Theo dõi trên

Hỗ trợ ngư dân trong đại dịch

08/10/2021, 08:52

BT- Chưa đầy 1 tháng sau khi được nới lỏng giãn cách xã hội, từ đầu tuần này TP. Phan Thiết lại phải áp dụng Chỉ thị 16 tại hàng loạt phường - xã, do phát sinh hàng trăm ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng mà chưa rõ nguồn lây.

Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là hết vụ cá nam, nhưng Cảng cá Phan Thiết bị phong tỏa, ngư dân ở nhiều phường-xã phải tạm dừng đi biển đánh bắt hải sản. Tình hình diễn biến dịch tại TP. Phan Thiết rất phức tạp, khó lường, liên tục xuất hiện nhiều ca nhiễm mới, hình thành nên một số ổ dịch có nguy cơ lây lan rộng, thành phố đã vượt hơn 1.000 ca nhiễm Covid-19. Việc tái lập giãn cách nghiêm ngặt gần như toàn bộ khu vực phía nam sông Cà Ty là điều không ai muốn, nhưng không thể làm khác được.

TP. Phan Thiết là trung tâm nghề cá lớn của Bình Thuận, có hơn 2.000 tàu cá và hàng vạn lao động biển, cùng nhiều nhà máy, cơ sở chế biến hải sản xuất khẩu và tiêu thụ nội địa có đông công nhân. Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng mạnh tới chuỗi cung ứng khai thác - chế biến - tiêu thụ hải sản, mà còn tác động trực tiếp đến miếng cơm manh áo của bà con ngư dân Phan Thiết. Từ chuyện giá bán hải sản giảm mạnh, đến những tháng ngày nằm bờ thất nghiệp và cảng cá đóng cửa đìu hiu.

Năm nay dù nghề biển gặp khó khăn đủ bề, giá hải sản giảm mạnh trong khi chi phí dầu, đá, nhu yếu phẩm chuyến biển tăng cao, cộng thêm chi phí test nhanh cho lao động… nhưng bà con ngư dân Phan Thiết vẫn kiên trì bám biển trong suốt vụ cá nam. Rất nhiều ngư dân trở về sau chuyến biển dài ngày đã không lên bờ về thăm vợ con, họ “tự cách ly” ở lại thuyền để tiếp tục vươn khơi bám biển. Nay một bộ phận lớn ngư dân phải tạm dừng đi biển, cuộc sống của nhiều gia đình lao động biển sẽ gặp khó khăn hơn.

Ở một trung tâm nghề cá lớn khác của Bình Thuận là thị xã La Gi, sau gần 2 tháng phải nằm bờ để phòng chống dịch ngay chính vụ cá nam, từ ngày 9/9 La Gi đã cho tàu thuyền công suất lớn hoạt động trở lại. Bà con ngư dân rất phấn khởi, tranh thủ vươn khơi bám biển khai thác trong tháng cuối của vụ cá nam, để tăng thu nhập và tăng sản phẩm cho xã hội. Nghề cá hồi sinh kéo theo nhiều ngành - nghề liên quan khác trong chuỗi cung ứng từ khai thác - hậu cần - thu mua - chế biến - tiêu thụ hải sản ở vựa cá sầm uất này. Cảng cá La Gi nhộn nhịp trở lại, ngư dân vừa sản xuất vừa lo phòng chống dịch Covid-19, cầu mong dịch bệnh đừng trở lại để bà con được yên ổn làm ăn.

Ngư dân là một trong các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp vì dịch Covid-19, nhưng trong các nhóm đối tượng được hỗ trợ trong gói 62.000 tỷ đồng và 26.000 tỷ đồng của Chính phủ (năm ngoái và năm nay) không có “ngư dân”. “Đồng hành cùng ngư dân trong đại dịch”, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, cùng nhiều ban, ngành, đoàn thể, Mặt trận, mạnh thường quân đã đến các cảng cá trao tặng nhiều suất quà cho các ngư dân khó khăn.

Trong đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận trước kỳ họp thứ 2, cử tri ở nhiều vùng ven biển đã kiến nghị tăng tốc độ tiêm vắc xin cho nhân dân, trong đó có bà con ngư dân vùng biển; xem xét bổ sung ngư dân gặp khó khăn vào diện được nhận hỗ trợ của Chính phủ…

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hỗ trợ ngư dân trong đại dịch