Theo dõi trên

Nhạc “nền” trong học online 

23/10/2021, 10:01

BTO- Gâu gâu, ò ó o, thậm chí cạp cạp của tiếng vịt, là hàng loạt những âm thanh “nhạc” nền trong lớp học online bất đắc dĩ vì dịch bệnh, chưa kể tiếng chim hót, tiếng con cái và người thân của thầy cô. Đây là một trong những bất cập của việc học online, thầy cô và học sinh đang mong muốn sớm trở lại trường.

Mất tập trung 

Nếu không có dịch bệnh Covid-19 thì hiện nay học sinh các cấp tung tăng đến trường, cùng thầy cô giải quyết những bài tập khó ở lớp hoặc khóa học thêm.Tuy nhiên, vì dịch bệnh nên tất cả ở nhà chống dịch, giải quyết chương trình học qua online. Có nghĩa cô trò tương tác qua trực tuyến bằng phần mềm Zoom. Phần mềm Zoom là một nền tảng hội họp trực tuyến, cho phép nhiều người được kết nối với nhau không giới hạn khoảng cách qua thiết bị thông minh. 

Ngoài học online chính khóa ở trường thì các em còn đăng ký học online thêm ở các trung tâm và thầy cô để đảm bảo kiến thức cho những kỳ thi sắp tới. Đây cũng là nhu cầu của các em hoặc phụ huynh học sinh, nhất là bậc THCS và THPT. Cả học thêm và học chính khóa online đều bất tiện, thầy cô không thể truyền tải đủ khối lượng kiến thức cần thiết như học trực tiếp cho các em. Đặc biệt khi học online dễ mất tập trung do tác nhân bên ngoài. Cụ thể, tiếng ồn từ đồng môn không tắt micro, môi trường dạy của thầy cô không đảm bảo. Nhiều em học sinh chia sẻ, khi đang học, thầy cô nhắc nhở các bạn tắt micro cho khỏi ồn ào, nhưng được vài phút rồi có bạn lại mở. Em Gia Hưng – học sinh lớp 11 một trường THPT trên địa bàn thành phố kể: “Có khi tụi em còn nghe tiếng chim hót, chó sủa, gà gáy, vịt, heo kêu của nhà thầy cô”.  Em Tùng Phát – học sinh một trường THCS cho biết, chúng em còn nghe con của thầy cô  khóc, chúng cãi nhau, hát karaoke... 

Học online nhiều bất tiện

Những tiếng ồn ấy như những “bản nhạc nền” đa dạng trong lớp học online, cứ diễn ra chưa thể cải thiện. Bởi các em còn nhỏ chưa ý thức, thường quên tắt micro. Điều này không chỉ các em mà người lớn cũng vấp phải, thể hiện trong các khóa học nghiệp vụ online mùa dịch của cán bộ, công chức, thầy cô. Do điều kiện cuộc sống của mỗi thầy cô khác nhau, có thầy cô khó khăn phải chăn nuôi thêm cải thiện cuộc sống gia đình; môi trường sống chung quanh ồn ào, ảnh hưởng việc học online. 

Mong đến trường 

Cô Nguyễn Hạnh – giáo viên một Trường THCS chia sẻ: “Tôi cũng đang có con học online. Vừa rồi cháu lớn của tôi trò chuyện, nhà cô giáo có em bé, bọn con nghe gì mà pha sữa bao nhiêu muỗng, cả lớp cười ồ”. Cô Hạnh cũng giật mình nghĩ bản thân cũng đang dậy học trò trong môi trường không đảm bảo. Cô kể: nhà mình không có phòng học riêng, 3 mẹ con, mỗi người ngồi một vị trí học. Tiếng ồn ào không chỉ trong nhà mà còn ngoài đường, nhà hàng xóm. Biết là bất tiện cho việc dạy online, ảnh hưởng việc học của các em, nhưng không còn cách nào hơn”. Ngoài tiếng ồn, không thể quản lý được học sinh. Khi chúng tắt “Cam”, có học hay không, không thể biết. 

Học online bất tiện, không chỉ tiếng ồn gây mất tập trung mà còn khó quản lý khi các em tắt “Cam”. Thầy cô, học trò không phải ai cũng có điều kiện cuộc sống tốt nên ai cũng mong muốn được sớm đến trường. Có quan điểm cho rằng, Phan Thiết nói riêng, Bình Thuận nói chung dịch bệnh không đến nỗi nặng nề như các tỉnh, thành khác. Chúng ta vẫn có thể cho học sinh trở lại trường học tập trong điều kiện thích ứng với bệnh dịch. Một giáo viên Trường THCS Nguyễn Du cho biết: “Trong thời gian chờ vắc xin. Chúng ta vẫn có thể tổ chức học trong điều kiện 5K. Thay vì học 45 phút, thì rút xuống học 30 phút, học liên tục không giờ ra chơi. Chia ca học, thuận lợi hơn để đảm bảo 5K trong lớp học. Những em nào thuộc vùng đỏ không đi học được thì khi dỡ phong tỏa, các em được học bù vào cuối tuần. Thầy cô trong tổ chia nhau ra dạy cho các em”. Thầy Nguyễn Hoàng Khuyết – Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập chia sẻ, học online rất bất tiện, thầy cô cũng như học sinh mong muốn tới trường sớm. Tình hình dịch bệnh hiện nay chưa biết khi nào hết dịch, chỉ bằng cách tiêm vắc xin và sống chung. Nhưng dù tiêm đủ 2 mũi, không có nghĩa miễn nhiễmvới dịch. Vậy nên mong muốn của nhiều thầy cô và học sinh là có lý, ngoài rút ngắn thời gian học thì giờ ra chơi, vào lớp, ra về giữa các khối nên lệch nhau, đảm bảo 5K của Bộ Y tế.

Tuy vậy, cái khó nhất là quản lý học sinh như thế nào khi các em ra khỏi trường. Việc đưa đón không dễ vì gia đình học sinh không phải ai cũng có quỹ thời gian dành cho con cái. Đây là mối quan tâm của các cấp ngành, của nhà trường, gia đình, cả xã hội chung tay giải quyết. Bởi dịch bệnh đã làm thay đổi cuộc sống, phụ huynh không thể không quan tâm nếu không muốn con mình nhiễm bệnh, ảnh hưởng học tập… 

Ninh Chinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhạc “nền” trong học online