Theo dõi trên

Khởi sắc trên quê hương anh hùng

02/09/2021, 09:25 - Lượt đọc: 282

BT- Kỷ niệm 76 năm  Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2021), Đảng bộ, quân và dân huyện Hàm Thuận Bắc tự hào ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc. Để từ đó, mỗi tổ chức Đảng từ huyện đến cơ sở, các cấp chính quyền và mỗi người dân Hàm Thuận Bắc càng thấy rõ hơn bao giờ hết trách nhiệm to lớn vẻ vang là xây dựng Hàm Thuận Bắc ngày thêm giàu đẹp, văn minh.

Thị trấn Ma Lâm nhìn từ trên cao. Ảnh: Đ.Hòa

 Anh hùng thời chiến

Hàm Thuận Bắc - vùng đất anh hùng khi xưa giờ đây đã không còn vết tích chiến tranh tàn phá, thay vào đó là những đổi thay khang trang hơn, tươi đẹp hơn. Dẫu vậy, lịch sử và trong mỗi con người nơi đây vẫn ghi nhớ, những ngày đầu thực dân Pháp xâm lược, trên mảnh đất Hàm Thuận đã có những cuộc đấu tranh của các sĩ phu yêu nước tập hợp hàng ngàn thanh niên Hàm Thuận gia nhập nghĩa quân chống Pháp, nhưng đều bị thất bại. Kể từ năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Hàm Thuận đã có những nhóm cộng sản đầu tiên đến hoạt động xây dựng các tổ chức quần chúng và lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng. Đến ngày 2/9/1945, trên sân vận động Phan Thiết và các huyện, nhân dân trong tỉnh tổ chức mít tinh, diễu hành mừng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt nhân dân tuyên bố với thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập và tự do ra đời sau 80 năm dưới ách thực dân đế quốc. Cách mạng Tháng 8 thành công, từ nô lệ nhân dân ta trở thành người làm chủ đất nước. Cùng cả nước, nhân dân Bình Thuận nói chung và nhân dân Hàm Thuận nói riêng bước sang giai đoạn lịch sử mới.

Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, Hàm Thuận Bắc (từ năm 1983 trở về trước là huyện Hàm Thuận) đã ghi vào lịch sử những địa danh bất tử: “Khu Lê bất khuất, Tam Giác kiên cường, Nam Sơn trung dũng”, gắn với những chiến công oanh liệt, rất đỗi tự hào là vô vàn mất mát, đau thương. Toàn huyện có hơn 6.000 cán bộ, chiến sĩ và đồng bào hy sinh, gần 5.000 người bị tra tấn, tù đày, nhà cửa, ruộng vườn tan hoang, nhân dân phiêu tán. Dân và quân Hàm Thuận Bắc đã góp phần xứng đáng trong sự nghiệp giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Với những đóng góp ấy, dân và quân Hàm Thuận Bắc vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đảng bộ và nhân dân huyện Hàm Thuận; Đại đội 430 bộ đội địa phương huyện Hàm Thuận; Đại đội 450 bộ đội địa phương huyện Thuận Phong; Ban An ninh Hàm Thuận; 13/17 xã, thị trấn, 10 cá nhân và 766 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

 Trên vùng đất anh hùng hôm nay

Đất nước thống nhất, Đảng bộ và nhân dân Hàm Thuận Bắc bắt tay vào xây dựng quê hương, tiến hành hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định xã hội, phát triển kinh tế. 76 năm qua, Đảng bộ, quân và dân huyện Hàm Thuận Bắc đã phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, đoàn kết, chung sức chung lòng vượt qua bao khó khăn. Để đến hôm nay gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng, tạo chuyển biến trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Từ đặc điểm địa hình, khí hậu và thời tiết nên Hàm Thuận Bắc có hệ thống sông ngòi khá dày đặc với lưu lượng nước khá lớn, nhưng nơi đây vẫn là vùng đất thừa nắng, ít mưa, từ xưa người dân thấm thía câu “trăm sự nhờ trời”. Buổi đầu sau giải phóng, toàn huyện chỉ có 7 đập nhỏ, sức tưới năm cao nhất khoảng 5.000 ha, đất đai cằn khô, làm không đủ ăn, năm được năm thất.

46 năm sau ngày giải phóng với nỗ lực lớn, nhiều công trình thủy lợi quan trọng được Trung ương, địa phương đầu tư xây dựng và hoàn thành, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân. Đến nay toàn huyện có hơn 100 hạng mục công trình thủy điện, thủy lợi lớn, nhỏ: Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, đập Đan Sách, hồ Suối Đá, hồ Sông Khán, đập Sa Lôn… với năng lực tưới trên 30.000 ha. Đặc biệt công trình thủy lợi Sông Quao và gần đây là kênh Châu Tá tiếp nước từ thủy điện Đại Ninh đã làm nên sự hồi sinh của nhiều vùng đất khô cằn. Từ đây, tạo nên những vụ mùa bội thu, từ thiếu đói nay đã thừa ăn và dư lương thực để bán ra các địa phương khác. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và hệ thống thủy lợi trong huyện tạo điều kiện phát triển kinh tế trang trại, các vùng chuyên canh cây công nghiệp ngắn, dài ngày như: cao su, cà phê, điều, bắp lai và các loại cây ăn trái đặc sản: thanh long, xoài, sầu riêng, mít... Từ đó đã hình thành các nhà máy chế biến, bảo quản các loại nông sản, thực phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Xác định tầm quan trọng của mạng lưới giao thông trong việc giao lưu, phát triển kinh tế địa phương. Hàm Thuận Bắc đã có nhiều cố gắng huy động sức dân cùng với nguồn vốn của Nhà nước đầu tư nâng cấp, mở rộng, làm mới những con đường bảo đảm giao thông đến từng thôn, xóm. Đặc biệt trong những năm trở lại đây, huyện đã thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp đi đôi với xây dựng nông thôn mới có trọng tâm, trọng điểm. Cơ sở hạ tầng các xã nông thôn mới được đầu tư khá đồng bộ, bảo đảm đạt các tiêu chí; phong trào làm giao thông nông thôn tiếp tục được đẩy mạnh... Huyện Hàm Thuận Bắc phấn đấu đến cuối năm 2021, xây dựng xã Thuận Hòa đạt chuẩn nông thôn mới, lũy kế toàn huyện có 11 xã đạt chuẩn. Các xã Hàm Trí và Hồng Sơn đang phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao…

Kỷ niệm 76 năm Ngày Quốc khánh là dịp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân huyện Hàm Thuận Bắc tự hào về quá khứ hào hùng. Từ đó, tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, luôn kiên định niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và công cuộc đổi mới đất nước. Đưa huyện Hàm Thuận Bắc sớm tiến lên giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

THU HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khởi sắc trên quê hương anh hùng