Theo dõi trên

Đường về xa lắm ai ơi!

09/09/2021, 14:40

BT- Không người thân, gần 20 năm lưu lạc. Mái tóc giờ đã bạc trắng. Trong những ngày giãn cách, cụ ngồi ở cửa phòng xa xăm, trong sự thiếu thốn. Mấy ai có thể hình dung, đời một con người đang bế tắc ở nơi không phải quê hương mình, mà đường về thì xa lắc…

Chiếc xe bán bánh – người bạn tâm giao cuối đời.

20 năm lưu lạc

Từ thông tin của chị Hòa, chủ dãy phòng trọ ở hẻm 248 Thủ Khoa Huân, phường Phú Thủy - TP. Phan Thiết. Dãy phòng trọ có vỏn vẹn 3 phòng. Ở đó, có người đàn bà đã 81 tuổi, tóc bạc trắng. Khắc khổ bởi những nếp chai sần trên gương mặt. Cụ là Lê Thị Lễ (SN 1940). Cụ sinh ra tại TP. Cần Thơ - thủ phủ miền Tây, vậy mà bây giờ chẳng còn chút hồi ức gì về nơi ấy.

Cuộc đời cụ Lễ, lý ra cũng yên ấm lắm, từng có một mái ấm gia đình. Đi kinh tế mới ở Pleiku, cụ Lễ có 2 đời chồng với 6 đứa con, nhỏ nhất năm nay đã hơn 40 tuổi. Chồng mất, những tưởng cụ sẽ được bảo bọc nhưng những điều tưởng chừng như đơn giản ấy, lại không thể. 

Từ Pleiku đến Phan Thiết thoắt cái đã gần 20 năm. Cụ làm đủ thứ nghề để sống: Hồi trước ở trọ dưới Cẩm Xìn (Đức Thắng) làm nghề vú nuôi. Hiền lành, chịu thương, chịu khó nên lúc đó công việc nhiều lắm, làm không xuể, nhưng vẫn cố gắng để kiếm sống. “Hồi đó làm việc, nhiều người thương, bà con quanh xóm trọ cũng hay giới thiệu để đi làm”- cụ nói. Bây giờ lớn tuổi, thỉnh thoảng đau nhức nên cụ Lễ dạt về đây tá túc trong căn phòng trọ nhà chị Hòa gói bánh ít đạp xe đi bán, sống qua ngày. Với chiếc xe đạp cũ, cụ Lễ đạp xe đi khắp nơi lên Phong Nẫm, hái lá, mót củi về nấu bánh. Chẳng ai ngờ, bây giờ cụ vẫn phải nấu bằng cái bếp củi nhỏ xíu, mỗi lần đốt khói mù mịt quanh quẩn bên hiên phòng trọ. Thui thủi trong căn phòng nhỏ hẹp với bộn bề là chiếc chiếu được trải ở góc phòng, chiếc xe đạp cũ, gắn tờ giấy: Bánh ít mặn: 5k/cái, bánh ít ngọt 5k/cái.

Hôm đọc được những thông tin chia sẻ của chị Hòa – chủ phòng trọ, chúng tôi tìm đến. Ngồi ở ngạch cửa phòng trọ, đôi bàn tay chai sần vì những tháng ngày vất vả, gương mặt nhiều nếp nhăn quanh co như đánh dấu cuộc đời trôi dạt tứ phương của cụ Lễ. “Ở đây có 3 phòng à, nhưng ai cũng thương cụ. Vợ chồng chị thấy dịch bệnh khó khăn cũng không lấy tiền nhà, có gì ăn mọi người cũng mang cho” – chị Hòa cho biết.

Xa lắc ngày về

Lúc nào cũng cười, cũng trò chuyện vui vẻ nhưng khi nhắc về gia đình có điều gì đó, vướng bận, ngại nói, và có lúc rướm nước mắt. “Con cụ có ai tìm kiếm, hay cụ muốn về quê không?”- tôi hỏi. Câu hỏi ấy vô tình chạm vào nỗi đau của một người mẹ. Nước mắt bất ngờ rơi xuống. Cụ lắc đầu. Không muốn khơi lại những ký ức đau lòng. “Về quê cũng được, hết dịch về được, thì tôi về…” nhưng câu nói cũng buông lơi giữa chừng, vì biết chắc các con cũng chẳng ai mở vòng tay chăm sóc. Hơn ai hết, người mẹ già này hiểu rõ mình, các con mình, chẳng một lần tìm kiếm. Cụ về quê có phải là cách tối ưu nhất khi tất cả các con đều tìm cách xa lánh và từ chối?!

Câu chuyện của chúng tôi gián đoạn, vì một vài mạnh thường quân tìm đến trao tặng cụ ít tiền và nhu yếu phẩm. Cụ vui ra mặt, nhiều người cũng lo lắng cho cụ Lễ, ở tuổi này nếu quạnh quẽ như vầy chẳng phải là cách tốt nhất. Một người anh quen biết đã hứa sẽ gởi cụ vào Trung tâm Bảo trợ xã hội. Nghe đến đó, cụ Lễ mừng lắm. Những lời động viên trong buổi sáng tinh tươm của một ngày mới, đã mang lại cho cụ Lễ không ít nụ cười. Có lẽ, hy vọng cuối cùng của cụ Lễ là được vào mái nhà chung ở Trung tâm Bảo trợ xã hội, nơi đó sẽ có những người bạn đồng cảm sẻ chia những buồn vui cuối đời.

Câu chuyện cụ Lễ - trong mùa giãn cách khiến người ta sẽ dễ dàng nhìn lại mình, trong thời buổi mà con người tất bật bởi cơm áo. Nó xảy ra giữa những ngày của tháng Vu Lan - mùa để yêu thương và trân trọng những giá trị cơ bản nhất của đời người. Một người mẹ có thể bất chấp tất cả, tất bật trong mưa nắng để nuôi nấng các con thành người, nhưng chưa ai dám chắc những đứa con có thể nuôi nổi một người mẹ những lúc túng quẫn, thiếu hụt yêu thương.

Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đường về xa lắm ai ơi!