Theo dõi trên

Triển khai thực hiện Nghị quyết 68: Công tâm, công bằng, kịp thời để an dân

06/09/2021, 08:18

BT- Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ như một món quà quý lúc này đối với người lao động mất việc làm, do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, vì liên quan đến quyền lợi của mỗi người lao động nên khi triển khai dễ nảy sinh vấn đề tâm tư, nghi ngờ. Do vậy, khi thực hiện, ngoài tính khẩn trương để tiền hỗ trợ sớm đến tay người dân, thì cũng cần đảm bảo công tâm, công bằng.

Bài 1: Nỗ lực trong khó khăn

 Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, trong đó có những địa phương trung tâm như TP. Phan Thiết, thị xã La Gi, hay các thị trấn, nơi tập trung người lao động với nhiều ngành nghề khác nhau, từ đó có nhiều vấn đề nảy sinh. Do vậy việc triển khai đòi hỏi sự công tâm, công bằng và kịp thời để người dân an lòng.

Khu phố trưởng giải thích khi người dân thắc mắc.

 Nỗ lực triển khai

Đến các xã, phường những ngày này mới cảm nhận không khí làm việc khẩn trương của cán bộ, lãnh đạo địa phương giúp dân sớm nhận gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng. Tất cả làm việc theo tinh thần Quyết định 2108 của UBND tỉnh, được cụ thể hóa từ Nghị quyết 68 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Hầu hết các xã, phường, thị trấn đều có cách làm giống nhau, thông báo trên loa phát thanh, triển khai xuống thôn, khu phố. Tuy nhiên, khi phát phiếu đến người lao động thì mỗi nơi mỗi cách. Với phường Mũi Né (TP. Phan Thiết), ngoài đối tượng lao động trong diện được hỗ trợ được phát phiếu, còn lại không trong diện cứ ai xin phiếu đều được đưa. Ông Nguyễn Văn Vũ – Chủ tịch UBND phường Mũi Né cho biết: “Để tránh so bì phiền phức tôi yêu cầu ai cũng phát. Sau đó thu về phân loại, ưu tiên những đối tượng trong diện được hỗ trợ theo quy định. Kết quả thu được chuyển đến Ban Chỉ đạo của phường, tiếp tục xét duyệt một bước nữa, trước khi chuyển lên UBND thành phố. Quá trình xét duyệt có đủ thành phần bí thư, trưởng khu phố, Mặt trận, đoàn thể, tổ tự quản... của khu phố. “Xong khu phố khi lên đến phường xét duyệt cũng trình tự phải như vậy”, ông Vũ nói thêm.

Với thị trấn Phú Long (Hàm Thuận Bắc) hay phường Phú Hài (TP. Phan Thiết) thì chia ra từng đợt theo đối tượng để xét. Phú Hài đã xét xong đối tượng bán vé số, xe ôm, Phú Long lân cận cũng tương tự. Ông Nguyễn Văn Trung –  Chủ tịch UBND thị trấn Phú Long cho biết: “Cho đến nay UBND thị trấn đã xét được 2 đợt với khoảng 421 đối tượng, chủ yếu bán vé số lẻ và buôn bán hàng rong, phụ bán quán ở thị trấn, hay ở TP. Phan Thiết và đang tiếp tục xét đối tượng này. Những đối tượng không thuộc diện được hỗ trợ như thợ hồ, điện, nước, sơn... chúng tôi đang kiến nghị UBND huyện xem xét vì theo quyết định chỉ áp dụng cho địa bàn TP. Phan Thiết và thị xã La Gi”. Ngoài ra, cũng có xã, phường như Phú Tài thì giao về cho khu phố tự rà soát những hộ đủ điều kiện phát phiếu cho họ, sau đó thu về nộp cho UBND phường xét duyệt.

