Theo dõi trên

Dạy học ứng phó với đại dịch

12/10/2021, 08:15

Bài 2: Sóng và máy tính cho em

BT- Để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tỉnh nhà có điều kiện học trực tuyến hiệu quả theo tinh thần “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học” do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, UBND tỉnh đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh đoàn vận động doanh nghiệp tài trợ máy tính bảng cho học sinh khó khăn.

 Hỗ trợ máy tính cho học sinh khó khăn

Theo thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh hiện có hơn 43.000 học sinh THCS và THPT không có thiết bị để học trực tuyến (trong đó THCS có hơn 23.000 em, THPT trên 2.000 em). Ngoài ra, một số khu vực nhà trường, nhất là vùng sâu, vùng xa không có internet, sóng 3G, 4G có nhưng yếu, chập chờn khó để phục vụ học tập trực tuyến. Chương trình “Sóng và máy tính cho em” là một trong những hoạt động của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện Chỉ thị số 24 ngày 3/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu giáo dục, đào tạo ứng phó với dịch Covid-19.

Ông Phan Đoàn Thái – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: UBND tỉnh đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” trên địa bàn toàn tỉnh để huy động tất cả các nguồn lực hỗ trợ cho ngành giáo dục trong giai đoạn khó khăn này. Theo đó, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Sóng và máy tính - Hội Khuyến học tỉnh là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai thực hiện. Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được xây dựng và triển khai với mục đích hỗ trợ các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh đang ở vùng dịch Covid-19 có điều kiện để học tập trực tuyến hiệu quả. Chương trình ưu tiên hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những học sinh, học viên có hoàn cảnh khó khăn.

Theo ông Thái, trước  đó Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai các trường vận động trong cán bộ, giáo viên của mình cho học sinh mượn máy tính cũ để hỗ trợ các em học tập. Bên cạnh đó, một số tổ chức, đoàn thể đã chủ động triển khai vận động các doanh nghiệp, tổ chức trao tặng máy tính bảng cho học sinh khó khăn có điều kiện để học trực tuyến. Mới đây, Tỉnh đoàn đã vận động trao tặng 40 chiếc máy tính bảng trị giá gần 150 triệu đồng cho học sinh bậc THCS thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mồ côi tại xã Hòa Thắng (huyện Bắc Bình). Em Nguyễn Duy Minh Quân – lớp 8 Trường THCS Hòa Thắng chia sẻ: “Gia đình em thuộc hộ cận nghèo, điều kiện kinh tế rất khó khăn nên ba mẹ không có tiền để mua máy tính cho em học trực tuyến. Được nhận hỗ trợ máy tính bảng của Tỉnh đoàn trao tặng em rất vui, từ nay em sẽ được học trực tuyến như các bạn. Em rất cảm ơn chương trình và sẽ cố gắng học tập để không phụ lòng các cô chú đã quan tâm giúp đỡ em”.

 Phủ sóng internet

Ngoài việc hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng dịch thiết bị học trực tuyến, chương trình “Sóng và máy tính cho em” còn góp phần hướng tới phủ sóng internet ở những vùng chưa có sóng và nâng cao chất lượng sóng nhằm mục tiêu ứng dụng phát triển khoa học trong giáo dục, nâng cao dân trí, mở mang tri thức xã hội và nhất là phát triển xã hội số, chuyển đổi số.

Để đảm bảo chất lượng dịch vụ đường truyền internet (băng rộng cố định và băng rộng di động 3G, 4G) tốt nhất, hỗ trợ ngành giáo dục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy và học trực tuyến nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, ứng phó với đại dịch Covid-19 tại tỉnh ta. Sở Thông tin và Truyền thông đã có văn bản đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông di chuyển trong địa bàn quản lý để thực hiện việc đo kiểm, giám sát chất lượng dịch vụ viễn thông. Triển khai lắp đặt hạ tầng mạng truyền dẫn, phát sóng và khắc phục sự cố, ứng cứu hạ tầng viễn thông trong các vùng, khu vực chưa đảm bảo phủ sóng internet, 3G, 4G nhằm phục vụ nhu cầu giảng dạy và học tập trực tuyến của các giáo viên và học sinh trên toàn tỉnh. Cùng với đó đề nghị các doanh nghiệp viễn thông rà soát, triển khai các giải pháp nhằm phủ sóng và nâng cao chất lượng sóng di động 3G, 4G, internet tại các khu vực thôn, xóm chưa có sóng di động, sóng yếu hoặc chưa có hạ tầng cáp quang truy cập internet tốc độ cao. Có chính sách hỗ trợ giáo viên và học sinh tham gia giảng dạy và học trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Triển khai các giải pháp, nền tảng dạy và học trực tuyến và hướng dẫn về sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến của các doanh nghiệp. Xem xét, miễn giảm giá cước truy cập internet cho học sinh và giáo viên, giá cước sử dụng giải pháp phục vụ giáo dục, đào tạo và quản lý giáo dục cho các nhà trường, giá dịch vụ thuê máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học.

Hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông đã triển khai các hoạt động thiết thực nhằm chung tay cùng toàn xã hội hỗ trợ cho học sinh có điều kiện học trực tuyến trong tình hình dịch bệnh. Điển hình VNPT, VinaPhone Bình Thuận đã triển khai chương trình hỗ trợ học trực tuyến cho học sinh toàn tỉnh. Trong tháng 9/2021 VNPT, VinaPhone Bình Thuận đã hỗ trợ miễn phí 3.200 sim data 4G cho hộ nghèo và hộ cận nghèo có điều kiện truy cập mạng internet cho con em học trực tuyến và cung cấp 700 sim giáo viên với gói cước ưu đãi giảm 50% giá gói truy cập 4G. Đồng thời, phụ huynh học sinh được lắp đặt miễn phí internet, được tặng 35% gói cước sử dụng hàng tháng và được hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong suốt quá trình sử dụng. Tổng trị giá hỗ trợ của chương trình trên 500 triệu đồng.

Với sự quan tâm kịp thời của tỉnh, sự chung tay góp sức của toàn xã hội, tin tưởng rằng chương trình “Sóng và máy tính cho em” sẽ vận động được nhiều nguồn lực để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh có điều kiện hoàn thành chương trình học tập do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.               

Thanh Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dạy học ứng phó với đại dịch