Theo dõi trên

Trường mầm non tư thục “gồng mình” trong đại dịch

06/09/2021, 08:42 - Lượt đọc: 36

BT-  Để phòng chống dịch Covid- 19, các trường học đã buộc phải đóng cửa trong nhiều tháng liền, trong đó có cả những cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) tư thục. Vì không có lương nên các giáo viên tư thục gặp nhiều khó khăn nên cũng thuộc nhóm đối tượng thứ 4 được hỗ trợ…

Ngưng việc do dịch bệnh cuộc sống của giáo viên tư thục chật vật hơn. Ảnh minh họa.

 Có chi không có thu

Suốt hơn 3 tháng qua, Trường mầm non tư thục Ngọc Lan (thôn 6 - xã Đức Tín, huyện Đức Linh) phải đóng cửa vì dịch Covid-19 theo quy định. Những tưởng thời gian trường phải đóng cửa chỉ là 1, 2 tháng như những lần bùng dịch trước đó, đâu ngờ lần này tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chưa biết khi nào mới có thể đón trẻ trở lại trường. Cơ sở đóng cửa, đồng nghĩa với việc không có nguồn thu là học phí, nhưng những chi phí chi trả đóng BHXH, BHYT cho giáo viên, trả nợ cho ngân hàng vẫn tiếp tục. Dù vậy, cơ sở mầm non này đã nỗ lực xoay sở trong khả năng đảm bảo chế độ và động viên “giữ chân” giáo viên, nhưng chỉ được phần nào dù muốn hỗ trợ nhiều hơn thì cũng “lực bất tòng tâm”. “Trường xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2019 nên nguồn kinh phí rất hạn hẹp phải vay mượn thêm ngân hàng. Chúng tôi đóng BHYT, BHXH cho giáo viên tháng 6, tháng 7 bước sang tháng 8 thì không thể trụ nổi và vay vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ vay trả lương ngừng việc hỗ trợ các cô. Thêm khoản nợ lại thêm lo lắng bởi không biết dịch khi nào kết thúc, trong khi còn rất nhiều khoản chi phí phải chi trả, tiền lãi, đáo hạn ngân hàng”, bà Phạm Thị Ngọc Lan – Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Ngọc Lan chia sẻ. Là trường mầm non tư thục ở xã miền núi còn khó khăn, phần lớn là con em các gia đình làm công nhân, lao động nghèo. Dịch bệnh đã tác động sâu sắc đến đời sống giáo viên của trường vì dừng việc, cơ sở không có tiền để trả lương, việc hỗ trợ không đáng kể, cuộc sống của giáo viên nơi đây rất chật vật. “Cơ sở có 6 lớp với 13 giáo viên, đến nay 2 cô đã báo xin nghỉ việc. Nhiều cô tâm sự không biết có trụ được với nghề để đợi ngày đón học sinh quay lại trường hay không vì quá khó khăn”, bà Lan cho biết thêm.

Dịch Covid-19 kéo dài tác động không nhỏ đến các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở GDMN tư thục. Trong khi cơ sở giáo dục của cấp học khác vẫn thu được học phí do tổ chức giảng dạy và học tập trực tuyến, còn cơ sở GDMN thì ngay lập tức rơi vào tình trạng “đóng băng” khi đặc thù đối tượng chăm sóc và dạy học quá nhỏ, không thể dạy học trực tuyến. Hơn 3 tháng tạm dừng hoạt động không có nguồn thu với vô vàn khó khăn, thế nhưng nhiều cơ sở vẫn đang “gồng mình” vượt khó hỗ trợ lương cho giáo viên, nhân viên và các chi phí khác duy trì hoạt động… với hy vọng một ngày không xa dịch bệnh qua đi sẽ được hoạt động trở lại. Cùng hoàn cảnh, hiệu trưởng của một trường mầm non tư thục ở phường Xuân An (thành phố Phan Thiết) buồn bã nói: “Do ảnh hưởng của dịch bệnh, cơ sở mầm non tư thục của tôi rất khó khăn khi ngưng hoạt động 20 lớp học với tổng giáo viên và nhân viên 40 người mất việc làm. Chúng tôi đã nỗ lực làm mọi cách để duy trì hoạt động, chỉ mong dịch bệnh sớm được kiểm soát để cơ sở được hoạt động trở lại, đảm bảo công tác nuôi dạy trẻ và ổn định cuộc sống các cô giáo”. 