Trong quá trình triển khai, những đối tượng không biết chữ hoặc không biết cách điền thông tin, các trưởng thôn, khu phố đi “từng ngõ, gõ từng nhà” viết giúp hoặc hướng dẫn qua điện thoại. “Sau khi phát phiếu, thu về thấy nhiều người không viết rõ ràng ngành nghề, cứ viết chung chung, nên tôi đến từng nhà hỏi cụ thể ghi rõ vào phiếu. Với những người không biết chữ thì phải xác minh viết giúp họ, nếu không thì có lỗi với họ”, ông Nguyễn Hồng Thanh – khu phố 7, phường Đức Nghĩa chia sẻ.

 Những vướng mắc

Vì liên quan đến quyền lợi gắn liền cuộc sống người lao động nên các xã, phường rất cẩn trọng. Công khai rõ ràng để người dân biết và hiểu chủ trương của Chính phủ, của tỉnh về triển khai gói hỗ trợ. Bà Nguyễn Thị Minh Ngọc - Chủ tịch UBND phường Thanh Hải cho biết: Rút kinh nghiệm từ gói 62.000 tỷ đồng năm ngoái, năm nay chúng tôi triển khai rất cụ thể. Gói 26.000 tỷ đồng này mở rộng ra nhiều đối tượng hơn, vì nhiều người lao động nghỉ việc do giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Nhưng hiện nay có cái khó cho chúng tôi khi triển khai thì nhiều đối tượng không có trong danh mục được hưởng hỗ trợ thắc mắc, so bì. Họ cho rằng, đã thực hiện theo Chỉ thị 16 thì người lao động nào cũng nghỉ việc, ai cũng có quyền lợi như nhau”, bà Ngọc trăn trở nói thêm.

Những trăn trở của bà Ngọc cũng đang là vướng mắc khó giải quyết chung của các xã, phường chịu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Vì theo Điều 1 tại quyết định chỉ quy định, thợ xây dựng nhà gồm: thợ hồ, điện, nước và thợ sơn tại Phan Thiết, La Gi được hưởng hỗ trợ, những nghề khác như thợ mộc, thợ sắt, sửa xe máy, thợ may... thì không. Tương tự, những ngành nghề dịch vụ khác như phục vụ quán ăn được hưởng, còn người phụ bán shop thời trang, quần áo thì không được hưởng...

 Một lãnh đạo phường Phú Tài chia sẻ: “Ai cũng đến khu phố xin phiếu, không phát thì họ la lối phản đối, mà đưa cho họ thì có những phiếu trưởng khu phố không dám ký xác nhận. Chúng tôi đang tập trung xét duyệt, những đối tượng thể hiện rõ trong quy định, còn lại để xét duyệt giải quyết sau”. Ngoài ra có tình trạng người dân cho rằng, khu phố trưởng thiên vị khi phát phiếu hỗ trợ. Ưu tiên cho người thân, bà con họ hàng, người thân thiết... Ông T.V.H – một trưởng khu phố ở Đức Nghĩa liên quan trong vụ việc cho biết: “Tôi giải thích nhiều lần, nhưng họ không chịu hiểu. Tôi chỉ làm theo quy định, nhưng họ cứ nghĩ tôi thiên vị. Khoản hỗ trợ này còn phải qua nhiều bước xét duyệt và niêm yết công khai tại trụ sở xã, phường, thậm chí trụ sở thôn, khu phố, làm sao tôi có thể thiên vị”. Ông Đỗ Quốc Bảo, Chủ tịch UBND phường Đức Nghĩa cho biết: Chúng tôi đã trao đổi với trưởng khu phố và những hộ gia đình có người thắc mắc, trong đó yêu cầu khu phố trưởng phát phiếu cho các gia đình. “Việc phát phiếu là một chuyện, quan trọng là khi xét duyệt phải công tâm rõ ràng, nếu đúng đối tượng thì giải quyết cho họ, còn chưa đúng thì để lại xem xét sau”, ông Bảo nói thêm.

Ninh Chinh

Bài 2: Hiểu để sẻ chia



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triển khai thực hiện Nghị quyết 68: Công tâm, công bằng, kịp thời để an dân