Theo dõi trên

Đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh đại dịch Covid-19

21/09/2021, 07:32

BT- Trước những diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 trong suốt 2 năm qua, đảm bảo an ninh lương thực đã và đang trở thành vấn đề cấp thiết đối cả nước nói chung và tỉnh Bình Thuận riêng. Bởi lẽ, an ninh lương thực là một trong những yếu tố sống còn đối với sự thành bại của việc thực thi các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), đặc biệt là xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sức khỏe và phúc lợi cộng đồng.

Đây cũng là chìa khóa quan trọng quyết định xu hướng tăng trưởng kinh tế và quá trình chuyển đổi nông nghiệp tại một số địa phương. Đại dịch Covid-19 đã khiến tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục và làm chuỗi cung ứng thực phẩm bị phá vỡ, đẩy thêm rất nhiều người rơi vào cảnh đói nghèo. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giá lương thực tăng mạnh là do lượng nhập khẩu lương thực cơ bản tăng mạnh vào năm 2020, chi phí nhập khẩu tăng lên và một số nguyên nhân khác. Mới đây, phát biểu tại Hội nghị trù bị cho Hội nghị thượng đỉnh Hệ thống lương thực thế giới, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định: Việt Nam sẽ tích cực tham gia thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm toàn cầu với tư cách là quốc gia cung cấp lương thực thực phẩm “minh bạch, trách nhiệm, bền vững”. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng của nông nghiệp với biến đổi khí hậu, tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường, xuất khẩu, chuỗi giá trị toàn cầu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi các hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng xanh, ít phát thải và bền vững... Phải khẳng định rằng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, nhu cầu một số mặt hàng nhu yếu phẩm, trong đó có gạo ở địa phương chúng ta đang tăng mạnh. Tỉnh Bình Thuận hiện vẫn còn nhiều khó khăn, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, làm ảnh hưởng đến sản xuất lương thực, cơ sở hạ tầng vùng sản xuất còn thiếu và yếu, các nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế, nguồn nhân lực còn chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhưng với sự nỗ lực của các cấp, ngành và nhân dân, vai trò đảm bảo an ninh lương thực trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đã ngày càng được nâng cao. Đặc biệt là trong giải quyết các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Điều đáng mừng nữa là, tỉnh Bình Thuận hiện đã quy hoạch đất lúa được giữ vững gắn với việc đầu tư và phát huy hiệu quả về thủy lợi góp phần mở rộng diện tích sản xuất, các biện pháp thời vụ được chỉ đạo kịp thời, đầu tư thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, tổ chức phòng chống dịch bệnh hiệu quả nên sản lượng lương thực có hạt hàng năm đều tăng cao. Bên cạnh đó, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực, qua đó giúp cho nông dân có cơ hội, điều kiện để thâm canh, tăng vụ, rút ngắn thời gian gieo trồng. Kết quả, năng suất, chất lượng một số cây trồng chủ lực, lợi thế của tỉnh, nhất là cây lúa, cây thanh long, cây thực phẩm tăng cao. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, từng bước phát triển theo hướng an toàn, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm của nhân dân trong tỉnh. Tỉnh cũng đã xác định, vấn đề an ninh lương thực có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn mới, chính vì thế tỉnh Bình Thuận đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 và năm 2030, toàn tỉnh đảm bảo đủ nguồn cung cấp lương thực với sản lượng cao hơn tốc độ tăng dân số của tỉnh.

Để đạt mục tiêu đề ra, trong những năm tiếp theo tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển các ngành, sản phẩm nông nghiệp, đồng thời thông qua quy hoạch chung của tỉnh thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành, sản phẩm nông nghiệp với quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chú trọng quy hoạch các vùng sản xuất lương thực tập trung, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo giữ ổn định diện tích lúa đến năm 2030, làm cơ sở để phát triển sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực địa phương. Đồng thời tiếp tục rà soát, triển khai kịp thời, đúng quy định các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Ưu tiên đầu tư hạ tầng các vùng sản xuất lương thực, thực phẩm tập trung. Đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi bức xúc, đồng thời đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra bước đột phá về chất lượng sản phẩm lương thực, thực phẩm… 

THANH QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh đại dịch Covid-19