Theo dõi trên

Chuyện lời phê

03/09/2021, 09:45

BT- Trước khi sắp về hưu độ 3 năm, tôi được một cô học trò cũ tôi dạy khi mới ra trường được vài ba năm – bây giờ cô giữ chức vụ khá cao, gặp tôi và nói: Em nhớ mãi mấy từ thầy phê trong học bạ. Rồi cười: Em cảm ơn thầy.

Kỷ niệm vui

Lâu quá, tôi cũng không nhớ hồi ấy tôi phê thế nào, nên hỏi lại. Cô nói: Thầy chỉ phê: Có tâm hồn. Nhưng có sức động viên rất lớn. Nghe thế, tôi mới ớ ra, gật đầu tỏ sự đồng tình. Nhớ lại, trong những học trò mình dạy, không ít học trò tỏ ra thờ ơ, vô cảm, chai lì trước cuộc sống muôn chiều đang diễn ra. Nên khi phát hiện những học sinh biết vui, biết buồn, biết động viên phấn khởi, biết đớn đau, thương xót, sẻ chia với người chung quanh trước những nghịch cảnh éo le, thì trong lòng cảm thấy rất vui. Cô học trò nói cảm ơn vì tôi đánh giá chỉ số trí tuệ cảm xúc (EQ) của cô cao, giúp cô biết được điểm mạnh để phát huy. Tôi cười: Cũng nhờ “có tâm hồn” nên em mới làm lãnh đạo quản lý được nhiều người đồng tình và thương mến như vậy.    

Ngẫm từ hai phía

Hồi trước dịch Covid-19 bùng phát, một hôm ngồi uống cà phê, tôi đem chuyện lời phê trao đổi với một anh hiệu trưởng. Nghe xong, anh nói, vừa rồi có 2 học sinh làm hồ sơ xin đi lao động nước ngoài, nhưng trong học bạ xếp loại học lực trung bình, lời phê của giáo viên chủ nhiệm: Chưa thật sự cố gắng trong học tập, thỉnh thoảng nghỉ học không phép, xếp loại hạnh kiểm cả năm trung bình. Hai em trở về trường nhờ giúp đỡ sửa lại lời phê và hạnh kiểm. Bởi phê như vậy trong hồ sơ xin việc sẽ bị loại. Tôi hỏi, giải quyết như thế nào? Anh lắc đầu, giấy trắng mực đen thế rồi, làm sao mà sửa! Khổ lắm, lúc đi học thì nghịch phá, thầy cô khuyên bảo không nghe, đến khi va chạm với đời, mới biết ăn năn.

Ảnh minh họa.

Thế rồi bọn tôi lại trao đổi về lời phê, từ phê bài làm đến phê sổ đầu bài, phê học bạ. Anh nói lời phê khá quan trọng nhưng không ít giáo viên hiện nay họ không mấy quan tâm. Như về bài làm của học sinh, nhiều người căn cứ vào điểm làm bài để phê một vài từ, như bài làm đạt 5 – 6 điểm, phê “TB” – viết tắt chữ “trung bình”, bài làm 4 điểm trở xuống phê “yếu”, “kém”, hoặc điểm 7 trở lên phê “khá”, “giỏi”. Con điểm đã nói lên mức độ hạng thứ rồi, phê như thế là thừa. Có giáo viên chấm cả xấp bài môn xã hội, chẳng có một lời phê. Anh nói bây giờ làm bài kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm khách quan – trừ môn Ngữ văn, lại chấm bằng máy, giáo viên phấn khởi lắm. Lời phê trong bài làm lại vắng bóng. Anh cười, nhiều người phê trong sổ đầu bài càng không hiểu nổi, rất kiệm lời, như “được”, “ồn”, “thụ động”, “tích cực”, nhưng đến xếp loại thì không phân biệt được, như “được”, “ồn”… cũng đều cho cùng thang điểm B, có khi điểm A. Có giáo viên bực tức điều gì với một học sinh nào đó lại dùng con điểm xếp loại thấp nhất (C) để trừng phạt tập thể cả lớp, trong khi những học sinh còn lại sinh hoạt trong tiết học rất nghiêm túc. Những trường hợp như vậy sinh ra thắc mắc tranh cãi nhau không đáng giữa giáo viên chủ nhiệm với giáo viên bộ môn. 

Trách nhiệm với con người

Từ chuyện trên, tôi nhớ đến người thầy dạy bọn tôi hồi xưa – ông là một linh mục, có bằng tiến sĩ tâm lý học và tiến sĩ thần học ở Mỹ, khoa mời ông đến dạy môn tâm lý giáo dục học, có lần ông nhấn mạnh đến yếu tố quan trọng việc phê học bạ cho học sinh. Rằng các nước người ta chọn nhân viên, cộng sự, họ rất coi trọng đến lời phê của thầy cô giáo trong học bạ. Thế nên anh chị sau này đi dạy hết sức lưu ý điều ấy với học trò. Anh bạn lại tiếp, bây giờ có chủ trương căn cứ vào học bạ để xét tuyển sinh vào cao đẳng, đại học, chủ yếu dựa trên điểm xếp loại học lực là chính, bởi lời phê trong học bạ chưa thật sự chú trọng.

Tôi nói phê học bạ của giáo viên chủ nhiệm không dễ, bởi một lớp 40 học sinh là 40 tiểu vũ trụ tâm hồn riêng biệt đầy bí ẩn, bên cạnh những biểu hiện bên ngoài, mỗi học sinh đều có một năng lực riêng biệt, nếu biết phát hiện khơi gợi lên thì nó sẽ tỏa sáng và thành công trên đường đời. Thầy cô phê học bạ không nên dựa vào những biểu hiện vụn vặt của học sinh mà cần phát hiện cho được những sở trường - tiềm năng của họ. Nghe tôi nói thế, anh bạn lại cười: Có khi nhận xét trái ngược mới nguy, như trong một tư liệu có lần tôi đọc được về nhà văn hiện thực nổi tiếng thế giới Honoré de Balzac (1799 -1850) – Pháp, trong học bạ của ông hồi tiểu học, cô giáo phê: Học văn kém!    

      Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện lời phê