Theo dõi trên

Làm nông thời đại dịch

21/09/2021, 08:00

BT- Chi phí chăm sóc cây trồng cao, nông sản khó tiêu thụ, nhưng vẫn phải duy trì tái đầu tư. Chưa bao giờ người nông dân cảm thấy sản xuất bấp bênh khó khăn như hiện nay, khi dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Nông dân Đông Tiến trông chờ vào vụ bắp (ảnh tư liệu).

Nỗi lo

Những ngày dịch bệnh hoành hành, chúng tôi đến các vùng quê, nơi có những nông dân “một nắng hai sương” cần mẫn sản xuất nông sản với mong muốn được mùa, được giá. Nhưng thấy ai cũng buồn vì dịch Covid-19 kéo dài khiến nông sản mất giá. Cụ thể, thanh long, sầu riêng, mít, ổi... nuôi trồng thủy sản đều mất giá, thua lỗ do hạn chế đầu ra, thậm chí cả măng rừng không ai mua hoặc có người mua thì trả với giá rất rẻ chỉ 3.000 đồng/kg. Chị K’Thị Bé, thôn 3, xã Đông Tiến (Hàm Thuận Bắc) chia sẻ: “Mình đi rừng xắn măng về bán nhưng ít ai mua vì dịch Covid-19 phải giãn cách xã hội, không có người miền xuôi lên mua. Khi chưa có dịch bệnh thì đi rừng, ai thuê gì làm nấy nhưng dịch bùng phát mọi thứ như đóng băng nên cuộc sống khó khăn”. Lãnh đạo xã Đông Tiến không giấu nổi nỗi lo cho hay, cứ tình hình dịch này thì đồng bào rất khó khăn, hiện đang trông chờ vào vụ bắp, nếu mất giá thì không biết sẽ ra sao.

Với thanh long cũng chỉ vài ngàn đồng/kg, có trường hợp thương lái đồng ý với giá 10.000 đồng/kg, gia đình vui mừng cắt bán, đến khi họ đến chỉ lựa mua những trái to đẹp. Đây không phải là trường hợp duy nhất mà còn nhiều trường hợp trồng thanh long nhỏ lẻ khác cũng vậy. Với lúa thì giữ giá 6.000 - 7.000 đồng/kg, nhưng tính công chăm sóc, chi phí phân, thuốc thì không còn lời. Bà Nguyễn Thị Sen – một nông dân huyện Bắc Bình chia sẻ: “Hầu hết nông sản đều mất giá, chỉ còn lúa là giữ giá, nhưng trừ chi phí chăm sóc thì chẳng đáng là bao. Giá phân năm trước có loại chỉ hơn 350.000 đồng/bao 50kg, hiện nay hơn 600.000 đồng/bao”. Nhiều cửa hàng bán vật tư nông nghiệp thừa nhận, từ đầu năm đến nay vật tư nông nghiệp tăng giá. “Phân Urê, DAP, NPK... tăng từ 100.000 - 200.000 đồng/bao, cao hơn so với trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Nông dân đến mua phân, thuốc ai cũng phàn nàn lo lắng, nhưng chúng tôi chỉ biết giải thích nhập sao thì bán vậy. Một bao phân 50kg, chúng tôi chỉ lời 10.000 - 20.000 đồng...”, chị Lê Thị Giang – chủ một đại lý vật tư nông nghiệp trên quốc lộ 28 huyện Hàm Thuận Bắc cho biết.

 Chấp nhận vượt qua

Những khó khăn ấy không phải là điều khó hiểu, dịch Covid-19 ảnh hưởng mọi mặt đời sống xã hội. Người nông dân không là ngoại lệ, ai cũng phải cố gắng vượt qua, thậm chí chuẩn bị tinh thần sống chung với dịch bệnh, chấp nhận những khó khăn. Nhiều người đang có suy nghĩ tự cứu mình bằng cách “hà tiện” chi tiêu để ổn định cuộc sống thường ngày. Cô Nguyễn Thị Diệp ở thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình thổ lộ: “Cuộc sống người làm nông luôn thiếu trước hụt sau, bây giờ ảnh hưởng dịch bệnh càng khó khăn hơn. Nhất là những hộ có điều kiện kinh tế khó khăn. Nhiều hộ không có tiền mua phân, thuốc về chăm sóc cây trồng thì nợ các đại lý, khi thu hoạch nông sản bán đi trả nợ. Nhà tôi có hơn 1 mẫu đất trồng lúa và hoa màu thỉnh thoảng cũng như vậy, mọi chi tiêu trong gia đình tiết kiệm hết sức có thể”.

Ông Nguyễn Văn Tâm – Chủ tịch UBND xã Hàm Phú (Hàm Thuận Bắc) chia sẻ: Khó khăn nhất hiện nay của nông dân là giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nông sản mất giá, khó tiêu thụ. Nguyên nhân ai cũng biết và không còn cách nào khác ngoài việc phải chấp nhận. Chỉ khi công tác phòng chống dịch bệnh được kiểm soát tốt mới mong đến chuyện tiêu thụ nông sản thuận lợi, khi đó cuộc sống của những người làm nông mới bớt khó khăn.

Ninh Chinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm nông thời đại dịch