Theo dõi trên

Sự cấp thiết trong phát triển thương mại điện tử

07/10/2021, 07:35 - Lượt đọc: 3,012

BT- Như chúng ta đã biết, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) đang ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia, các chuỗi cung ứng cũng đang dần thay đổi theo hướng hiện đại hơn khi có sự hỗ trợ từ số hóa và công nghệ thông tin. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, thị trường TMĐT đang trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, mang đến cơ hội mới trên cơ sở làm thay đổi thói quen mua hàng của người tiêu dùng, chuyển từ thói quen mua hàng truyền thống sang mua hàng qua TMĐT.

Nhìn lại chặng đường phát triển của TMĐT vào năm 2020 cho thấy, do dịch Covid-19 nên số người mới tham gia sử dụng dịch vụ trực tuyến tăng rất cao. Số lượng doanh nghiệp và cá nhân thực hiện thủ tục thông báo và đăng ký website thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh cũng tăng nhanh trong những năm vừa qua. Chúng ta phải khẳng định rằng, hiện nay Internet trở thành công cụ quan trọng của doanh nghiệp để trao đổi thông tin, giao dịch kinh doanh, mua bán vật tư nguyên liệu cho sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm do doanh nghiệp tạo ra phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng, có website riêng để giới thiệu về doanh nghiêp, về các mặt hàng, các dịch vụ kinh doanh. Nhiều sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là các nông sản hàng hóa do các hộ nông dân sản xuất, nhiều loại rau, củ, quả, lương thực, thực phẩm, nhờ được đưa lên mạng giới thiệu, quảng bá, tiếp thị đã được xuất khẩu đến nhiều nước. Mua, bán hàng qua mạng đã trở nên phổ biến đối với người dân, nhất là ở thành phố, thị xã và giới trẻ. Thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn kết nối các sàn TMĐT để tiêu thụ thanh long, bởi với sản lượng ước tính trong năm khoảng 698.029 tấn. Nhờ đó phần lớn tỷ trọng tiêu thụ dự kiến xuất khẩu thanh long sang các nước châu Âu và châu Á khoảng 80%, tiêu thụ trong nước tại các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại miền Nam và miền Bắc còn khoảng 20%.

Qua giao dịch hàng hóa bằng TMĐT còn là cơ hội tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá mạnh mẽ hình ảnh, thương hiệu thanh long Bình Thuận đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Với mục tiêu tổ chức, triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2025, đạt các mục tiêu đề ra và đạt mức khá so với mục tiêu chung của cả nước về ứng dụng TMĐT, hỗ trợ và thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Sở Công Thương là cơ quan thường trực, thường xuyên theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, địa phương liên quan đến việc triển khai thực hiện và phối hợp chặt chẽ với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả nội dung kế hoạch. Hàng năm xây dựng, tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn ngắn hạn cho doanh nghiệp về TMĐT theo các chủ đề chuyên sâu, phù hợp với địa phương và lĩnh vực kinh doanh. Đào tạo lực lượng cán bộ chuyên trách về TMĐT ở địa phương có chuyên môn sâu đáp ứng được công tác quản lý nhà nước về TMĐT và đăng ký tham gia triển khai các chương trình, đề án của Bộ Công Thương về TMĐT.

 Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động TMĐT hiện nay vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Các công ty TMĐT phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, chưa đủ tiềm lực đầu tư nghiên cứu thị trường, thị hiếu khách hàng và chăm sóc khách hàng, yếu thế trong cạnh tranh với doanh nghiệp TMĐT nước ngoài. Dịch vụ logistics trong TMĐT vẫn là khâu yếu và quyền lợi người tiêu dùng chưa được bảo đảm, người tiêu dùng thiếu lòng tin vào TMĐT. Những vi phạm liên quan tới hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng trở nên tinh vi thông qua TMĐT... Do vậy mục tiêu đặt ra thời gian tới là phải hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng. Thu hẹp khoảng cách giữa thành phố và các địa phương về mức độ phát triển TMĐT. Xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững. Mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa thông qua ứng dụng TMĐT, đồng thời đẩy mạnh giao dịch, thương mại điện tử xuyên biên giới.

Để đạt được những yếu tố trên đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải có các giải pháp nhằm phát triển TMĐT ở tỉnh ta hiện nay, trong đó nhấn mạnh giải pháp phát triển hạ tầng công nghệ, công khai thông tin hàng hóa, người mua trên sàn TMĐT, minh bạch hóa thông tin cho người tiêu dùng, phòng chống gian lận thương mại góp phần vào việc xây dựng thị trường TMĐT an toàn, lành mạnh. Khuyến khích cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện mua bán, giao dịch điện tử qua các trang chính thống, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhằm tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Đồng thời nâng cao nhận thức cho người dân trong thực hiện mua bán, giao dịch điện tử để tránh bị lừa hoặc mua phải hàng kém chất lượng.

THANH QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sự cấp thiết trong phát triển thương mại điện tử