Theo dõi trên

Không “like”, không “share” tin sai sự thật

08/09/2021, 13:58

BT- Thời gian vừa qua, cùng với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về dịch bệnh và công tác phòng chống dịch Covid-19 cũng gia tăng. Việc xuất hiện nhiều thông tin giả, tin sai sự thật với số lượng lớn các video clip “tự phát” được phát tán tràn lan trên không gian mạng đã và đang gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội.

Nội dung các tin giả, tin sai sự thật chủ yếu là tung tin sai sự thật về diễn biến dịch bệnh tại các điểm nóng; xuyên tạc về các biện pháp phòng chống dịch bệnh của Đảng, Chính phủ, cơ quan chức năng và các địa phương, như: Thông tin thất thiệt về hình ảnh được cho là “xác chết của bệnh nhân Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh”; thông tin sai sự thật về đoạn tin nhắn được cho là của Bộ Y tế cung cấp thông tin về một nghiên cứu của Singapore cho rằng, dịch Covid-19 là do một loại vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ gây ra đông máu và làm chết người; thông tin có thể điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chống đông máu... Nổi cộm là vụ việc tạo dựng và chia sẻ câu chuyện “bác sĩ Khoa” rút ống thở của người nhà để nhường cho sản phụ...

Đây không phải là lần đầu tiên tin giả về dịch Covid-19 xuất hiện tràn lan trên Internet, mạng xã hội. Theo thống kê của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2020, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 1.000 trường hợp vi phạm trên mạng xã hội về đưa tin sai, bịa đặt về tình hình dịch Covid-19 ở nước ta. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2021, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam đã công bố “dán nhãn” 37 tin giả; cập nhật 38 tin, xử phạt các cá nhân đưa thông tin giả, sai sự thật... Trong đó, các tin giả liên quan dịch bệnh đang là thông tin được cảnh báo và xử phạt hành chính nhiều nhất thời gian gần đây. Tin giả, tin sai sự thật lan đi với tốc độ nhanh chóng do một số người thiếu thông tin, thiếu hiểu biết và thiếu ý thức trách nhiệm đã nhấn các nút “like” (thích), “share” (chia sẻ), làm cho tình hình xã hội thêm phức tạp, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch Covid-19.

Hệ lụy từ tin giả, tin sai sự thật là vô cùng nghiêm trọng, có thể gây khủng hoảng niềm tin, bất ổn xã hội và làm ảnh hưởng lớn đến nỗ lực chống dịch của cả hệ thống chính trị. Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cơ quan chức năng và các địa phương đã có nhiều văn bản chỉ đạo và biện pháp tăng cường xử lý các tin giả, tin sai sự thật về dịch  Covid-19. Gần đây hàng loạt vụ tung tin giả liên quan dịch Covid-19 đã bị cơ quan chức năng ở nhiều địa phương phát hiện, xử lý.

Để góp phần ngăn chặn tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch Covid-19, trong thời gian tới, cần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để chủ động nhận diện được tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch Covid-19. Qua đó, mọi người không nghe theo, không làm theo và không phổ biến, không chia sẻ tin giả làm phức tạp thêm tình hình. Mỗi người khi tham gia mạng xã hội cần tuân thủ các quy định của pháp luật, không tuyên truyền, không chia sẻ những thông tin giả, sai sự thật về tình hình dịch Covid-19. Khi phát hiện tin giả, tin sai sự thật cần kịp thời cung cấp cho cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo pháp luật.

Như Nguyễn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không “like”, không “share” tin sai sự thật