 Giáo viên chật vật mưu sinh

Không có mức lương ổn định như các giáo viên trường công lập, các giáo viên mầm non tư thục với đồng lương vốn đã ít ỏi nay gần như không còn đồng nào, chỉ trông chờ vào các chính sách hỗ trợ. Vì vậy, hàng loạt cô giáo đã phải chật vật kiếm làm thêm đủ nghề trong những ngày không đứng lớp. Cô Trần Thị Mến - là giáo viên Trường mầm non Ngọc Lan (xã Đức Tín, Đức Linh) 3 năm gắn bó với nghề không tưởng tượng nổi có ngày phải nghỉ việc không lương như thời điểm này. “Dạy trường tư, từ tháng 5 đến nay học sinh không đến lớp đồng nghĩa không có lương, trường cũng không có quỹ để hỗ trợ giáo viên nên cuộc sống rất khó khăn”, Mến nói. Trước đây, ngày nào Mến cũng đều đặn có mặt trước 7 giờ sáng và rời trường khi học sinh cuối cùng của lớp được bố mẹ đón dù có vất vả nhưng mỗi tháng Mến đều có thu nhập để lo cho 2 con nhỏ. Không chỉ bản thân mất việc, chồng Mến làm công nhân ở Đồng Nai – địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội cũng mất việc, cả nhà rơi vào thế khó. Nếu một mình có thể mì tôm qua bữa nhưng có con nhỏ phải chi thêm nhiều khoản… Để trang trải cuộc sống, hai vợ chồng gửi con cho ông bà xin đi làm thuê cạo mủ cao su. Còn Mai Kim Ngân – giáo viên mầm non Trường mầm non Lê Quý Đôn (Phan Thiết) hơn mấy tháng nay chỉ biết quanh quẩn ở nhà xã Hàm hiệp phụ mẹ nuôi heo. Cảnh ở nhà dài ngày đã quen nhưng nỗi thấp thỏm về công việc và thu nhập lại nhiều hơn bởi áp lực lên vai người mẹ đã lớn tuổi. “Thu nhập của giáo viên mầm non mỗi tháng không nhiều, nhưng đối với gia đình em cũng là nguồn thu nhập chính để lo cho bản thân và phụ giúp gia đình. Mất việc thấy bố mẹ thỉnh thoảng cũng buồn buồn, em chỉ mong dịch chóng qua để quay trở lại công việc”, Ngân nói.

 Đồng hành cùng cơ sở giáo dục mầm non

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, hiện toàn tỉnh có 39 trường mầm non ngoài công lập và 359 cơ sở giáo dục mầm non tư thục độc lập với 1.292 giáo viên. Giáo viên mầm non tư thục thuộc nhóm đối tượng số 4 “Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương” theo Nghị quyết 68/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do Covid-19. Tiếp cận chính sách hỗ trợ này sẽ phần nào giúp giảm bớt khó khăn của các giáo viên mầm non, đặc biệt giáo viên mầm non ngoài công lập. Hiện các huyện, thị thành phố đã lập danh sách thống kê các thiệt hại của các cơ sở GDMN đặc biệt là các cơ sở GDMN dân lập, tư thục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tiến hành làm hồ sơ để các giáo viên được thụ hưởng chính sách.

 “Dịch bệnh Covid-19 đã tác động không nhỏ đến ngành giáo dục, đặc biệt là đối với các cơ sở giáo dục mầm non tư thục. Mong rằng các cơ sở hãy cùng đồng hành, cố gắng vượt khó, với hy vọng dịch Covid-19 sẽ qua đi, các cơ sở được hoạt động trở lại và tiếp tục đóng góp cho ngành giáo dục” - Bà Nguyễn Thị Phương An - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh động viên.

Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường mầm non tư thục “gồng mình” trong đại dịch