, người thừa kế ngai vàng, đã bị người mẹ kế là hoàng hậu độc ác đày vào rừng sâu suốt 14 năm. Vợ của Rama cũng bị chúa quỷ Ravan ở nước láng giềng bắt cóc. Sau khi đánh bại quỷ Ravan giải cứu được vợ, Rama đã  trở lại vương quốc của mình để giành lại ngai vàng. Để mừng chiến thắng của hoàng tử Rama, dân chúng đã mở yến tiệc và thắp đèn thâu đêm, và đó cũng là ngày Diwali hay “Lễ hội ánh sáng”  đầu tiên của đất nước Ấn Độ. Ngày nay, Tết Diwali của người Hindu (rơi vào khoảng cuối tháng 10 và đầu tháng 11 hàng năm) được tổ chức theo phong tục của từng vùng, nhưng đều có chung đặc điểm là nhiều màu sắc và tràn ngập ánh sáng. Vào những ngày này, người Ấn Độ thường ăn những thức ăn và trái cây có vị đắng với mong muốn sẽ gặp may mắn trong năm mới. Trong đó, món ăn truyền thống trong mâm cỗ đầu năm là cơm trộn thịt, sữa nóng và các loại bánh ngọt. Khi chế biến các món ăn trong những ngày tết, người Ấn Độ thường nêm gia vị nhiều gấp đôi so với ngày thường, bởi họ tin rằng nhờ vậy mà thức ăn sẽ giúp xua đuổi ma quỷ và cái ác.

Hàn Quốc

Ngày tết năm mới (còn gọi là lễ Seollal) ở Hàn Quốc cũng kéo dài 3 ngày, được coi là dịp đoàn tụ gia đình. Những người làm ăn xa thường dùng 3 ngày nghỉ này để về quê thăm cha mẹ và họ hàng, thực hiện các nghi lễ truyền thống với tổ tiên và các bậc cao niên trong gia đình. Thứ không thể thiếu trên mâm cơm ngày đầu năm ở Hàn Quốc là Tteokguk . Đây là món ăn truyền thống rất giàu dinh dưỡng của người dân xứ sở kim chi, nguyên liệu gồm bánh gạo Hàn Quốc cắt hình bầu dục nấu với thịt bò và rong biển. Ăn Tteokguk vào ngày đầu năm có ý nghĩa là “thêm một tuổi”, người Hàn Quốc cầu mong một năm mới dồi dào sức khỏe và may mắn trong công việc. Vào ngày tết, trẻ em Hàn Quốc trong trang phục truyền thống Hanbok thực hiện nhiều nghi thức cúi chào và chúc sức khỏe ông bà, cha mẹ, anh chị để được nhận những phong bao lì xì may mắn.

Trung Quốc

Ngày tết Trung Hoa cũng chính là ngày đầu tiên của tháng đầu tiên trong năm âm lịch, là dịp để các thế hệ trong gia đình sum họp và cùng nhau thưởng thức bữa cơm với nhiều món ăn truyền thống mang ý nghĩa cầu may mắn, tài lộc trong năm mới. Ấm thực của người Trung Quốc rất phong phú và đa dạng nên trong mâm cơm đầu năm của họ cũng phải có ít nhất 9 món ăn truyền thống (theo phong thủy Trung Quốc, số 9 có nghĩa là vĩnh cửu, tượng trưng cho sự may mắn và trường thọ). Trong đó, hấp dẫn nhất là những món bánh làm từ gạo nếp như bánh tổ, sủi cảo, há cảo, bánh bao (màng thầu)… Bánh sủi cảo có hình bán nguyệt, giống hình dáng quan tiền của người Trung Quốc cổ nên thường tượng trưng cho sự may mắn và no đủ quanh năm. Theo phong tục, sủi cảo thường chế biến vào thời điểm trước giao thừa và được mang ra thưởng thức vào lúc nửa đêm, ngay sau thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Đặc biệt, trên bàn tiệc đãi khách những ngày tết của người Trung Quốc ngày nay không thể thiếu món vịt quay Bắc Kinh, một trong những món ăn trứ danh của vua chúa và quý tộc ngày xưa, được xuất hiện từ thế kỷ 15 và trở thành một trong những thương hiệu nổi tiếng của ẩm thực Trung Quốc.

Lào

Người Lào đón Tết cổ truyền Songkran từ ngày 14 đến 16 tháng 4 dương lịch. Món ăn truyền thống của người Lào là lạp, là món ăn đặc trưng không thể thiếu trong các dịp lễ hội, đặc biệt là Tết Songkran. Nguyên liệu chính để làm món lạp là thịt gà hay thịt bò băm nhỏ trộn với thính, các loại gia vị và thảo mộc, thường dùng chung với cơm nếp và rau thơm. Theo ngôn ngữ Lào, lạp có nghĩa là lộc, là vận may, vì vậy mà những người làm kinh doanh thường rất coi trọng món ăn này trong những ngày đầu năm với mong muốn tài lộc dồi dào. Người Lào cũng dùng món lạp để biếu tặng bạn bè và người thân với lời chúc làm ăn phát đạt trong năm mới.

Campuchia

Người Campuchia đón Tết truyền thống Chaul Chnam Thmey vào giữa tháng 4 dương lịch hàng năm. Món ăn đặc trưng  trong ngày tết của người Campuchia là món cà ri ăn kèm với cơm nóng. Trong ngày đầu năm mới, mỗi gia đình cử một người đại diện mang thức ăn lên chùa để nhờ các nhà sư làm lễ cúng tổ tiên, sau đó cả nhà cùng nhau thưởng thức món ăn. Ngoài món chính là cari, trong dịp tết, người Campuchia cũng gói các loại bánh với nguyên liệu chính là nếp và đậu tương tự như bánh tét và bánh ít ở Việt Nam.

Phương Lan



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đặc sắc mâm cỗ ngày tết ở các nước châu Á